Không chỉ là thời tiết, sự cố

Những ngày qua, tình trạng cắt điện luân phiên không chỉ diễn ra ở các khu dân cư, mà ngay cả các khu công nghiệp, khối sản xuất. Không chỉ cắt một vài giờ, mà cắt cả ngày lẫn đêm. Việc cắt điện luân phiên không chỉ khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà không ít doanh nghiệp phải "lãnh đủ" vì ngưng trệ sản xuất, trong một bối cảnh vốn đã đầy khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00

Tiêu thụ điện tăng vọt vì nắng nóng là lý do đầu tiên được lãnh đạo Bộ Công thương cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải thích cho tình trạng phải cắt điện hiện nay. Lý do này không sai, mà hoàn toàn đúng. Thế nhưng, hết mùa hè này thì sẽ đến mùa hè khác. Mà mùa hè ắt sẽ nắng nóng, nên cứ đến mùa hè thì… sẽ cắt điện luân phiên. Nếu như lập luận này, thì quả thật đáng quan ngại cho cuộc sống sinh hoạt người dân, doanh nghiệp sản xuất, bởi khí hậu đang biến đổi, số ngày nắng nóng được dự báo ngày một gia tăng.

Thiếu điện không còn là nguy cơ, mà đã là hiện thực. Trước tình hình khó khăn về cung ứng điện hiện nay, tại Công điện số 517/CĐ-TTg ngày 6/6/2023 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Với Bộ Công thương, Thủ tướng yêu cầu đơn vị này nghiên cứu, hướng dẫn xử lý dứt điểm theo thẩm quyền đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã thực hiện đầu tư xây dựng nhưng không đáp ứng thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT; khẩn trương hướng dẫn về công tác đàm phán giá điện trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" đối với các dự án điện gió, điện mặt trời thuộc diện nêu trên theo quy định, hoàn thành trong tháng 6/2023. Rà soát quy định của pháp luật về điện lực để có hướng dẫn về đầu tư lưới điện truyền tải theo quy hoạch phát triển điện lực được duyệt, trong đó đẩy mạnh đầu tư theo hình thức hợp tác công tư trong quá trình xây dựng. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII…

Khoảng 5 năm trở lại đây, việc phát triển các nguồn điện mới cho khu vực phía bắc chậm hơn nhu cầu tiêu thụ điện năng. Do gặp khó khăn trong thủ tục lập dự án, chọn nhà đầu tư, thu xếp vốn hay giải phóng mặt bằng,… hầu hết dự án nguồn điện lớn chậm triển khai. Bên cạnh đó, năng lực của hệ thống truyền tải cũng là một vấn đề, gây sức ép hơn tới cung ứng điện tại miền bắc. Tốc độ phát triển lưới điện chậm hơn so tốc độ phát triển nguồn điện tái tạo… Chính vì vậy, những chỉ đạo, nhiệm vụ cụ thể mà Thủ tướng Chính phủ giao cho các đơn vị trong Công điện cũng chính là những giải pháp cấp bách, căn cơ cần rốt ráo thực hiện để bảo đảm cung ứng điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt, phát triển kinh tế-xã hội.

Để tháo gỡ khó khăn, cần sự chung tay của nhiều phía, đặc biệt là sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại liên quan cơ chế, chính sách. Tại Công điện, Thủ tướng cũng đã giao Bộ trưởng Công thương chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 1/1/2021 đến 1/6/2023. Việc thanh tra chuyên ngành được dư luận, nhân dân hết sức đồng tình ủng hộ. Bởi, muốn có giải pháp hiệu quả, hỗ trợ EVN khắc phục khó khăn lớn, năm nào cũng vất vả đối mặt (thiếu điện), thì trước hết phải xác định được trúng và đầy đủ nguyên nhân.