Không chỉ là sự thay đổi tên gọi

Trong lộ trình phát triển, năm huyện của Hà Nội gồm Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và Đan Phượng sẽ trở thành quận. Để không chỉ là một cuộc thay tên gọi hành chính, các địa phương cần hoàn thành các tiêu chí, tháo gỡ khó khăn, phát triển đồng bộ, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Vẻ đẹp giản dị ở làng quê Hà Nội cần được gìn giữ. Ảnh: Diên Khánh
Vẻ đẹp giản dị ở làng quê Hà Nội cần được gìn giữ. Ảnh: Diên Khánh

Hoàn thiện các tiêu chí

Huyện Hoài Đức đang tập trung nỗ lực triển khai các kế hoạch để hoàn thiện tiêu chí thành lập quận. Đến thời điểm hiện tại, Hoài Đức đã đạt 22/27 tiêu chí, tăng ba tiêu chí (Không gian công cộng đô thị; Tuyến đường văn minh đô thị; Công trình thương mại dịch vụ cấp đô thị) so thời điểm duyệt đề án. Các tiêu chí chưa đạt là: Cân đối thu chi ngân sách; Mật độ đường giao thông đô thị (mới đạt 9,92km/km2, yêu cầu là 10km/km2); Đất cây xanh công cộng (còn thiếu 19,95ha để hoàn thành tiêu chí); Cơ sở y tế cấp đô thị (còn thiếu khoảng 400 giường bệnh để hoàn thành tiêu chí); Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý (mới đạt khoảng 19,03%, yêu cầu là 50% trở lên).

Ông Phùng Bá Nhân, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức cho biết, huyện đã được UBND thành phố và các sở, ngành hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc liên quan, do đó, trong năm 2022 và 2023, Hoài Đức tập trung hoàn thành các dự án giao thông. Riêng tiêu chí tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý, huyện đang tích cực đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hai dự án trạm xử lý nước thải tại các xã Vân Canh, Sơn Đồng; triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư, thi công xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Lại Yên, nhà máy xử lý nước thải tại khu vực La Phù, Đông La...

Huyện Gia Lâm cũng đang khẩn trương hoàn thiện các kế hoạch hướng đến mục tiêu thành lập quận. Ông Trương Văn Học, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm chia sẻ: "Trong thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện được đặc biệt quan tâm, chú trọng và chỉ đạo quyết liệt. Huyện tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, các dự án hạ tầng khung có ý nghĩa lớn đến phát triển kinh tế-xã hội và kết nối giao thông vùng". Tính đến hết năm 2021, huyện Gia Lâm đạt 25/27 tiêu chí, hai tiêu chí chưa đạt bao gồm: Cân đối thu chi ngân sách và Mật độ cơ sở y tế cấp đô thị. Theo phân cấp nguồn thu nhiệm vụ chi giai đoạn 2022-2025 của thành phố, Gia Lâm được phân cấp cho huyện hưởng tối đa các nguồn thu trên địa bàn, năm 2022 được UBND thành phố giao bảo đảm cân đối thu-chi ngân sách. Đối với tiêu chí Mật độ cơ sở y tế cấp đô thị, huyện đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Bệnh viện đa khoa huyện Gia Lâm.

Huyện Đông Anh còn hai tiêu chí chưa đạt là Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý và Mật độ đường giao thông đô thị. Năm 2022, huyện thực hiện chuẩn bị đầu tư 720 dự án, trong đó, 243 dự án cấp huyện, 477 dự án cấp xã. Hiện nay, các đơn vị được giao tiếp tục khẩn trương hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, sắp xếp thứ tự ưu tiên để triển khai.

Ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, để hoàn thành các tiêu chí còn chưa đạt trên địa bàn, những tháng cuối năm 2022 và thời gian tiếp theo, UBND huyện Đông Anh sẽ tiếp tục rà soát, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hoàn thành các tiêu chí cấp huyện, cấp xã đã được phê duyệt. Trong đó, linh hoạt trong các hình thức đấu giá quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân, nhằm bảo đảm nguồn thu cho ngân sách và huy động được nguồn lực ngoài ngân sách.

Ở lĩnh vực môi trường, huyện Đông Anh có Nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long, công suất thiết kế khoảng 42.000 m3/ngày đêm nhưng đến nay chưa hoạt động hết công suất. Đại diện Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Đông Anh cho biết, huyện đang thực hiện xây dựng hệ thống thu gom dẫn nước thải về nhà máy, để xử lý thêm khoảng 28,7% lượng nước thải đô thị trên địa bàn. Ngoài ra, huyện triển khai thí điểm mô hình xử lý nước thải đầu nguồn tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Khi đầu tư, xây dựng mới các công trình của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, huyện cũng tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng các giải pháp thu gom, xử lý để tái sử dụng, góp phần tăng tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn.

Tính toán phát triển bền vững

Qua tìm hiểu, huyện Thanh Trì có ba tiêu chí chưa đạt là Cân đối thu chi ngân sách, Mật độ đường giao thông đô thị và Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý. Trong khi đó, huyện Đan Phượng mới chỉ đạt 20/27 tiêu chí. Để hiện thực hóa kế hoạch phát triển năm huyện thành quận vào năm 2025 và xa hơn thêm ba huyện được "nêu tên" lên quận vào năm 2030, đòi hỏi các huyện của Hà Nội sẽ phải hoàn thành kế hoạch triển khai các quy hoạch chi tiết trung tâm xã, điểm dân cư, không gian sản xuất (cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề-phố nghề, cụm đổi mới…); Ban hành và thực hiện quy chế quản lý kiến trúc cho khu vực điểm dân cư nông thôn. Đặc biệt là quy hoạch hệ thống giao thông nông thôn, các thiết chế văn hóa cơ sở và diện tích đất cây xanh công cộng theo hướng tiêu chí đô thị.

Theo KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội), việc chuyển các huyện lên quận như tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là một xu thế tất yếu, đáp ứng yêu cầu khách quan của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dân cư và lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, các huyện được lựa chọn cũng phải tính toán kỹ để không sa vào tình trạng bê-tông hóa, phải kiên trì đầu tư ngay từ đầu việc xây dựng các công viên, khu vực cây xanh đô thị, khu vui chơi trẻ em, trường học, bệnh viện, bảo tồn nghề cổ trong làng cũ, làng cổ. Đồng thời, các huyện cũng cần tăng cường biện pháp quản lý chặt không gian ven sông Hồng để bảo đảm quy hoạch phát triển của Thủ đô.

"Các huyện phải quan tâm cân đối hài hòa giữa quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống. Bài học về việc nhồi nhét các chung cư cao tầng vẫn còn đó. Chúng ta phải tạo nên những vùng quê đáng sống, kiểu mẫu ở ngay những nơi sẽ trở thành quận trong tương lai", KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, về bản chất ở nhiều xã trong các huyện đang thực hiện đề án lên quận, người dân vẫn sản xuất nông nghiệp. Việc chuyển từ huyện lên quận cũng có thể gây nên những tác động tiêu cực: Sự gia tăng về dân số, áp lực về giao thông, giáo dục, y tế, năng lượng, ô nhiễm môi trường; chi phí sinh hoạt cũng tăng cao hơn trước; diện tích đất sản xuất nông nghiệp sẽ từng bước bị thu hẹp, dẫn đến người nông dân bị mất việc làm, thu nhập không ổn định. Một thực tế rất khó tránh khỏi là sẽ có một bộ phận dân cư gặp khó khăn trong việc thích ứng quá trình đô thị hóa.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc chuyển từ huyện lên quận không chỉ đơn giản là sự thay đổi tên gọi mà có bản chất là quá trình "đô thị hóa", phản ánh sự thay đổi về mức độ tập trung dân cư, kết cấu nghề nghiệp xã hội, sự phát triển của cơ sở hạ tầng và lối sống đô thị. Các cơ quan chức năng cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc ngay từ bây giờ, tránh tình trạng như nhiều quận đang mắc phải là thiếu bãi đỗ xe, trường học, ô nhiễm môi trường, hễ mưa là ngập...

Là người công tác tại địa phương nhiều năm, ông Phạm Văn Khôi, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức cho biết, trong định hướng phát triển của huyện, không gian nông thôn sẽ được giữ gìn và phát huy giá trị hiện có bằng nhiều giải pháp, như: Bảo tồn vào phát huy giá trị của 155 di tích, hệ thống ao hồ được cải tạo, chỉnh trang bảo đảm vệ sinh môi trường. Hệ thống giao thông nội bộ các khu dân cư hiện hữu sẽ được cải tạo, chỉnh trang kết hợp nâng cấp hệ thống thoát nước, chiếu sáng, được kết nối với giao thông đối ngoại phía ngoài bằng các đường giao thông quanh các làng xã.