Kỳ vọng làm mới, làm khác với SCIC

Sau nhiều năm tập trung vào việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, một bước ngoặt mới đang được kỳ vọng ở Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với mô hình Quỹ Đầu tư Chính phủ.

Hãng hàng không Vietnam Airlines đang gặp khó khăn trong cân đối tài chính để phát triển. Ảnh: Nguyễn Đăng
Hãng hàng không Vietnam Airlines đang gặp khó khăn trong cân đối tài chính để phát triển. Ảnh: Nguyễn Đăng

Gỡ nút thắt đầu tư

Qua hơn 15 năm hoạt động, SCIC đã tập trung vào sứ mệnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong khi vai trò nhà đầu tư Chính phủ còn khá mờ nhạt. Cụ thể, Tổng công ty đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.079 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước hơn 30.770 tỷ đồng; đã triển khai bán vốn tại 1.020 doanh nghiệp thu về 48.841 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 4,4 lần); nộp ngân sách nhà nước (NSNN) hơn 69.500 tỷ đồng. Tỷ suất ROE bình quân 13%/năm.

Còn trong vai trò nhà đầu tư Chính phủ, SCIC mới giải ngân 36.841 tỷ đồng, tích lũy vốn chủ sở hữu đạt gần 60.500 tỷ đồng, tổng tài sản đạt hơn 64.400 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách); vốn hóa thị trường của danh mục đạt hơn 200.000 tỷ đồng (khoảng trên 8,6 tỷ USD).

Mảng đầu tư phần lớn được thực hiện ở các hạng mục như bỏ thêm vốn vào các đợt tăng vốn hiện hữu của một số doanh nghiệp trong danh mục, đầu tư theo chỉ định, mua trái phiếu… Rất nhiều dự án đầu tư mà SCIC ấp ủ và triển khai với các đối tác nhưng hầu hết đều dang dở như nhà máy thuốc chữa ung thư, một số dự án hạ tầng, đường cao tốc…

Chức năng đầu tư của SCIC dù được quy định khi thành lập nhưng lại chưa thật sự được mở lối khi không có quy định cụ thể cho hoạt động này mà trên thực tế SCIC thực hiện đầu tư với các quy định chặt chẽ dành cho doanh nghiệp nhà nước ở Luật Quản lý sử dụng vốn, Luật NSNN với nhiều khắt khe.

"SCIC đã thẩm định nhiều cơ hội đầu tư tài chính và đầu tư dự án, nhưng công tác giải ngân chưa đạt như kỳ vọng do gặp nhiều vướng mắc về pháp lý như: Chiến lược phát triển và Kế hoạch sản xuất-kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm chưa được phê duyệt; thẩm quyền ra quyết định đầu tư của Hội đồng thành viên SCIC đối với các dự án nhóm B chưa được làm rõ…" ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch SCIC cho biết .

Ông phân tích rộng hơn "Theo Luật Quản lý sử dụng vốn, Luật NSNN hiện nay, nhiều lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước không thuộc đối tượng được Nhà nước tiếp tục đầu tư thêm vốn. Bên cạnh đó, Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương đang được kết chuyển về NSNN theo Luật NSNN. Do đó, thực tế phát sinh nhiều trường hợp doanh nghiệp nhà nước cần bổ sung vốn để mở rộng quy mô hoặc ứng phó tình hình khẩn cấp ngoài kế hoạch (như dịch Covid-19 vừa qua), lại không có nguồn vốn để đầu tư. Thí dụ điển hình như trường hợp Vietnam Airlines". Vậy nên, Chính phủ cần có một công cụ, một kênh đầu tư để thực hiện hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả cho các doanh nghiệp, ông Thành nhìn nhận.

Khu vực kinh tế nhà nước cần tiến lên phía trước

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược Phát triển mới của SCIC. Theo đó, SCIC sẽ là một công cụ, một kênh đầu tư của Chính phủ để hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong các ngành, lĩnh vực Nhà nước cần đầu tư, nắm giữ; đầu tư vào các doanh nghiệp (thuộc các thành phần kinh tế) hoạt động trong các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 để tạo động lực phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế. Quỹ cũng tham gia thực hiện các nhiệm vụ: ổn định thị trường tài chính; ổn định nền kinh tế vĩ mô; thúc đẩy cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; tham gia đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng của nền kinh tế...

Với những thế mạnh của mình, cùng với đặc thù hoạt động trong hệ sinh thái của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC có thể huy động và đầu tư bổ sung nguồn lực tài chính cho các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban. Khi tham gia đầu tư, SCIC - với vai trò là nhà đầu tư tài chính, phối hợp các doanh nghiệp thuộc Ủy ban - với vai trò là nhà đầu tư chuyên ngành, thực hiện đầu tư vào các dự án quy mô lớn, trọng điểm quốc gia có hiệu quả, thông qua đó, tạo động lực dẫn dắt và phát triển kinh tế-xã hội.

Để làm được những chiến lược trên, SCIC sẽ hoạt động theo mô hình Quỹ Đầu tư Chính phủ, đây cũng là điều được các chuyên gia quan tâm và thảo luận. Quỹ là tổ chức đầu tư thuộc sở hữu của Nhà nước được thành lập để sử dụng nguồn thu từ thặng dư cán cân thanh toán; dự trữ ngoại hối, tiền thu từ cổ phần hóa của Chính phủ; thặng dư ngân sách; thu từ xuất khẩu tài nguyên… đầu tư thực hiện các mục tiêu của Chính phủ.

Được coi là cánh tay nối dài của Chính phủ, các Quỹ Đầu tư Chính phủ đã đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có vai trò mở đường, dẫn dắt, lan tỏa để tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng. Temasek Singapore là điển hình về vai trò của Quỹ Đầu tư Chính phủ trong việc đầu tư vào các doanh nghiệp quy mô lớn hoạt động những ngành, lĩnh vực dẫn dắt nền kinh tế.

Năm 2021, tổng giá trị danh mục đầu tư của Temasek là 381 tỷ dollar Singapore (tương đương 280 tỷ USD). Trong đó, Temasek đầu tư và nắm giữ chi phối (một số doanh nghiệp là 100% vốn) tại các doanh nghiệp quy mô lớn trong các ngành, lĩnh vực liên quan hạ tầng cơ sở quan trọng của nền kinh tế… Quỹ Tài sản quốc gia Khazanah Nasional Berhad của Malaysia là cổ đông chi phối của một số công ty chiến lược trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng, dịch vụ tài chính, hàng không,… với tổng tài sản là 30,5 tỷ USD.

Theo Đề án: "Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác", Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lựa chọn SCIC với định hướng chuyển đổi hoạt động theo mô hình Quỹ Đầu tư Chính phủ là một trong tám "sếu đầu đàn" có vai trò dẫn dắt.

Mô hình trên sớm được thực hiện sẽ thể hiện rõ ý chí tiến về phía trước của khu vực kinh tế nhà nước, tức là không chỉ thoái vốn, bán đi, thu hẹp, nhỏ đi như giai đoạn vừa qua, mà phải có đầu tư thêm, nhất là những lĩnh vực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội như: năng lượng sạch, công nghệ, hạ tầng quan trọng quốc gia, các nguyên vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất…

Trong những năm gần đây, số lượng và quy mô tài sản của các Quỹ Đầu tư Chính phủ trên thế giới đã tăng mạnh. Tính đến cuối năm 2021, có khoảng hơn 200 quỹ, trong đó tổng giá trị tài sản thuộc phạm vi quản lý của 100 quỹ lớn nhất trên thế giới lên tới 9,16 nghìn tỷ USD.