Khi đọc sách là vấn đề

Gần đây, khi đi dạy môn Viết sáng tạo và Truyền thông văn hóa nghệ thuật, tôi gặp phải một vấn đề là ngữ liệu văn học trở nên ít được các bạn trẻ ghi nhớ cũng như vận dụng như một vốn kiến thức gắn kết đời sống. Đặc biệt là các ngữ liệu văn học có tính kinh điển, truyền thống vắng bóng trong thế giới liên tưởng văn hóa của thế hệ trẻ. Việc tạo ra một cảm hứng cho việc đọc rất cần thiết để từ đó, những dấu vết văn hóa mang tính nền tảng mới có cơ sở để bắt rễ.
0:00 / 0:00
0:00
Việc đọc như một thói quen cần được hình thành từ khi còn nhỏ, bắt đầu từ gia đình. Ảnh: Fanpage Đường sách TP Hồ Chí Minh
Việc đọc như một thói quen cần được hình thành từ khi còn nhỏ, bắt đầu từ gia đình. Ảnh: Fanpage Đường sách TP Hồ Chí Minh

Ðọc kinh điển, có đáng ngại không?

Để thực hành được việc vận dụng vốn văn hóa, có một hiểu biết về hệ thống các trước tác kinh điển là một điều quan trọng. Trong truyền thống giáo dục văn hóa từ Đông sang Tây, việc có một nền tảng về các tác phẩm loại này đóng vai trò then chốt trong bồi đắp tri thức về lịch sử và tạo dựng ý niệm về giá trị của các mô hình xã hội. Nếu Á Đông quen thuộc với Tứ thư Ngũ kinh, làm cơ sở kinh sách của giáo dục Khổng giáo thì phương Tây cũng có những bộ sách làm nền tảng tư tưởng cho các hình thái phát triển của văn minh. Tuy nhiên, với sự tác động của công nghệ số, nhất là các tiện ích truyền dẫn thông tin tạo ra sự dư thừa nội dung, các tác phẩm kinh điển với khối lượng đồ sộ là thách thức to lớn cho việc tiếp cận. Thêm vào đó, sự lên ngôi của các nội dung ngắn (short content) trên nền tảng phương tiện truyền thông mới (new media) như mạng xã hội, các ứng dụng nghe nhìn trực tuyến, làm cho việc bỏ thời gian học thấu đáo từ sách kinh điển ít được lựa chọn.

Nhưng điều có lẽ thách thức hơn cả là người đọc có nỗi e ngại khi tiếp cận những ngữ liệu xưa cũ do những rào cản về bối cảnh và gu thẩm mỹ. Tất nhiên, theo thói quen ưu tiên của người đọc, sách văn học thường được nghĩ tới đầu tiên. Các bộ "Tứ đại danh tác" của văn học cổ điển Trung Quốc (Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký, Hồng lâu mộng) hay các bộ trường thiên tiểu thuyết của Victor Hugo, Lev Tolstoy dễ được đồng thuận để coi như những điển tác tham khảo. Trong phạm vi văn học Việt Nam, Truyện Kiều hay thơ Nguyễn Trãi ắt hẳn không nằm ngoài những khung tương ứng.

Tuy vậy, thực tế cho thấy, sự hiện diện của các trước tác này vô cùng mờ nhạt trong vốn đọc của giới trẻ. Tôi đã làm khảo sát nhỏ đối với mỗi khóa sinh viên ngành Viết văn, Báo chí hay Giải trí-Sự kiện ở nhiều trường đại học khác nhau, gần như không có bạn nào đọc được quá bốn câu Kiều liền mạch và những chi tiết trong các tác phẩm có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học. Sự xa lạ với các ngữ liệu văn học không chỉ xảy ra với các tác phẩm thời trung đại mà còn với các tác phẩm hiện đại, kể cả những tác phẩm có trong chương trình sách giáo khoa Văn học ở nhà trường. Sinh viên chỉ biết những tác phẩm rời rạc, thí dụ Vội vàng của Xuân Diệu, Chí Phèo (đoạn trích) của Nam Cao, mà gần như không biết tới những tác phẩm khác của các tác giả này, và cũng do đó không có ý niệm về sự phong phú của giai đoạn văn học 1930-1945. Một số tác phẩm từng rất quen thuộc với những thế hệ học sinh trước như Đôi mắt, Bên kia sông Đuống không còn hiện diện trong các bài học chính của các bộ sách giáo khoa mới, cũng khiến cho việc kết nối các ngữ liệu gặp những trở ngại nhất định. Tuy nhiên, vấn đề vẫn là ở thời gian dành cho việc đọc sách văn học giảm sút, đặc biệt các trước tác kinh điển chỉ được tiếp cận mang tính mục đích thực dụng hơn là tìm kiếm một giá trị thẩm mỹ trong quá trình tiêu khiển bằng việc đọc sách.

Khi đọc sách là vấn đề ảnh 1
Rất cần khơi dậy văn hóa đọc. Ảnh: Văn Học

Ðọc cần cảm hứng hay là kỷ luật?

Tìm kiếm một cách thức nào cho việc đọc, nhất là đọc sách kinh điển, trở nên dễ dàng hơn, là một điều không dễ. Nhiều phương thức giảng dạy lẫn hỗ trợ việc "tiêu hóa" nội dung các trước tác đã phổ biến trên thế giới, và bản thân tôi cũng cố gắng tìm một vài cách cho việc đọc của chính mình cũng dễ chịu hơn.

Thứ nhất là các tác phẩm văn học thường có mối liên thông với bối cảnh lịch sử, văn hóa, do đó tiếp cận văn bản cũng là tiếp cận một cảm giác về quá khứ. Người đọc nên xem những bộ phim tài liệu, đọc những sách nhập môn về bối cảnh văn hóa, xem những bức tranh và nghe những bài ca cùng thời với tác phẩm văn học, chúng có khả năng tái tạo một khí quyển văn hóa giúp họ gắn kết với văn bản thuận lợi hơn. Để giúp cho việc cảm thụ các tác phẩm về Hà Nội của Thạch Lam, Nguyễn Tuân hay Vũ Bằng được hấp dẫn hơn, sinh viên được nghe những bài ca trù hay tân nhạc, cũng như xem lại những thước phim tư liệu lẫn các bộ phim điện ảnh có giá trị về Hà Nội giai đoạn trước năm 1945.

Thứ hai là các ngữ liệu cần được đọc với sự trao đổi, mổ xẻ trong một cộng đồng đọc, từ gia đình, nhóm bạn đến lớp học hay các nhóm đọc kiểu câu lạc bộ hay cộng đồng mạng có chung sở thích. Việc có người cùng đọc rất quan trọng đối với người đọc trẻ tuổi, bởi lẽ sự đồng cảm về thẩm mỹ có thể là một động lực giúp cho tri thức thu nhận được ở lại lâu dài hơn, đồng thời cũng chính là quá trình trưởng thành về tư duy của họ.

Thứ ba là các ngữ liệu văn học cần được đọc như một thói quen thường nhật, dù là để giải trí hay thu nạp kiến thức. So sánh nào cũng là khập khiễng, nhưng xét về tính kỷ luật cá nhân, đọc sách không khác mấy việc tập thể dục, phải dựa trên một động lực tự thân. Với độc giả trẻ, thuận lợi của họ là khả năng tiếp nhận cái mới cao hơn, do cơ chế sinh học của não bộ quyết định việc hình thành các rãnh tư duy. Chia nhỏ khối lượng đọc thành các phần vừa đủ tiếp thu cho từng ngày, từng tuần, từng tháng… là một cách phù hợp để nuôi việc đọc dài lâu.

Cuối cùng, việc đọc như một thói quen dĩ nhiên phải được hình thành từ khi còn nhỏ, trong không gian học tập và sự gắn kết với gia đình, nhà trường, xã hội có những cơ sở thuận lợi cho việc tìm kiếm tri thức. Sẽ rất khó cho một cá nhân muốn khám phá tri thức nói chung và đọc sách văn học nói riêng khi môi trường chung quanh không có các tủ sách, thư viện hay những kết nối internet không dành cho việc truy cập các nội dung ngữ liệu kiến thức và văn chương. Công nghệ số hóa ngữ liệu thật sự có ích cho những ai muốn bồi bổ tri thức bằng cách tự đọc và tự học. Đồng thời, cũng rất cần những người hướng dẫn như giáo viên, người làm truyền thông truyền cảm hứng hay chính các tác giả để đưa ra những gợi ý chọn lọc cho việc đọc, tránh cho người đọc vấp phải những khó khăn trong việc đọc tràn lan, dẫn đến nản chí, bỏ cuộc. Tất nhiên, nếu những người này biết biến việc đọc thành nguồn vui thì quả không còn gì bằng.

Bàn về chuyện đọc của người trẻ sẽ trở thành sự lên lớp, song phải thừa nhận rằng, nguồn lực xã hội và đất nước tương lai nằm ở thế hệ này chỉ thay đổi về chất nếu việc đọc là một điều tiên quyết cho tích lũy tri thức. Hẳn nhiên còn rất nhiều gợi ý khác cho việc đọc cập những bến bờ trí tuệ, song nói gì đi chăng nữa, mỗi người hễ có cảm giác muốn tìm kiếm trong các trang sách một người bạn đồng hành trong hành trình tư duy, họ cần phải biến cảm giác ấy thành động lực và thực hành. Hôm qua bạn đã đọc được gì, hay hãy nói cho tôi bạn đọc gì, tôi sẽ nói bạn là ai, những câu ấy cũ như lịch sử văn minh sách vở nhân loại, nhưng không ai dám nói là chúng đã hết thời.