Tự lâu đời, với hầu hết người dân quê, giếng nước là nguồn sống. Ngoài những giếng nước của riêng mỗi nhà, làng quê nào cũng có ít nhất một giếng chung cho cả làng. Và giếng làng là nơi các thôn nữ ra gánh nước. Các cô gái quê thường coi giếng là cái gương soi, để mỗi lần ra lấy nước là một lần soi mình làm duyên. Do vậy mà trai làng hay để mắt đến giếng làng. Và giếng làng thường là nơi trai, gái hẹn hò. Đời người, thuở nhỏ biết đến cái giếng, dần lớn lên mới biết đến sông, đến biển, và tới những chân trời...
Vài chục năm trở lại đây, các làng quê Việt Nam được ngói hóa, bê-tông hóa, nhiều nhà xây bể lớn để chứa nước mưa ăn cả năm, nhiều làng cổ ven đô còn có nước máy dẫn đến tận nhà, người ta ít dùng nước giếng. Nhưng giếng làng đâu dễ gì quên lãng được?!...
Giếng đình làng Sinh Quả (Thanh Oai, Hà Nội).
Thực tế ở nhiều nơi, có nhiều giếng làng bị lấp đi để lấy mặt bằng xây dựng. Tuy nhiên, không ít nơi, giếng làng vẫn đang tham gia vào đời sống thường nhật của người dân, vẫn là nguồn nước sạch của nhiều nhà. Hơn nữa, ở nhiều vùng quê, trước đình làng, bên chùa làng vẫn giữ nguyên những giếng xây gạch Bát Tràng, được coi là nguồn tụ thủy tụ phúc của cả làng. Dẫu không còn là nguồn cấp nước dùng cho dân chúng, nhưng nhiều làng quê vẫn giữ gìn nước giếng sạch sẽ. Đó là một việc làm của cộng đồng, dường như, để giữ trong sạch một mảnh hồn quê. Như trường hợp giếng Đình của làng Đại Phùng, huyện Đan Phượng (Hà Nội), dưới thì xây bằng gạch đá ong, thành giếng là cả khối đá ong khoét rỗng, trông thật mộc mạc chân quê. Còn giếng chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh, ngay trước nhà Tổ của chùa, thành giếng là đá xanh nguyên khối khoét rỗng lòng, tỏa chân ra mặt sân giếng, trông như một bông sen nở với những cánh hoa chạm khắc khá nhuần nhị. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có phỏng tạo một khẩu giếng chùa Bút Tháp, bày trong vườn bảo tàng, là để cho người tứ xứ, năm châu tới thăm, sẽ biết đến một nét quê Việt Nam ta...
Tại Thượng điện của Linh Tiên quán, ở làng Cao Xá, huyện Hoài Đức (Hà Nội), có một giếng nước đặc biệt mà dân chúng quanh vùng coi là một huyệt đan sa rất linh thiêng, nước quanh năm trong, ngọt và múc mấy cũng không cạn. Người ta vẫn lấy nước giếng này cúng tế thần tiên. Còn ở Kẻ Ngườm, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín (Hà Nội), có một giếng nước lớn, bờ xây tròn, gần bên sông Nhuệ, nhưng về mùa nước lũ tràn đầy hay vào mùa hanh kiệt, mực nước trong giếng vẫn ổn định, và nước rất thơm mát. Đó là giếng Khoái, niềm tự hào của dân chúng ở đây, lấy nước pha trà hay ủ chè xanh thì hương thơm, vị thấm lạ thường. Đặc biệt, chè tươi nước giếng Khoái không chỉ thơm ngấm, mà còn say, cái say vương vấn cho cảm giác lạ lùng, êm ái. Có phải vì vậy mà người đời gọi giếng này là giếng Khoái chăng? Ở chùa Dâu (Bắc Ninh), còn giữ được một giếng nước không có thành cao. Tương truyền, đây là chỗ bà Man Nương cắm cây gậy của Khâu Đà La cho mà tạo nên nguồn nước chống hạn. Ngày nay, giếng này trong vắt và bao giờ cũng đầy, nhà chùa vẫn dùng cho sinh hoạt. Cũng ở Bắc Ninh, trong khu vực chùa Phật Tích, vẫn còn dấu tích ba ngôi giếng cổ, có từ thời Lý, thuở mới lập chùa. Một giếng ở sườn núi phía sau chùa, được kè đá và có những bậc dẫn xuống lấy nước. Nơi sân trước cửa chùa cũng có một giếng nước, đáy giếng có một tượng đầu rồng, nước từ đó tuôn ra, tát mấy cũng không cạn. Còn ở dưới ao chùa, cuối thế kỷ 20 người ta mới phát hiện một ngôi giếng mà dưới đáy giếng có một số đồ đất nung vốn dùng trang trí trong những kiến trúc cổ.
Xưa kia, khi đào giếng tới độ sâu cần thiết mà nguồn nước vẫn chưa mạnh, người ta dùng ba cọc gỗ lim đóng sâu xuống tới mạch chính, nước sẽ phun lên dồi dào. Người Việt ta thấu hiểu giá trị tinh thần của giếng làng, nên đã tạo dựng giếng thì cũng luôn giữ gìn giếng như một việc trọng của quê nhà. Là nguồn tụ thủy tụ phúc của làng, nên giếng thường được tạo dựng bên những ngôi chùa cổ linh thiêng. Có những giếng chùa còn dựng bia đá ngay bên sân giếng (lập dựng mỗi bia đá như thế cần có một kinh phí tương đương với kinh phí dựng ngôi nhà ba gian bằng gỗ lim). Ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh) có ba ngôi giếng còn lưu giữ được bia đá cổ: Giếng chùa Linh Quang (xã Ngô Xá), giếng chùa Vân La (xã Phù Lưu) và giếng chùa Cẩm Quang (xã Ngân Cầu). Văn bia giếng chùa Cẩm Quang ghi ngày dựng bia là 20 tháng 5 niên hiệu Hoằng Định thứ 17 (1616), và danh sách những người góp tiền, góp của để tạo dựng giếng. Văn bia giếng chùa Vân La cho biết ngày dựng bia là 24 tháng 10 năm Vĩnh Tộ thứ 4 (1622), và tên gần 200 người góp tiền, góp của tạo dựng giếng. Văn bia giếng chùa Linh Quang ghi danh sách những người đóng góp tiền, của để tạo giếng, lập bia, và có một bài minh:
Linh Quang danh tích
Địa thế mênh mông
Sãi vãi gắng công
Xây thành giếng lớn
Lộc truyền con cháu
Phúc hưởng an bình
Lưu truyền mãi mãi...
Dường như, ở bất cứ vùng quê văn hiến nào cũng có những giếng nước, có thể thấy trong đó cả phần tâm linh cùng phần đời thường của những người muôn năm cũ. Tại chùa Phổ Minh (Nam Định), ngoài hai ngôi giếng trước chùa được coi là đôi mắt rồng, phía sau chùa còn có một giếng cổ mà thành giếng được xếp bằng những chiếc vại sành bên trong đựng đầy vôi. Nhờ vậy mà nước vô cùng trong trẻo và rất sạch. Còn bên cạnh điện Thánh ở chùa Keo (Thái Bình), có ngôi giếng cổ, người xưa xếp những cối đá thủng làm thành giếng. Đá làm nước trong sạch, và đá cũng làm cho giếng trường tồn...
Trong tâm thức người Việt ta, Dân tộc, Đất nước là vô cùng thiêng liêng. Vậy nên, ở nhiều làng quê nước Việt Nam có những giếng thiêng. Như trên vạt núi đá Trâu Sơn, huyện Vũ Ninh (Bắc Ninh), có một chỗ gọi là Giếng Việt. Tương truyền, Trần Thế Pháp (thời Trần) đã viết Truyện giếng Việt, trong sách Lĩnh Nam chích quái, là nói về chỗ này. Những khe đá nơi đây nứt tỏa ra chung quanh, từ trên cao nhìn xuống, thấy như hình cửa mình bà mẹ xứ sở. Với hình tượng đó mà người xưa luôn coi giếng nước là âm tính chăng? Và từ cảm nhận sâu xa, lớn lao đó, nên trong khu di tích Đền Hùng mới có cả đền Giếng chăng? Đền Giếng là nơi thờ công chúa Ngọc Hoa, sau là vợ thánh Sơn Tinh, và công chúa Tiên Dung, sau kết duyên cùng thánh Chử Đồng Tử. Hiện vẫn còn một khẩu giếng, tương truyền là nơi hai nàng công chúa con Vua Hùng thứ mười tám vẫn dùng làm gương soi...
Đến nay, ở các làng quê không còn nhiều giếng làng, và giếng làng cũng không còn nhiều giá trị sử dụng nữa. Nhưng trong tâm thức người Việt ta, giếng làng đã là một giá trị văn hóa vô cùng sâu sắc. Nó như gương soi ngày xưa gửi lại cho hậu thế, và lại như những giấc mộng trong trẻo, lung linh. Dẫu ít gặp trong thực đời, nhưng vẫn nằm đâu đó nơi tiềm thức thẳm sâu. Đôi khi nhắm mắt lại thì thấy nó là một khung trời ấu thơ, đôi khi nó là một giấc mơ tràn trề tươi mát...
Tôi muốn khép lại bài tản văn này bằng việc mách các bạn rằng, ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, hiện còn một giếng nước huyền thoại. Đó là Giếng xin sữa, dù chỉ tròn nhỉnh hơn vành nón, mà ngàn năm nay nước vẫn đầy và trong vắt. Từ đời này truyền qua đời khác câu chuyện rằng, những bà mẹ Đường Lâm sinh con mà thiếu sữa nuôi con thì đến bên giếng này làm lễ xin sữa, rồi xin giếng một ít nước, uống vào, là bầu vú lại có đủ sữa cho con bú. Những bà mẹ trẻ Đường Lâm ngày nay vẫn làm như vậy!
Dẫu không còn là nguồn cấp nước dùng cho dân chúng, nhưng nhiều làng quê vẫn giữ gìn nước giếng sạch sẽ. Đó là một việc làm của cộng đồng, dường như, để giữ trong sạch một mảnh hồn quê. Bởi, từ trong tâm thức mỗi người dân Việt, giếng làng đã là một giá trị văn hóa vô cùng sâu sắc. Nó như gương soi ngày xưa gửi lại cho hậu thế, và lại như những giấc mộng trong trẻo, lung linh.
Người Việt ta thấu hiểu giá trị tinh thần của giếng làng, nên đã tạo dựng giếng thì cũng luôn giữ gìn giếng như một việc trọng của quê nhà. Là nguồn tụ thủy tụ phúc của làng, nên giếng thường được tạo dựng bên những ngôi chùa cổ linh thiêng.