Tiếp sức ngư dân vươn khơi, bám biển

Kỳ II: Từ tầm nhìn đến trách nhiệm và tình cảm

Ngư dân được coi là chủ thể, trọng tâm của kinh tế biển. Điều này đã được xác định trong nội dung Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Song để hỗ trợ thiết thực và bền vững nhất, cần xúc tiến chương trình đầu tư đào tạo nhân lực chất lượng cao, xây dựng các đội tàu khai thác lớn, đồng thời giảm cường độ khai thác ven bờ và tăng tỷ trọng nuôi trồng.
0:00 / 0:00
0:00
Cần nhiều biện pháp thiết thực hỗ trợ ngư dân. Ảnh: HƯƠNG GIANG
Cần nhiều biện pháp thiết thực hỗ trợ ngư dân. Ảnh: HƯƠNG GIANG

Hoàn thiện chính sách

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg, ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã kịp thời giúp các chủ tàu đánh bắt hải sản xa bờ khắc phục khó khăn trong giai đoạn giá nhiên liệu tăng cao, góp phần hỗ trợ ngư dân vươn khơi sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định đời sống, bảo vệ an ninh quốc phòng. Tại Bình Định, nhờ chính sách hỗ trợ, ngư dân đã mạnh dạn hoán cải tàu, thay máy, nâng công suất để tham gia khai thác vùng biển xa. Việc hỗ trợ, trang bị thông tin liên lạc (máy HF) đã góp phần tăng cường năng lực công tác quản lý tàu cá, giúp ích cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tàu cá trên biển.

Ngoài ra, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP hỗ trợ trực tiếp hơn 1.000 tàu cá đóng mới, đã góp phần tạo ra khí thế mới đưa ngư dân vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, trong thực tế không ít tàu đóng mới, nâng cấp theo nghị định này hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, có những tàu phải nằm bờ. Sau 10 năm thực hiện, nhiều địa phương kiến nghị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại nợ theo thẩm quyền, tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân có tàu cá vỏ thép bị hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa giảm bớt khó khăn. Về chuyển đổi chủ đầu tư, các địa phương kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn thực hiện chuyển đổi cơ chế bàn giao khoản nợ vay từ chủ tàu cũ sang chủ tàu mới, quy định về nợ quá hạn, lãi suất cho vay, hỗ trợ lãi suất trường hợp chủ tàu mới nhận lại khoản vay của chủ tàu cũ bị quá hạn để có cơ sở thực hiện.

Một số địa phương kiến nghị thêm, Chính phủ sớm ban hành Quyết định sửa đổi bổ sung chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg, trong đó, bổ sung hỗ trợ chi phí nhiên liệu đi và về chuyến biển, tối đa tám chuyến biển/năm để bảo đảm duy trì sự hiện diện thường xuyên của tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa, góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền đất nước. Ngoài ra, cũng cần chính sách khuyến khích liên kết các nghiệp đoàn, xây dựng hợp tác xã để nâng cao hiệu quả hoạt động khai khác và xuất khẩu hải sản.

Không chỉ dừng ở hỗ trợ an sinh

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lưu ý rằng, chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ an sinh xã hội. Chiến lược bắt đầu từ việc định danh, định hướng, đào tạo nghề nghiệp, tổ chức lại một ngành nghề chuyên nghiệp để hướng đến nền ngư nghiệp chuyên nghiệp. Chiến lược phải được xây dựng và triển khai thực hiện bằng tình cảm, bằng tinh thần trách nhiệm của chúng ta với hàng trăm nghìn ngư dân bám biển, sống chết với biển. Đừng chỉ nhìn ngư nghiệp qua những con số tăng trưởng, sản lượng khai thác, kim ngạch xuất khẩu, mà hãy ghi nhận từng đóng góp của những ngư dân chung tay tạo ra những con số đó.

Mới đây, trong buổi trực tiếp kiểm tra về công tác chống IUU và làm việc với tỉnh Phú Yên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, hiện nay nguồn lợi thủy sản trên biển ngày càng suy giảm, Chính phủ đã có chủ trương giảm khai thác, tăng nuôi trồng, do đó sẽ giảm số lượng tàu khai thác. Bởi thế, các địa phương cần tập trung đầu tư trang thiết bị cho tàu cá, nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tạo ra những chuỗi sản xuất gia tăng giá trị. Cũng cần đầu tư phát triển ngành nuôi biển và tập trung nghiên cứu chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân từ khai thác sang nuôi trồng thủy sản ổn định và hiệu quả.

Đối với nghiệp đoàn nghề cá, tổ đội sản xuất trên biển, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần phải tổ chức lại mô hình sản xuất, làm sao các thành viên trong tổ gắn bó mật thiết với nhau cả ngoài biển lẫn trên bờ. Đồng thời tăng cường mối liên kết giữa ngư dân, các thương lái với ban quản lý cảng cá; chính quyền địa phương cần gần gũi, thân thiện hơn. Để làm được những vấn đề này, cần phải từng bước thay đổi phương thức quản trị nghề cá.

Ở cấp địa phương, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết: Ngoài tổ chức các hình thức hợp tác, liên kết, nghiệp đoàn trong khai thác thủy sản trên biển, địa phương đang cơ cấu lại ngành thủy sản. Trong đó, tập trung cơ cấu lại thuyền nghề theo hướng giảm tàu khai thác ven bờ, hiện đại hóa đội tàu khai thác vùng khơi có chiều dài từ 15m trở lên, tăng cường sản lượng xuất khẩu. "Số người khai thác ít hơn, nhưng áp dụng khoa học, hiệu quả khai thác cao sẽ cho thu nhập cao hơn. Người dôi dư, không đi biển thì tập trung nuôi trồng", ông Phương phân tích.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi các nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi, hệ sinh thái, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án chuyển đổi nghề. Theo đó, từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ thực hiện chuyển đổi 290 tàu khai thác hải sản vùng ven bờ và 40 tàu cá hoạt động ở vùng lộng sang nghề nuôi trồng và dịch vụ nuôi trồng thủy sản, nghề cá giải trí. Tỉnh cũng chuyển đổi 50 tàu cá hoạt động ở vùng biển khơi đang làm nghề lưới kéo, lưới rê đánh cá thu, cá ngừ sang các nghề lồng bẫy, chụp, vây, câu, dịch vụ hậu cần; tập huấn, đào tạo nghề cho 1.100 ngư dân có tàu cá chuyển đổi phù hợp với nghề chuyển đổi mới. Giai đoạn từ 2026-2030, Quảng Bình chuyển đổi 390 tàu cá đánh bắt vùng ven bờ và 60 tàu cá hoạt động ở vùng lộng sang nghề nuôi trồng thủy sản, nghề cá giải trí…

Bài toán nguồn nhân lực

Lao động ngành thủy sản, cụ thể hơn là lao động đi biển đang bị già hóa, đồng thời thiếu nhân lực chất lượng. Qua những đợt khảo sát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, những năm qua, cơ cấu lao động của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có sự dịch chuyển theo hướng tăng ở các ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Nhiều cơ sở đào tạo ghi nhận tình trạng giảm sâu tỷ lệ sinh viên ở các ngành lâm nghiệp, thủy sản. Trong đó có một số chuyên ngành thủy sản truyền thống rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký theo học.

Ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Quản lý tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, chúng ta đang ngày càng hội nhập sâu với quốc tế, muốn phát triển ngành thủy sản, phải đào tạo nguồn nhân lực thật tốt. Từ xưa đến nay phần lớn lao động ngành này vẫn học nghề theo kiểu "cha truyền con nối". Trong khi nhiều tàu sắt đóng mới, công nghệ hiện đại thay cho tàu gỗ trước đây đòi hỏi có nhiều lao động kỹ thuật, có trình độ chuyên môn cao hơn thì chúng ta không đáp ứng được.

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới sẽ có các giải pháp đào tạo nghề cho ngư dân. Bên cạnh việc đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, người lao động sẽ được bồi dưỡng, tập huấn thêm kiến thức về quản lý, sản xuất, kinh doanh và hiểu biết về các vấn đề kinh tế-xã hội. Còn theo Tiến sĩ Võ Khắc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Quảng Bình, để giải bài toán nhân lực lao động trong lĩnh vực ngư nghiệp, trước hết cần sự quan tâm tạo điều kiện của Nhà nước và sự liên kết, hợp tác giữa các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề với người tuyển dụng như doanh nghiệp, hợp tác xã. Cụ thể, cần tạo các mối liên kết chặt chẽ giữa trường đại học và doanh nghiệp trong việc đặt hàng đào tạo, giới thiệu việc làm cho sinh viên ngành thủy sản.

Để hỗ trợ ngư dân khai thác ngoài khơi, tại huyện đảo Trường Sa hiện đã có trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, cung cấp mọi dịch vụ để ngư dân vươn khơi, bám biển và là nơi tránh trú an toàn cho tàu thuyền và ngư dân khi có bão. Các âu tàu ở Trường Sa có thể tiếp nhận sửa chữa tàu công suất 2.000 DWT, đủ sức cho các tàu có trọng tải từ 1.000 đến 2.000 tấn ra vào, neo đậu, tránh bão.