Hiệu quả "thích ứng linh hoạt"
Nếu không đến tận nơi, tận mắt chứng kiến thì thật khó hình dung nơi mà trước kia người ta hay gọi là "trường bổ túc văn hóa" lại có cơ ngơi bề thế và các hoạt động giáo dục phong phú, đa dạng như vậy. Một trong những cơ sở giáo dục mà chúng tôi muốn nhắc đến trong bài viết này là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên thành phố Chí Linh (Hải Dương). Được thành lập từ năm 1971, tiền thân là Trường bổ túc văn hóa Dân chính huyện Chí Linh, những năm đầu mới thành lập, trường chỉ có năm giáo viên với ba lớp chừng vài chục học viên, nhiệm vụ chủ yếu là dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ chủ chốt của địa phương, cơ sở vật chất nghèo nàn. Từ khi thành lập đến nay trường đã bốn lần đổi tên, và trở thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên thành phố Chí Linh, trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Chí Linh từ ngày 16/1/2018 đến nay.
Chia sẻ với phóng viên, bà Trịnh Thị Kim Dung, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện quy mô học viên mấy năm gần đây khoảng 1.500 người với nhiều độ tuổi, thành phần khác nhau. Nhiệm vụ chính của Trung tâm là tổ chức đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ở trình độ sơ cấp, bồi dưỡng hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên bao gồm: Chương trình xóa mù chữ và tiếp tục sau khi biết chữ, chương trình giáo dục để lấy bằng của hệ thống giáo dục quốc dân; tổ chức các hoạt động dạy và học; kiểm tra và cấp chứng chỉ theo quy định... Những năm gần đây, Trung tâm còn thực hiện tốt nhiệm vụ xóa mù chữ cho mấy chục phạm nhân đang cải tạo tại Trại giam Đồng Tiến, góp phần tích cực đưa các phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành án.
Ban Giám đốc Trung tâm, các giáo viên đã năng động sáng tạo, chủ động ứng dụng khoa học-công nghệ vào giảng dạy; tham gia tư vấn nghề nghiệp, tư vấn việc làm cho người học; phối hợp các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tuyên truyền, hướng nghiệp, phân luồng học sinh. Đồng thời, phối hợp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, gia đình người học trong hoạt động đào tạo nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp; tổ chức cho người học tham quan, thực hành, thực tập tại doanh nghiệp,...
Còn tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng, một sự kiện đáng nhớ diễn ra hồi đầu tháng 8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng đại diện các cơ quan ngoại giao, hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức khai trương Trung tâm Giáo dục thông minh Gyeongsangnam. Đây là dự án do Sở Giáo dục tỉnh Gyeongsangnam (Hàn Quốc) hỗ trợ xây dựng theo Chương trình hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Sở Giáo dục Gyeongsangnam. Không chỉ hỗ trợ đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, dự án còn cử các giáo viên, chuyên gia Hàn Quốc sang giảng dạy, tập huấn cho các giáo viên của Trung tâm. Theo ông Vũ Thế Thuy, Phó Giám đốc Trung tâm, thời gian tới, ở giai đoạn hai, Sở Giáo dục Gyeongsangnam tiếp tục hỗ trợ xây dựng Trung tâm Giáo dục thông minh Gyeongsangnam tại Hải Phòng; hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị, phòng máy tại các Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp và Giáo dục từ xa tại Nghệ An và Hà Đông (Hà Nội); hỗ trợ các hoạt động tập huấn giáo viên về giáo dục hòa nhập và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy cho gần 500 giáo viên trên toàn quốc.
Hai nữ chuyên gia Hàn Quốc là Kang Hani và Kim Jihuyn thuộc dự án cho biết, rất ấn tượng với khả năng tiếp thu nhanh nhạy và ham học hỏi, nhiệt tình chuyên môn của các học viên - giáo viên Việt Nam.
Mới đây nhất, ngay đầu năm học mới 2023-2024 này, Bộ Giáo dục Hàn Quốc phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam khai trương Phòng học thông minh thí điểm ứng dụng ICT lắp đặt tại Hải Dương. Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, phòng học này sẽ góp phần nâng cao trình độ và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý, giáo viên và học viên tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Dương, cho ngành giáo dục tỉnh Hải Dương. Qua đó, Bộ cũng tiếp tục quan tâm chỉ đạo để nâng cao hiệu quả sử dụng phòng học thông minh, vận dụng để tiếp tục phát triển thêm trong tương lai. Như thế, mô hình Trung tâm giáo dục thông minh tương lai Gyeongsangnam (Hàn Quốc) tại Hải Phòng (năm 2022) hay mô hình Lớp học thông minh ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông tại Hải Dương (năm 2023) sẽ là những mô hình có tính đòn bẩy quan trọng cho việc tăng cường, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ở Việt Nam.
Tiềm năng và cơ hội
Cả nước hiện có hơn 600 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên đang hoạt động. Tất nhiên không phải cơ sở nào cũng đã được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, thậm chí nhiều trung tâm còn thiếu thốn, trang thiết bị lạc hậu. Song, nhìn ở góc độ quản lý nhà nước, các sở giáo dục và đào tạo đã chủ động, tích cực ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên, nhất là cấp trung học phổ thông theo các nội dung xây dựng kế hoạch dạy học của trung tâm; chủ động tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho toàn bộ cán bộ quản lý và giáo viên để cập nhật chương trình và sách giáo khoa mới.
Ngoài ra, các trung tâm còn đa dạng hóa các chương trình giáo dục thường xuyên như: Đào tạo nghề ngắn hạn, nghề sơ cấp (3-6 tháng); chương trình bồi dưỡng thường xuyên; liên kết với các trường đại học, cao đẳng để dạy các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao năng lực nghề nghiệp cho các giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên, đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp; và thực hiện dạy các chương trình bồi dưỡng thường xuyên khác đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
Tuy nhiên, theo báo cáo số liệu thống kê ở một số địa phương, số học viên này ngày càng giảm. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do một số trung tâm chưa năng động, chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ được giao. Trong khi đó, số học viên là giáo viên, công chức, viên chức các sở, ngành tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ tại các trung tâm giáo dục thường xuyên tăng lên do yêu cầu đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và các yêu cầu ngày càng cao của vị trí việc làm, như Đồng Nai (9.568 học viên), Hà Tĩnh (7.063 học viên), Phú Thọ (836 học viên),...
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, hệ thống giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức, song cũng không ít cơ hội, nhất là thời gian tới, khi khoa học-công nghệ ngày càng phát triển, các chính sách quản lý cũng cởi mở hơn, cơ chế tự chủ hoàn thiện. Thực tế cho thấy, các địa phương đã chuyển trọng tâm trong việc quản lý hành chính sang quản lý chất lượng, tạo môi trường làm việc thân thiện, tạo động lực cho giáo viên. Kết quả cho thấy các trung tâm tự chủ, tự chịu trách nhiệm rõ nét hơn. Năm học 2022-2023, một số trung tâm đã chủ động tham mưu tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên, như các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên: Sơn Tây, Thanh Xuân (Hà Nội), thành phố Quy Nhơn (Bình Định), thành phố Hải Dương,… Đây là những tín hiệu thật sự đáng mừng.