Láng giềng

NDO - Đang tắt máy điều hòa nhiệt độ, đèn đóm để về thì anh nghe thấy máy điện thoại di động của mình reo. Nhìn số, anh biết chị gọi. Vừa mở máy, chưa kịp cất tiếng, anh đã nghe giọng chị đầy hoảng hốt: “Anh ở đâu? Sắp về nhà chưa? Về ngay đi, em không dám mở cửa, khiếp lắm”. Anh giật bắn mình: “Có chuyện gì?”. “Eo ơi, kinh lắm, đứa nào cắm cái kim tiêm ngay ổ khóa nhà mình”.

Chẳng nói anh cũng biết đây là đòn dằn mặt của thằng con trai nhà sát vách bên phải. Tối hôm trước cả tổ dân phố họp, ông tổ trưởng thông báo với mẹ nó: “Hình như con nhà chị có biểu hiện chích, hút thì phải”. Mọi người xì xào: “Biểu hiện gì nữa, rõ là hút rồi, chẳng qua là muốn giấu...”.

Anh và chị, nói như cách nói vui đều là “Sinh viên nghèo vượt khó”. Tốt nghiệp đại học, hai đứa bám trụ thành công. Như nhiều cặp đôi khác không có gia đình tại Hà Nội, sau ngày cưới, họ vẫn cảnh thuê nhà. Tính ra, từ ngày anh chị lấy nhau, năm năm, họ phải chuyển nhà đến dăm bảy bận. Hồi mới cưới, họ thuê một phòng trong dãy nhà trọ ở một “xóm sinh viên”. Ba tháng sau, hai người đều có công việc ổn định và quyết định “nâng cấp” nhà trọ. Nhà thứ ba rồi nhà thứ tư... Chẳng nơi nào ở quá được năm, sáu tháng. Nhà thì gặp ông chủ mắt la mày lém. Nhà thì ở khu vực mất an ninh đến mức không thể sống nổi. Thậm chí có những nhà anh chị phải rời đi bởi lý do rất vớ vẩn, nhà sát vách luôn mở nhạc, hát ka-ra-ô-kê từ chập tối đến nửa đêm. Hoặc, nhà hàng xóm đổi nghề từ bán nước sang làm cửa hoa sắt, suốt ngày chí cha, chí chát, cô con gái nhỏ không sao ngủ nổi.

Căn nhà anh chị đang ở hiện giờ thuộc loại căn hộ bốn tầng, một tum, liền kề nằm trong một khu đô thị mới... Mọi nhà trong dãy đều đã hoàn thiện. Riêng chủ ngôi nhà này là bạn thân của thủ trưởng cơ quan anh, coi căn hộ là của cải, để đấy cho nên vẫn chưa hoàn thiện. Tuy vậy, họ cũng làm cổng, làm cửa trát và quét vôi tạm tầng một để cho thuê, còn từ tầng hai trở lên vẫn để nguyên gạch mộc.

Có lẽ, đây là căn nhà anh chịu ưng ý nhất từ trước tới nay. Từ đây vào trung tâm thành phố và nhất là cơ quan hai người làm việc không xa. Nhà mẫu giáo cho cô con gái học ngay gần, hàng xóm láng giềng xem ra đều thuộc diện dễ chịu. Bên phải căn hộ nhà anh chị là cơ ngơi của một ông giám đốc có bà vợ là dược sĩ, chủ một hiệu thuốc khá to trong phố. Bên trái là nhà hai ông bà già về hưu sống với hai vợ chồng cô con gái làm cán bộ nhà nước và đứa cháu ngoại bằng tuổi con anh chị. Có lần cô bé sang nhà anh chị chơi. Có hai cái kẹo mút, chị đưa cho mỗi đứa một cái. Nhanh như chớp, cô bé kia ăn xong trong khi con gái anh chị vẫn liếm láp cái kẹo vẫn gần như còn nguyên. Chị biết ý giục cô con gái ăn nhanh kẻo chảy ra áo quần. Đúng lúc đó bà ngoại cô bé hàng xóm gọi cháu về. Về nhà, chẳng biết cô bé hàng xóm kể thế nào mà sáng hôm sau bà nó vừa quét rác trước cổng nhà mình hắt sang bên nhà anh chị vừa lẩm bẩm rõ to: “Cứ tưởng là người có học, có văn hóa... Kẹo, bánh ngon nhà này chẳng thiếu...”. Nghe thấy vậy, chị định chạy ra hỏi xem có chuyện gì? Anh ngăn lại: “Cứ bình tĩnh, để hôm nào vui vẻ hãy hỏi. Hàng xóm láng giềng cả ấy mà”. Chị cáu: “Anh thì lúc nào cũng bán anh em xa mua láng giềng gần. Nói cho mà biết, có bán hết anh em xa, gần của cả nhà anh, nhà em cũng chẳng mua nổi hàng xóm ở đây đâu nhá”. Anh chống chế bằng câu yếu ớt quen thuộc: “Em cứ cả giận mất khôn”.

Nói vậy nhưng, hình như anh không nghĩ vậy.