Ứng phó bão, lũ dồn dập

Kịch bản tốt cho những tình huống xấu

Có cường độ rất mạnh, cùng quá trình vận động hết sức phức tạp, đổ bộ trực tiếp vào đất liền các tỉnh miền trung, Tây Nguyên, nhưng may mắn là cơn bão Noru (cơn bão số 4) cho đến hiện tại không gây hậu quả nghiêm trọng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân các địa phương. Dự báo, từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều diễn biến thiên tai phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực, chủ động và các kịch bản ứng phó tốt cho mọi tình huống.
0:00 / 0:00
0:00
Ngập nặng sau bão tại Hội An. Ảnh: Thành Đạt
Ngập nặng sau bão tại Hội An. Ảnh: Thành Đạt
Kịch bản tốt cho những tình huống xấu ảnh 1

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra khu neo đậu tàu thuyền, động viên ngư dân tại cảng cá Triệu An, Triệu Phong, Quảng Trị. Ảnh: VGP

Nguy cơ sau bão

Theo Ban Chỉ huy tiền phương ứng phó với bão số 4 (bão Noru), cơn bão đổ bộ đất liền các tỉnh miền trung rạng sáng 28/9 với sức gió mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 13 khiến nhiều công trình, nhà dân tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền trung bị tốc mái, cây cối ngã đổ, mất điện diện rộng tại một số địa phương, mưa lớn sau bão đang gây ngập lụt nặng ở nhiều khu vực…

Thông tin tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ huy tiền phương ứng phó với bão số 4 vào sáng 28/9, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, mặc dù là địa phương nằm trong tâm điểm bão đổ bộ, tuy vậy, địa phương chưa ghi nhận thiệt hại về người; có hai nhà tốc mái; một dãy tường trường học bị đổ.

Ngay trước khi bão Noru đổ bộ vào đất liền, chiều 27/9 đã ghi nhận thiệt hại do lốc xoáy tại Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) làm nhiều hàng quán ven biển và 120 nhà bị tốc mái, sập tường (trong đó hai ngôi nhà sập hoàn toàn), bốn người bị thương đã được đi cấp cứu tại cơ sở y tế. Trên địa bàn Quảng Trị một số khu vực bị mất điện. Sáng 28/9, ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh cho biết, do mưa lớn, nước suối dâng cao đã cuốn trôi chiếc cầu bằng sắt nối thôn Thúc và thôn Cây Tăm. Có 330 hộ dân với gần 1.400 nhân khẩu trên địa bàn xã này đã bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.

Cảnh báo thêm về mức độ nguy hiểm sau bão, Tiến sĩ Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, những ngày sau bão ở khu vực miền trung tiếp tục có mưa to nên nguy cơ lớn nhất lúc này là lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt là các khu vực miền núi phía tây của Kon Tum, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị có nguy cơ rất cao, vùng trũng thấp, hạ du các sông cần đề phòng lũ.

Trực tiếp chỉ đạo các biện pháp ứng phó cơn bão Noru, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, đây là cơn bão lớn, công tác chuẩn bị cần tiến hành công phu, kỹ lưỡng. Phó Thủ tướng lưu ý, sau cơn bão này, các địa phương cần tập trung ba điểm chính: Thứ nhất, giữ vững tinh thần cảnh giác cao, hết sức chú ý đến trường học, thật sự hết bão mới cho học sinh đi học trở lại. Thứ hai, rà soát để giúp đỡ người dân bị thiệt hại; tổng hợp số liệu thiệt hại về người, tài sản. Thứ ba, khẩn trương khắc phục các điểm nghẽn, tránh ùn tắc giao thông. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được lơ là, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến sau cơn bão để chủ động ứng phó các tình huống.

Kịch bản tốt cho những tình huống xấu ảnh 2
Đội cứu hộ miễn phí tại Quảng Ngãi giúp người dân tránh bão. Ảnh: TN

Giải pháp mấu chốt

Năm nay, dự báo tây bắc Thái Bình Dương có bão mạnh, khả năng dồn vào cuối năm, cho nên sẽ tác động đến nước ta. Làm rõ hơn thông tin, TS Mai Văn Khiêm cho biết, không khí lạnh đến sớm kết hợp với hoạt động bão có xu hướng gia tăng tạo hình thế gây mưa. Trạng thái La Nina liên tục từ năm 2020 đến nay, những pha lạnh khiến xác suất mưa liên tục cao, đặc biệt ở khu vực Trung Bộ và Nam Trung Bộ. "Cần đặc biệt chú ý đến tình hình mưa lũ ở miền trung vào khoảng thời gian từ tháng 10-11. Thời điểm này, theo số liệu dự báo, khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng gia tăng lượng mưa khiến chúng tôi rất lo ngại về nguy cơ xảy ra mưa, lũ dồn dập như năm 2020. Ngoài ra, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc", TS Khiêm nói.

Còn theo TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia Biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai: Thống kê thiệt hại về thiên tai ở Việt Nam cho thấy, hoàn lưu bão gây mưa lớn, ngập lụt và lũ quét gây thiệt hại lớn hơn rất nhiều so với bản thân cơn bão trước đó. Người dân vẫn thường chủ quan khi nghe dự báo "bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới" và coi như mình đã ở vùng an toàn. Thực tế, áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu sau bão trong đất liền rất nguy hiểm. Phần lớn những thiệt hại về người và của là do người dân dù đã nghe tin dự báo nhưng chủ quan rằng bão lũ, sẽ chẳng đến được chỗ mình. Những bản làng vùng sâu, vùng xa, do điều kiện khó khăn nên càng ít có cơ hội cập nhật hơn.

Để nâng cao khả năng chống chọi với thiên tai và biến đổi khí hậu cực đoan, cần chú trọng triển khai nhiều giải pháp ứng phó, trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ tính mạng người dân. "Không cứu được cái gì thì cũng phải cứu được người. Và thật ra, cứu người không khó. Chúng ta chỉ cần biết được thông tin sẽ có bão, lũ xảy ra ở đâu và khi nào. Nếu xác định được cụ thể, việc sơ tán người sẽ đơn giản. Thí dụ, nếu người dân được báo sau một giờ nữa lũ sẽ đến, họ thậm chí không cần chạy lũ, chỉ cần đi bộ tránh khỏi vùng có nguy cơ lũ quét thì ít nhất cũng bảo vệ được tính mạng của mình và gia đình. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ: có những dự báo, ngay cả của các trung tâm dự báo uy tín thế giới và của cơ quan chức năng Việt Nam vẫn không thể xác định được cụ thể lũ sẽ về điểm nào và thời điểm nào. Công tác dự báo thiên tai và thời tiết cực đoan hiện nay không thể dự báo được chi tiết đến từng xã, phường, con sông, con suối", TS Huy cho biết.

Để có được những thông tin dự báo đủ chi tiết và chính xác, theo TS Nguyễn Ngọc Huy, chúng ta phải thiết lập hệ thống cảnh báo lũ sớm ở đầu nguồn các dòng sông, suối, dựa trên các nghiên cứu về lượng mưa, địa hình và bản đồ thủy lực, sau đó tập hợp thông tin và đưa ra bản tin cảnh báo. Tuy nhiên, Việt Nam có địa hình đồi núi phức tạp ở thượng nguồn với hàng nghìn nhánh sông và suối. Việc đầu tư lắp đặt và vận hành hệ thống cảnh báo sớm ở mọi nơi gần như là bất khả thi trong bối cảnh hạ tầng chưa đồng bộ và nguồn tài chính còn eo hẹp. Do vậy, đây là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung nguồn lực để giải quyết.

Điều tiếp theo là quyền ra quyết định ở các địa phương cần được quy định rõ ràng, chi tiết. Phương châm "bốn tại chỗ", gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ, đã cho thấy hiệu quả trong thực tế hoạt động ứng phó thiên tai, tuy nhiên, việc áp dụng phương châm này còn rất nhiều bất cập do hạn chế về thông tin, nguồn lực nên cán bộ cấp cơ sở vẫn phải "chờ chỉ đạo". Đây là vướng mắc cần sớm khắc phục để tăng sự chủ động cho chính quyền địa phương.

Chủ trì cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó bão số 4, sáng 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, với sự chủ động tích cực, "phòng hơn chống", việc ứng phó với cơn bão số 4 đã đạt được kết quả bước đầu tích cực. Tuy nhiên, cần đánh giá các giải pháp để rút ra bài học, sẵn sàng ứng phó những cơn bão tương tự trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường.