Khi tháng bảy về

C Ứ mỗi độ tháng bảy về, tháng bảy dương lịch, liền tháng bảy lịch ta, lại nao nao những nỗi niềm khó tả, khi lòng lánh hồng trần, hướng về thế giới bên kia-thế giới của những người đã khuất.
0:00 / 0:00
0:00
150 thanh thiếu niên kiều bào từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ tới thăm quần thể tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (Tam Kỳ, Quảng Nam), năm 2019. Ảnh: Đỗ Trưởng
150 thanh thiếu niên kiều bào từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ tới thăm quần thể tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (Tam Kỳ, Quảng Nam), năm 2019. Ảnh: Đỗ Trưởng

Chết không phải là hết. Có lẽ do sự gần gũi ông bà tổ tiên, do thấm sâu lẽ màu nhiệm, huyền vi của Phật giáo mà người Việt luôn cảm nhận được cái hữu hình trong thế giới vô hình, luôn cảm nhận được anh linh nghìn thế hệ vẫn đây, trong hồn sông núi, trong bóng cháu con. Trên bầu trời Việt, trong lòng đất Việt, phải chăng luôn rì rầm tiếng của những người thuở trước:

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao

giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói

về...

(Trích Đất nước, Nguyễn Đình Thi)

★★★

Tháng bảy dương là tháng có Ngày Thương binh-Liệt sĩ, tháng nhắc lòng ta biết sống "uống nước nhớ nguồn".

Và nhớ Bác khôn nguôi!

Bác là người đã hy sinh trọn đời cho đất nước.

Bác là người da diết đau nỗi đau mất mát của mỗi gia đình.

Bác nhắc chúng ta, sống không một phút được quên ơn.

Tháng 1/1947, Bác Hồ viết thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng chia sẻ nỗi đau thương vô hạn với gia đình có người con trai đã anh dũng hy sinh trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tháng 12/1946, ở Thủ đô Hà Nội. Bác viết:

"Tôi được báo cáo rằng: con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc.

…tôi không có gia đình, cũng không có con cái... Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.

Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông".

Ngày 17/7/1947, Bác viết một bức thư gửi Ban Thường trực Ban Tổ chức ngày Thương binh toàn quốc đề nghị phát động phong trào nhịn ăn ba tháng một bữa để giúp đỡ thương binh. Người viết: "Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng".

Thường đến ngày vui, là Bác nhớ về liệt sĩ. Ngày 31/12/1954, sau ngày miền bắc hoàn toàn giải phóng, trước thềm năm mới, Bác dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc diễn từ có đoạn:

"Hỡi các liệt sĩ,

Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về Thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng, thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc".

Trước khi qua đời, Bác còn dặn dò chu đáo trong Di chúc, rằng, "Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương… phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét…".

Giá của những giọt máu đào đổ xuống là không thể đo đếm. Ngã xuống cho hòa bình, cho độc lập Tổ quốc là những người con trung hiếu nhất, tài năng nhất của mỗi gia đình, của cả dân tộc. Và họ vẫn còn đó, trên mây thiêng Yên Tử; trong sóng nước Hồng Hà, Cửu Long Giang...

Tháng bảy về, chúng ta nhớ mình là người chịu ơn, mắc nợ đối với tiền nhân, với những gia đình có người hy sinh vì nước. Bởi thế, việc chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng, không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, mà của mỗi chúng ta, những người đang thụ hưởng giá trị của hòa bình và tự do, độc lập.