Hạn mặn sớm, đe dọa hàng trăm nghìn ha lúa

Thông thường, sau Tết Nguyên đán, nước mặn mới xâm nhập vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhưng năm nay hạn mặn đến sớm trước nửa tháng. Được dự báo ít nghiêm trọng hơn thời điểm năm 2019-2020, song hạn mặn năm nay có nguy cơ khiến hàng trăm nghìn ha lúa ở các địa phương ven biển bị ảnh hưởng. Miền Tây cần đưa ra biện pháp ngăn mặn kịp thời.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ nông nghiệp kiểm tra độ mặn trên kênh tại Bạc Liêu. Ảnh: Cửu Long
Cán bộ nông nghiệp kiểm tra độ mặn trên kênh tại Bạc Liêu. Ảnh: Cửu Long

Dự báo về mức độ xâm nhập mặn

Mùa khô năm 2023 sẽ ít hạn mặn gay gắt vì tình trạng La Nina còn kéo dài đến hết tháng 1/2023, tức là có khả năng mưa trái mùa từ nay đến Tết Nguyên đán. Đó là dự báo được Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long đưa ra. Ông Thiện cũng lý giải, mặn tăng nhanh ở các sông Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên thuộc Bến Tre thời gian qua do gió đông bắc hoạt động mạnh đẩy nước từ biển vào cửa sông và thủy triều vào kỳ nước rong cuối tháng 11 âm lịch năm 2022.

Tuy nhiên, phía Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra cảnh báo, có hàng trăm nghìn ha lúa ở các địa phương ven biển vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng do hạn mặn năm nay. Theo dự báo của Tổng cục Thủy lợi, ở các vùng cửa sông Cửu Long, đến tháng 1 và 2/2023, ranh mặn 4 gam/lít xâm nhập sâu hơn và cách cửa sông khoảng 50-60 km, cao hơn 5-8 km so trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn khoảng 8-20 km so năm 2020. Đến tháng 3/2023, tình trạng xâm nhập mặn ở mức độ nào tùy thuộc vào điều tiết nước từ các đập ở thượng nguồn sông Mê Công. Chẳng hạn, nếu nguồn nước tăng như một số năm gần đây thì xâm nhập mặn sẽ giảm nhưng nếu nguồn nước không tăng, xâm nhập mặn tiếp tục ở mức như tháng 2/2023.

Với khu vực sông Vàm Cỏ, vào tháng 1 và 2/2023, ranh mặn 4 gam/lít sẽ xâm nhập sâu và cách cửa sông 60-65 km, cao hơn 5-10km so trung bình nhiều năm và thấp hơn 15-20km so năm 2020. Đến tháng 3/2023, ranh mặn 4 gam/lít có thể lên 65-70km, cao hơn trung bình nhiều năm 5-10km và thấp hơn năm 2020 khoảng 10-20km. Ở ven biển Tây trên sông Cái Lớn, cống Cái Lớn đã được vận hành nên xâm nhập mặn được kiểm soát.

Căn cứ vào dự báo xâm nhập mặn trong mùa khô 2022-2023, Tổng cục Thủy lợi cho biết, chỉ tính vào thời điểm cao nhất, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng đến 60.000 ha diện tích sản xuất lúa của một số địa phương ven biển. Đối với cây ăn trái, xâm nhập mặn có khả năng gây ảnh hưởng đến 43.300ha.

Chủ động tìm cách thích nghi

Hai năm trước, hạn mặn kéo dài hơn sáu tháng khiến các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho tám tỉnh ứng phó. Tại Bến Tre, hạn mặn khiến gần 5.000 ha lúa gieo sạ ngoài lịch bị chết héo, hơn 10.000ha cây ăn quả, 14.000ha dừa cùng 1.000 ao nuôi tôm thiệt hại.

Năm nay, chủ động ứng phó hạn mặn, các ngành chức năng đã liên tục khuyến cáo, vận động người dân thực hiện sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước, ngay cả những khu vực chưa bị xâm nhập mặn cũng được chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó khi hạn mặn xảy ra. Nhiều tỉnh miền Tây chủ động súc xả hồ chứa từ sớm, đắp đập thép tạm trữ nước ngọt.

Chỉ về phía bồn chứa nước ngọt, ông Phạm Văn Trí, 65 tuổi, người dân tại xã Giao Long (Châu Thành, tỉnh Bến Tre) chia sẻ, gia đình ông đã sớm tranh thủ trữ nước cho sinh hoạt, sản xuất. Lượng nước dự trữ đủ dùng cho khoảng sáu tháng tới giúp ông Trí an tâm hơn.

Tuyên truyền để người dân chủ động ứng phó đi đôi với xây dựng các công trình thủy lợi lớn cấp tỉnh là những giải pháp được tiến hành rốt ráo để ngăn mặn. Nhiều địa phương đã đưa vào vận hành hàng loạt công trình thủy lợi, sẵn sàng các phương án để bảo vệ sản xuất, kiểm soát tốt nguồn nước. Chẳng hạn tại Tiền Giang, tỉnh đã thi công đập thép trên kênh Nguyễn Tấn Thành, kinh phí hơn 10 tỷ đồng ngăn mặn, trữ nước ngọt cho 1,1 triệu dân cùng 128.000ha sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, tỉnh có hàng chục giếng khoan công cộng phục vụ người dân nếu tình hình mặn phức tạp.

Trong khi đó, ở Bạc Liêu, công trình cống âu thuyền Ninh Quới tại huyện Hồng Dân được vận hành hợp lý đã chủ động điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho hàng trăm nghìn ha lúa, rau màu trong tỉnh và tỉnh bạn Sóc Trăng, Hậu Giang. Đặc biệt công trình cống Cái Lớn, Cái Bé - lớn nhất miền Tây, với vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, đã được vận hành từ cách đây một năm giúp ngăn nước mặn xâm nhập, giữ ngọt phục vụ sản xuất cho hàng trăm nghìn ha đất ở Kiên Giang và các tỉnh Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu. Đến nay cho thấy việc vận hành công trình này bảo đảm ổn định nguồn nước cho các hệ sinh thái mặn, mặn-lợ và ngọt theo trung bình nhiều năm.

Hạn mặn không phải là mối đe dọa mới với đồng bằng sông Cửu Long, nhưng sự thất thường của nguồn nước từ thượng nguồn Mê Công đổ về lại thật sự đáng ngại và không còn cách nào khác, vùng đồng bằng phải tìm cách chủ động thích nghi. Năm nay, theo thông tin từ Dự án MDM (Theo dõi các đập sông Mê Công của Trung tâm Stimson, Mỹ), 45 đập thủy điện Mê Công đến cuối mùa mưa (tháng 10/2022) tích nước đầy khoảng 74% thể tích. Đây là lượng nước khá dồi dào, sẽ được xả ra phát điện trong mùa khô tới, làm tăng dòng chảy vào mùa khô ở sông Mê Công.

Phân tích sâu hơn, các chuyên gia nhận định, sự vận hành tích-xả của các đập thủy điện khiến mực nước sông Mê Công sẽ còn gây ra những biến đổi thất thường, kéo theo là ranh giới xâm nhập mặn ở vùng châu thổ này biến đổi, nhất là ở các nhánh phía bắc của sông Tiền gồm Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông. Trong đó, tỉnh Bến Tre và cả TP Bến Tre bị đe dọa nhiều nhất. Chính vì vậy, như chia sẻ của TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ), chúng ta phải chấp nhận kịch bản hạn, mặn uy hiếp miền Tây sẽ lặp lại, không có cách nào khác là phải tránh, né mặn.

Đối với vùng trồng cây ăn trái lâu năm, bằng mọi cách phải tìm nguồn nước ngọt để bảo vệ, có thể là đắp các đập tạm trữ nước ngọt, chuyển nước từ vùng khác. Bởi vì thiệt hại của cây ăn trái được tính bằng 5-10 năm chứ không phải 2-3 tháng như vụ lúa, vụ màu.