Lao động với ý chí kiên cường, sáng tạo

Khép lại năm 2022, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những biến động mới, tiếp tục tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ta.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (KCN Đồng Văn II - Duy Tiên, Hà Nam) trong ca sản xuất. Ảnh | TRẦN HẢI
Công nhân Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (KCN Đồng Văn II - Duy Tiên, Hà Nam) trong ca sản xuất. Ảnh | TRẦN HẢI

Mặc dù vậy, với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, chúng ta đã hoàn thành 14/15 chỉ tiêu cơ bản, đạt mức tăng trưởng 8,02%, kiềm chế lạm phát dưới 4%, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững trật tự trị an, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 190 trên 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; trong đó, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước và quan hệ đối tác toàn diện với 13 nước; là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế, có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ; đã ký 15 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Bước vào năm 2023, cùng với những thuận lợi nêu trên, chúng ta đang đứng trước những thách thức lớn. Đó là, môi trường kinh tế quốc tế đang trở nên khó khăn hơn, các nền kinh tế lớn đều dự báo có suy thoái nhẹ; một số nước thực hiện chính sách “phòng vệ thương mại” với Việt Nam; lĩnh vực tài chính, tiền tệ đang đối mặt với nhiều rủi ro; thị trường lao động thiếu ổn định; việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn diễn ra chậm chạp; năng lực xây dựng thể chế, chính sách dù đã có cố gắng, nhưng còn nhiều bất cập...

Trong bối cảnh đó, chúng ta cần kiên trì xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao tính chống chịu của nền kinh tế trước các “cú sốc” từ bên ngoài. Cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đặc biệt coi trọng ổn định thị trường tài chính-tiền tệ, thực hiện chính sách tỷ giá và lãi suất một cách linh hoạt mềm dẻo.

Cần quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ những điểm nghẽn tăng trưởng và những vướng mắc trong cơ chế, chính sách. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp để đưa sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Hết sức chú trọng công tác đào tạo lao động có chất lượng cao. Đặc biệt, các ngành, các cấp cần kiên trì, kiên quyết đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, coi đó là cơ sở quan trọng để góp sức thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển lành mạnh và bền vững.

Các nhiệm vụ quan trọng nêu trên chỉ được thực thi có hiệu quả khi có sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp, các địa phương, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đề cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò người đứng đầu, đẩy lui tình trạng ngại khó, đùn đẩy trách nhiệm; khơi dậy tinh thần lao động kiên cường, sáng tạo của các doanh nghiệp và toàn dân. Khắc phục nhanh hiện tượng “đầu năm đủng đỉnh”, cuối năm “chạy dồn”.

Chủ trương đẩy mạnh các hoạt động lễ hội văn hóa lành mạnh dịp đầu xuân là đúng đắn, nhưng đó đây vẫn có hiện tượng “biến tướng” nhằm thu lợi bất chính cho một số tổ chức, cá nhân, gây lãng phí thời gian và tiền bạc của nhân dân, dẫn đến tình trạng sản xuất giẫm chân tại chỗ, công tác quản lý giáo dục-đào tạo, phòng, chống dịch bệnh bị buông lỏng...

Chấp nhận đối mặt và tìm cách vượt lên mọi khó khăn, thách đố là đòi hỏi tất yếu của sự phát triển kinh tế-xã hội hiện nay nếu không muốn duy trì mãi tình trạng là nước đang ở mức thu nhập trung bình, trong khi nhiều nước đang tìm cách tạo ra những bứt phá mới. Vì vậy “chiếc đũa thần” của chúng ta hiện nay vẫn là lao động với ý chí kiên cường, sáng tạo, với khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển mạnh mẽ và phồn vinh.