Hoa khôi trở thành Bà Hoàng

NDO - Viêng Khăm, dịch nghĩa tiếng Lào nghĩa là Bức thành bằng vàng. Ấy là sau ngày cưới, người chồng yêu quý đã đặt cho bà tên đó! Thế mới biết ông yêu quý bà biết chừng nào. Tên Việt Nam của bà là Nguyễn Thị Kỳ Nam - một loại trầm hương quý giá. Khi về làm dâu của hoàng gia “đất nước Triệu Voi”, bà được mang tên mới Viêng Khăm, và họ mới theo tên chồng là Xuphanuvông.
Hoa khôi trở thành Bà Hoàng

Bà Kỳ Nam sinh ngày 3 tháng 12 năm 1921, là nữ sinh Trường Đồng Khánh, Huế. Bà Trần Thị Huệ (sau này là vợ Trung tướng Trần Quý Hai) bạn học của bà kể lại: “Kỳ Nam thông minh, xinh đẹp, nhí nhảnh, đa tài. Một hôm Kỳ Nam đi xem một cuộc thi người đẹp, Ban tổ chức lúng túng vì mãi mà chẳng chọn được ai. Chợt thấy trong khán giả đang chen chúc nhau, có một người con gái rất xinh, bèn mời lên sân khấu. Cô gái đó là Kỳ Nam. Cuộc thi năm đó, Kỳ Nam bất ngờ trúng giải nhất cuộc thi Hoa khôi xứ Huế”.

Hè năm 1937, bà Kỳ Nam về Nha Trang - nơi thân sinh Nguyễn Văn Sung đang làm chủ khách sạn Bông-Ne (Bon-air - không khí trong lành). Hôm ấy bà chợt thấy một người khách trai trẻ xách vali đứng tần ngần trước hai khách sạn giống nhau là Téc-mi-nuýt (Terminus) và Bông-Ne của bà nên tò mò theo dõi xem ông khách sẽ vào khách sạn nào. Bất ngờ, ông khách bước vào nơi bà đang đứng. Tại tiền sảnh khách sạn, bốn mặt gặp nhau như có một tia sét của tình yêu. Bà lúng túng nấp vào sau tấm rèm cửa, kêu lên: “Ba ơi ! Có khách”. Mấy ngày liền, bà ăn ngủ không yên, cứ bồi hồi trước chàng khách lạ vừa đẹp trai vừa có phong thái đĩnh đạc như một ông hoàng. Ông cũng đứng ngồi chẳng yên luôn dõi mắt tìm kiếm bà.

Mấy ngày sau, mới biết đó là một ông hoàng thật, tên Xuphanuvông - hoàng tử con của vua Lào, vừa nhận bằng kỹ sư Trường đại học Quốc gia Cầu đường ở Pa-ri, được bổ nhiệm về làm việc tại Sở Công chánh An Nam Trung kỳ, đóng tại thành phố Nha Trang.

Chưa đầy sáu tháng sau cuộc gặp gỡ tình cờ đó, ngày 19 tháng 1 năm 1938, lễ thành hôn của Hoàng thân Xuphanuvông và bà Nguyễn Thị Kỳ Nam được tổ chức ở Nha Trang. Mấy chục năm chung sống, ông bà có với nhau mười người con: tám trai, hai gái. Những người con bà sau này có người tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, có người làm Bộ trưởng, Thứ trưởng và cố vấn cho Chính phủ.

Sau ngày cưới, bà Kỳ Nam đã theo chồng đi làm cầu đường khắp ba nước Đông Dương. Khi Hoàng thân Xuphanuvông đang xây dựng cầu Yên Xuân bắc qua sông Cả gần thành phố Vinh, thì Cách mạng Tháng Tám bùng nổ. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời ông bà Hoàng thân ra Hà Nội để chuẩn bị Hiệp ước liên minh tương trợ Việt-Lào. Xe cộ trục trặc, ông ra Hà Nội trước, bà ra sau.

Bà kể: “Đến Hà Nội, người hướng dẫn đưa tôi vào Bắc Bộ phủ (dinh Thống sứ Bắc kỳ cũ), thẳng xuống nhà bếp thì thấy Cụ Hồ và Hoàng thân đang ăn cơm. Về làm dâu Hoàng gia Lào ngót bảy năm, vợ chồng chúng tôi chưa bao giờ dùng cơm trong bếp. Thấy tôi, cả hai người buông đũa. Cụ Hồ đỡ tôi ngồi xuống ghế và ôn tồn nói: “Cô ăn cơm luôn”. Tôi nhìn mâm cơm: gạo lức chưa chà kỹ nên mầu cơm hồng hồng. Muối mè, dưa chua, cá kho, xì dầu. Cụ Hồ hỏi thăm sức khỏe những ngày đi đường của tôi và nhìn tôi với đôi mắt trìu mến. Người nói: “Cô ăn đi” rồi gọi người giúp việc bảo: “Chú vào lấy hộ tôi lọ ruốc bông của phụ nữ Hà Nội mới gửi cho, ra mời bà Hoàng”...

Sau khi tiếp kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông bà Hoàng thân trở về Lào. Ông được Quốc trưởng Phết-xa-rạt - người anh ruột gọi ông về Lào nhận chức Bộ trưởng ngoại giao kiêm Tư lệnh các lực lượng vũ trang Lào. Lúc này giặc Pháp đã trở lại xâm lược Đông Dương. Hoàng thân Xuphanuvông được Chính phủ cách mạng Lào giao nhiệm vụ chỉ huy Liên quân Lào - Việt bảo vệ mặt trận Thà Khẹc.

Giặc đánh chiếm Thà Khẹc. Bà Kỳ Nam đưa hai con nhỏ đi lánh nạn. Ông chỉ huy bộ đội Lào - Việt rút quân vượt sông Mê Công qua Thái-lan, được Thủ tướng Thái-lan lúc ấy là ông Pri-đi Phơ-nôm-dôông tận tình giúp đỡ. Chính phủ kháng chiến Lào được thành lập, Hoàng thân làm Thủ tướng kiêm Chủ tịchMặt trận Lào Tự do. Sau đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, mà ông là một Ủy viên trong Bộ Chính trị, cùng nhân dân các bộ tộc Lào đã chiến đấu chống thực dân Pháp rồi chống đế quốc Mỹ suốt hơn ba chục năm trời, giành lại độc lập, tự do cho đất nước.

Không chỉ theo giúp chồng trong suốt hai cuộc kháng chiến, bà còn noi gương ông về sự ham học hỏi. Ông biết mười ba sinh ngữ thì bà cũng phấn đấu học tiếng Anh, Nga, Pháp, Hoa... Thời trẻ, tuy đã về làm dâu Hoàng gia, bà vẫn đi học ngành báo chí, nhận văn bằng biên tập viên. Những năm 40 của thế kỷ trước ở Sài Gòn, người ta vẫn đọc bài của bà trên báo Phụ nữ, báo Pơrétxơ-Anhđôsinoa với bút danh Mari K.N. Những bài viết của bà thường đi vào các chủ đề bênh vực người phụ nữ nghèo khổ và đấu tranh cho bình đẳng nam nữ.

Năm 1950, bà theo học đại học ở Trường Lômônôxốp nổi tiếng của Liên Xô, chuyên khoa kinh tế và một thời gian sau bà nhận được học vị giáo sư. Đầu năm 1980, mặc dù tuổi đã cao, bà vẫn theo học Trường Lý luận chính trị cao cấp Nguyễn Ái Quốc, tại Hà Nội.

Hoàng thân Xuphanuvông qua đời ngày 9 tháng 1 năm 1995, nhưng bà không bao giờ nghĩ rằng ông đã mất. Chúng tôi đến thăm, bà thường phàn nàn: “Ba đi công tác đâu mà lâu về thế”. Chúng tôi thường nói dối với bà: “Ba cùng chú Cay-xỏn Phôm-vi-hãn đang đi công tác ở tỉnh Xa-va-na-khét - Xa-va-na-khét là tên một tỉnh ở Nam Lào nhưng cũng có nghĩa là cửa ngõ của Thiên đường...

Bà mất ngày 1 tháng 9 năm 2006, thọ 85 tuổi.

--------

Ảnh trong bài: Ảnh cưới của Hoàng thân Xuphanuvông và bà Kỳ Nam. Nguồn: Tư liệu.