Kỳ vọng vào bất ngờ

SEA Games 32 ghi nhận 54 vận động viên Việt Nam tham dự ở nội dung điền kinh, nhiều nhất toàn đoàn. Dù chỉ tiêu huy chương vàng giảm so thành tích có được tại kỳ Đại hội trên sân nhà, chúng ta vẫn hướng tới mục tiêu bảo vệ ngôi vị số một khu vực, đặc biệt với sự góp sức của lứa tài năng trẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Điền kinh Việt Nam nỗ lực bảo vệ ngôi vị số một khu vực. Ảnh: THỦY NGUYÊN
Điền kinh Việt Nam nỗ lực bảo vệ ngôi vị số một khu vực. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Nhiều tên tuổi lớn vắng mặt

Những trụ cột nào của điền kinh Việt Nam sẽ vắng mặt tại SEA Games 32? Nguyễn Văn Lai - "ông vua" cự ly 5.000m và 10.000m tại kỳ SEA Games 31, Quách Thị Lan - nhà vô địch 400m rào và 4x400m nữ, Khuất Phương Anh - huy chương vàng 800m nữ, cùng kỷ lục gia ném lao nữ SEA Games Lò Thị Hoàng, là câu trả lời.

Trong số này, Văn Lai đã giải nghệ. Lò Thị Hoàng chưa bình phục chấn thương đứt dây chằng. Sự việc năm vận động viên (trong đó có bốn cá nhân giành huy chương vàng) dương tính với doping tại SEA Games 31 cũng là lý do khiến nhiều tên tuổi vắng mặt.

Tại SEA Games 32, chỉ tiêu của tuyển điền kinh Việt Nam chỉ ở mức 14-18 huy chương vàng. Trên thực tế, việc điền kinh Việt Nam giành tới 22 huy chương vàng tại kỳ Đại hội trước là bất ngờ lớn. Chỉ tiêu ban đầu chỉ là 15-17 huy chương vàng, song những bước đột phá đến từ các nội dung ít kỳ vọng như ném lao, marathon, bảy môn phối hợp và 100m rào đã giúp điền kinh Việt Nam thăng hoa.

Tuy nhiên, không đơn giản để chúng ta lặp lại câu chuyện huy hoàng đó. Không chỉ vì các ngôi sao vắng mặt, mà còn do thiếu đi lợi thế sân nhà. Sự trở lại của "Nữ hoàng nước rút" Tú Chinh cùng chân chạy cự ly trung bình Nguyễn Trung Cường cũng chỉ bảo đảm được hai đến ba huy chương vàng ở những nội dung vốn luôn là thế mạnh của điền kinh Việt Nam.

Chia sẻ với Nhân Dân cuối tuần, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Đây là kỳ SEA Games rất nhiều thách thức với điền kinh Việt Nam, khi sau ba kỳ Đại hội liên tiếp bị chúng ta vượt mặt, Thái Lan đang rất nỗ lực để lấy lại ngôi vị. Họ đầu tư, đào tạo vận động viên, thuê chuyên gia ngoại để sẵn sàng qua mặt chúng ta trong lần này.

Về chỉ tiêu, điền kinh Việt Nam chỉ chắc chắn được 12 huy chương vàng. Còn 10 nội dung còn lại, chúng ta sẽ cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực. Thành tích khi ấy phụ thuộc vào một số yếu tố. Tại SEA Games 31, nhiều vận động viên được đánh giá cửa dưới, nhưng khi thi đấu trên sân nhà lại rất thăng hoa. Theo tính toán của chúng tôi, phải giành 16-18 huy chương vàng, điền kinh Việt Nam mới có thể bảo vệ vị trí dẫn đầu khu vực, bởi Thái Lan sẽ nắm chắc khoảng 14-15 huy chương vàng".

Kỳ vọng vào bất ngờ ảnh 1

Thời cơ cho dòng máu trẻ

Thách thức về lực lượng đối với điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32 cũng là thời cơ không thể thuận lợi hơn để các tài năng trẻ khẳng định mình. Ở nội dung 800m rào nữ, Bùi Thị Ngân và Nguyễn Thị Thu Hà là những niềm hy vọng mới. Hai gương mặt còn rất trẻ này từng phá kỷ lục quốc gia cho đoàn Nam Định.

Ông Mạnh Hùng nhận định: "Sau mỗi kỳ Đại hội, luôn có những cá nhân lớn tuổi nghỉ, còn người trẻ thay thế. Nhưng lần này cũng chỉ như tre già măng mọc thôi, chứ không hẳn là thay máu lực lượng. Tiêu chí tuyển chọn của điền kinh Việt Nam là những người giỏi nhất. Những tài năng trẻ đã khẳng định được bản thân tại Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc đều được chọn để dự SEA Games, như Lê Thị Tuyết hay Nguyễn Thị Ninh ở nội dung marathon. Chúng ta không lệ thuộc vào quá khứ. Trong tương lai, lứa trẻ hoàn toàn có thể làm tốt hơn nữa".

Tại SEA Games 31, marathon là nội dung gây bất ngờ lớn nhất cho khán giả đại chúng. Màn bứt tốc không tưởng của Hoàng Nguyên Thanh ở 2km cuối mang về tấm huy chương vàng lịch sử. Hướng tới kỳ Đại hội lần thứ 32, Nguyên Thanh vẫn tham dự với mục tiêu bảo vệ thành công ngôi vị dẫn đầu.

Song, hai cá nhân tiếp theo xuất hiện ở nội dung marathon nữ mới là những cái tên đáng chú ý. Lê Thị Tuyết, 19 tuổi, chỉ cao 1m50 gây sốc ở Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc năm 2022 khi về nhất nội dung marathon với thành tích 2 giờ 47 phút 30 giây. Người về nhì, Nguyễn Thị Ninh với 2 giờ 48 phút 3 giây cũng mới chỉ 18 tuổi, và là chân chạy marathon thứ hai của điền kinh nữ Việt Nam tại SEA Games lần này.

Việc đặt niềm tin vào những chân chạy cực trẻ như Tuyết và Ninh cho thấy tầm nhìn của Đội tuyển điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32. Xét về thành tích, cả Tuyết và Ninh đều có cơ hội "làm nên chuyện" tại Đại hội thể thao khu vực. Năm ngoái, huy chương vàng nội dung marathon dành cho nữ chỉ có thành tích 2 giờ 55 phút 28 giây, kém tới bảy phút so cột mốc mà Lê Thị Tuyết tạo ra vào tháng 9/2022.

Ông Hùng cũng đặt nhiều kỳ vọng vào hai chân chạy chưa đến tuổi 20 này: "Hai cô gái marathon của Việt Nam rất trẻ, đang có thành tích khá tốt so các đối thủ trong khu vực và còn có khả năng vươn lên hơn nữa. Chúng ta chờ đợi huy chương ở nội dung marathon nữ để bù vào những nội dung thiếu người vì chấn thương. Đây cũng là lý do đoàn chúng ta tới Campuchia tập huấn từ rất sớm. Nhiệt độ tại Campuchia ở mức 38-39 độ C, nếu không có mặt sớm sẽ rất khó thích nghi, đặc biệt là các chân chạy phía bắc có thể đối mặt với nguy cơ sốc nhiệt".

Ngoài sự chuẩn bị từ Liên đoàn, các vận động viên marathon cũng đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho nhiệm vụ SEA Games 32. Chủ nhân huy chương vàng Hoàng Nguyên Thanh sau khi tới Campuchia đã chạy thử luôn khung đường marathon để khảo sát cho các đồng đội. Đây là điểm khác biệt cực lớn so các kỳ SEA Games trước.

Còn nhớ tại kỳ Đại hội ở Philippines, chân chạy Hồng Lệ từng bị làm khó khi chỉ được đi khảo sát khung đường ngay buổi chiều trước ngày đua. Kết quả, Lệ bị lạc trong lúc thi đấu, và chỉ có thể giành huy chương đồng khi về đích trong tình trạng kiệt quệ thể lực.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32 này, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng về sự bứt phá, bùng nổ của các vận động viên.