Giữ bền một mối xa thư

Bài thơ được khắc chính giữa điện Thái Hòa - Cố đô Huế, viết rằng: "Văn hiến thiên niên quốc/ Xa thư vạn lý đồ/ Hồng Bàng khai tịch hậu/ Nam phục nhất Đường Ngu" (Ngàn năm văn hiến cõi bờ/ Bản đồ một mối xa thư trải dài/ Hồng Bàng mở nước đến nay/ Phương Nam riêng cũng có ngày Thuấn Nghiêu). Lịch sử dân tộc, trải mấy nghìn năm luôn là cuộc song hành gìn giữ, đấu tranh để bảo vệ bờ cõi và văn hiến.
0:00 / 0:00
0:00
Một cuộc thi thổi cơm tại Bắc Giang, nét văn hóa xưa được trao truyền qua nhiều thế hệ. Nguồn: BTC cuộc thi ảnh “Vẻ đẹp Việt Nam” của Truyền hình Nhân Dân.
Một cuộc thi thổi cơm tại Bắc Giang, nét văn hóa xưa được trao truyền qua nhiều thế hệ. Nguồn: BTC cuộc thi ảnh “Vẻ đẹp Việt Nam” của Truyền hình Nhân Dân.

THEO quan niệm xưa ở nước ta và các nước đồng văn, khi giang sơn đất nước thu về một mối, chế độ văn vật áp dụng thống nhất thường được khái quát bằng hai biểu trưng "xa thư". Nghĩa là, phương tiện ngựa xe lưu thông thông suốt theo cùng một quy cách; chữ viết nhất quán thuận tiện cho việc truyền bá văn hóa. Tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội), đôi câu đối trên bia đình cũng nhắc đến khái niệm này: "Xa thư cộng đạo kim thiên hạ/ Khoa giáp liên đề cổ học cung" (Thiên hạ nay, xa thư về cùng một mối/ Nhà học xưa, khoa giáp xuất hiện liền nhau), ca ngợi đất nước toàn vẹn cùng áp dụng một chế độ, đạo học tiếp nối truyền thống, nhân tài xuất hiện đông đảo.

Trong suốt 93 năm qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta không chỉ coi trọng vai trò của văn hóa, văn hóa dân tộc mà còn góp phần tôn bồi, làm dày thêm những giá trị mới, tiến bộ và phù hợp với thời đại. Nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (năm 1930) đã đề cập đến vấn đề phát triển văn hóa dân tộc; đến "Đề cương văn hóa Việt Nam" năm 1943, Đảng ta chỉ rõ "Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa)". Tiếp đó là Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII và đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, năm 1998, Trung ương Đảng đã thể hiện quyết tâm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

MỚI đây, Đại hội XIII của Đảng xác định những quan điểm, chủ trương mới, sâu sắc và toàn diện, đột phá về phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực, được khẳng định trong Văn kiện rằng: "Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển"; "Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững". Trong chiến lược phát triển tổng thể của đất nước thời gian tới, Đảng ta cũng thể hiện quyết tâm đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững; bảo đảm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức ngày 24/11/2021 là hàng loạt các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học được tổ chức nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới; hoàn thiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới,… từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm phát triển văn hóa, văn nghệ giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua, hưởng ứng và thực hiện các nghị quyết của Đảng về văn hóa, nhiều đơn vị, tổ chức và cá nhân các văn nghệ sĩ, trí thức đã có những hoạt động sáng tạo thiết thực, hiệu quả.

Dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, cuối năm 2022, lấy chủ đề "Một mối xa thư", nhóm các cây bút thư pháp Nhân Mỹ học đường cùng bạn bè yêu thích thư pháp Việt và Hán Nôm đã tổ chức thành công triển lãm tại Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, hội tụ các tác giả từ ba miền đất nước. Thông qua các tác phẩm được trưng bày, triển lãm thể hiện khái quát các giá trị nhân văn tốt đẹp, ca ngợi non sông liền một dải và truyền thống văn hiến nghìn năm của dân tộc Việt Nam.

Rồi từ thành phố, có những nhóm sưu tầm sắc phong, cổ vật, lặn lội tìm hiểu, biên chép, lần tìm đến các địa phương để hồi hương những "gia bảo" về đúng vùng văn hóa. Ở những không gian, vùng miền có nét văn hóa riêng, điều đáng mừng là không ít người trẻ, các em học sinh đã ý thức trong việc giữ gìn truyền thống, nỗ lực học tập các nghệ nhân đi trước, nhất là ở các khu vực có di sản (cả vật thể và phi vật thể) được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận hoặc đề nghị "bảo vệ khẩn cấp", như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế, không gian Hoàng thành Thăng Long, Hát quan họ, Hát xoan, Hội xòe,…

NHÂN những ngày áp Tết cổ truyền, bàn thêm về việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trước những vấn đề đã nêu với nhiều thách thức đang đặt ra, không thể không nghĩ đến "văn hóa công vụ". Bởi đội ngũ cán bộ, công chức - là "then chốt của then chốt" - trong cơ quan nhà nước là chủ thể quan trọng tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có lĩnh vực văn hóa; đồng thời đây cũng là lực lượng vận thông giá trị văn hóa công vụ tại các cơ quan, đơn vị, họ cũng là chủ thể sáng tạo văn hóa công vụ của đơn vị mình trong thực tiễn công tác. Để xây dựng và phát triển văn hóa công vụ, người đứng đầu cơ quan phải biết phát huy tính tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức qua thực tiễn công tác, thực thi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình. Tuy nhiên, muốn cho hệ giá trị chuẩn mực văn hóa công vụ của nền hành chính Việt Nam đi vào thực tiễn, đòi hỏi chúng ta phải phát huy vai trò của cán bộ, công chức, ý thức trách nhiệm về công vụ của mỗi người khi thực thi công vụ.

Với hàng loạt các Quy tắc ứng xử, quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp được kế thừa từ truyền thống văn hóa dân tộc, kết hợp và được chọn lọc từ quá trình hội nhập quốc tế, nhất định văn hóa Việt Nam sẽ xác lập những giá trị mới, góp phần khẳng định vị thế đất nước trên trường quốc tế.