Nhạc trưởng Lê Ha My:

Giai điệu mùa thu và tương lai nghệ thuật cổ điển

Không chỉ chia sẻ về những khó khăn đã vượt qua để có thể tạo nên được dấu ấn Liên hoan Giai điệu mùa thu 2022, trong câu chuyện với chúng tôi, nhạc trưởng Lê Ha My, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP Hồ Chí Minh còn tâm huyết nhìn về tương lai của sân khấu âm nhạc nghệ thuật đỉnh cao.
0:00 / 0:00
0:00
Nhạc trưởng Lê Ha My chỉ huy một đêm diễn tại Liên hoan Giai điệu mùa thu 2022. Ảnh: Trần Hoàng Sơn.
Nhạc trưởng Lê Ha My chỉ huy một đêm diễn tại Liên hoan Giai điệu mùa thu 2022. Ảnh: Trần Hoàng Sơn.

Những cây đàn tiền tỷ "vướng" chính sách tài sản công

- Thưa nhạc trưởng, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề sau hai năm dịch bệnh bùng phát, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh đã có thêm một Giai điệu mùa thu 2022 thành công mỹ mãn cả về chất lượng nghệ thuật và sự lan tỏa văn hóa đến công chúng. Tuy nhiên, từ góc độ người tổ chức, xin ông cho biết về những điều khiến Ban Giám đốc Nhà hát còn trăn trở, muốn thay đổi, cải tổ, hoặc cố gắng để có thể mùa sau sẽ làm được tốt hơn?

- Để chuẩn bị cho Liên hoan Giai điệu mùa thu 2022, chúng tôi đã phải lên kế hoạch từ năm 2021, vì thế hoàn toàn có thể phải đối mặt nguy cơ đổ vỡ kế hoạch nếu dịch bệnh bùng phát trở lại hoặc nghệ sĩ đến từ các quốc gia có dịch bệnh tăng cao không thể đến được với chương trình. Nhưng chúng tôi vẫn muốn xây dựng một chương trình hấp dẫn nhất và cố gắng có được những nghệ sĩ tốt nhất. Cuối cùng thì sự có mặt của các nghệ sĩ khách mời cùng với tập thể nghệ sĩ tài năng của HBSO cũng đã làm nên một Giai điệu mùa thu được công chúng đón nhận với hàng dài khán giả xếp hàng vào nhà hát.

Nhưng Liên hoan Giai điệu mùa thu chỉ có tám ngày mà diễn ra liên tiếp rất nhiều chương trình, vở diễn lớn, trong khi thực tế là chúng tôi không có đủ không gian để tập luyện, nên thật sự rất khó khăn. Chỉ có một nơi tập luyện là rạp Thanh Vân, với điều kiện tối thiểu không thể đáp ứng cả ba đoàn giao hưởng, opera và vũ kịch tập luyện trong cùng thời điểm. Rạp Thanh Vân cũng chỉ thỏa mãn những điều kiện tối thiểu. Toàn bộ cảnh trí, đạo cụ cho các vở diễn, chúng tôi phải đi gửi mỗi nơi một ít, việc gìn giữ, bảo quản không thể tốt được.

Chúng tôi chưa có không gian tiêu chuẩn cho một thư viện để bảo quản các tổng phổ, phân phổ rất quý. Tất cả được xếp vào những chiếc thùng, và cứ mỗi khi phải tìm một tổng phổ hay phân phổ để sử dụng thì lại phải dỡ tung ra để tìm, vừa rất vất vả, vừa có thể hư hỏng, mất mát.

Ngoài ra, chúng tôi đã được trang bị nhiều nhạc cụ quý, có những cây đàn piano trị giá nhiều tỷ đồng, những cây đàn violin, cello trị giá cũng bảy tám trăm triệu đồng một chiếc nhưng hiện giờ do kho ở rạp Thanh Vân xuống cấp trầm trọng, mưa lớn dẫn đến ngấm, ẩm, dột và chưa có giải pháp căn cơ, nên nhạc cụ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Vượt qua tất cả khó khăn đó, những nghệ sĩ của chúng tôi vẫn luôn cố gắng, tìm tòi, sáng tạo. Ban Giám đốc cũng cố gắng tiếp bước thế hệ đi trước và tìm cách phát huy thế mạnh của thế hệ hiện tại để kiện toàn bộ máy, xây dựng hoạt động, nâng cả chất và lượng của nghệ sĩ để có thể đưa được lên sân khấu nhiều hơn nữa những chương trình, vở diễn hấp dẫn phục vụ công chúng.

Rất cần "cởi trói" về cơ chế

- Hiện tại, dịch bệnh đã không còn là vấn đề quá lo ngại nữa, liệu Ban tổ chức Liên hoan đã tính đến việc mở rộng quy mô để có thể kết hợp với Hà Nội và các thành phố khác? Hoặc trở lại giai đoạn mời nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới để mở rộng "thực đơn nghệ thuật" cho công chúng Việt?

- Chúng ta đã có rất nhiều liên hoan nghệ thuật nhưng thường thì chỉ bó hẹp trong một loại hình hoạt động nào đó, còn Giai điệu mùa thu thì luôn có cả hòa nhạc giao hưởng, thính phòng, hợp xướng, nhạc kịch có cả vũ kịch và năm 2022 đã có cả các tọa đàm, workshop trao đổi những vấn đề học thuật chuyên sâu, đồng thời mở rộng giao lưu với công chúng.

Với sự hỗ trợ sâu rộng hơn nữa của chính quyền TP Hồ Chí Minh, chắc chắn chúng tôi sẽ xây dựng được Giai điệu mùa thu 2024 và các lần sau với quy mô tầm cỡ mở rộng hơn nữa, với những bước đi táo bạo, mạnh mẽ hơn nữa, có sự tham gia của nhiều cá nhân và tập thể nghệ sĩ cả trong và ngoài nước.

Chẳng hạn như chúng tôi đã lên ý tưởng về việc tổ chức Opening concert ngoài trời với những chương trình nhạc phim, rock symphony rất gần gũi và cực kỳ sôi động, hấp dẫn, thu hút công chúng và có thể thỏa mãn được sự quan tâm của một số lượng lớn công chúng. Lãnh đạo của Bộ Văn hóa, Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh đều rất ủng hộ, tạo điều kiện để các đơn vị công lập hoạt động nghệ thuật có thể kết nối và hợp tác. Chúng tôi cũng đã kết nối và hoàn toàn có khả năng mời được các dàn nhạc đến từ châu Âu, Nga, Mỹ…, nhưng chắc chắn chúng tôi cần sự hỗ trợ lớn về tài chính đồng thời cần những cơ chế xã hội hóa linh hoạt hơn, cần những giải pháp căn cơ hơn để những chương trình mơ ước này có thể trở thành sự thật, nâng tầm bộ mặt văn hóa của TP Hồ Chí Minh.

- Trên cương vị lãnh đạo Nhà hát, kế thừa nền tảng 30 năm xây dựng của thế hệ đi trước, xin ông cho biết những hoạch định về cả con người và nguồn lực cũng như kế hoạch dài hơi về tương lai của Nhà hát cho giai đoạn tiếp theo?

- HBSO là nơi hiếm hoi có sự hội tụ của ba đoàn nghệ sĩ, đoàn Giao hưởng, đoàn Nhạc kịch và đoàn Vũ kịch. Vì thế chúng tôi có khả năng xây dựng những vở diễn lớn ở cả các lĩnh vực như múa, opera, hòa nhạc giao hưởng, thính phòng, với rất nhiều chương trình, vở diễn được công chúng yêu thích đã nhiều năm nay.

Để có thể kế thừa nền tảng cũ, vươn tới những nấc thang mới, chất lượng của từng nghệ sĩ cần được nâng cấp, số lượng nghệ sĩ cũng phải kiện toàn đầy đủ. Bởi nếu bất cứ chương trình nào cũng phải mời cộng tác viên từ bên ngoài thì chất lượng sẽ không thể ổn định. Thêm nữa, nghệ sĩ tài năng đến mấy nhưng nếu chơi những nhạc cụ tồi thì cũng không thể dàn dựng được một buổi biểu diễn thành công. Vì vậy, chúng tôi buộc phải lên kế hoạch cho nguồn lực nhân sự, nghệ sĩ cũng như phương tiện, đạo cụ, nhạc cụ…

Vẫn cần phải nhắc lại việc thiếu một thiết chế văn hóa rất cần thiết như nhà hát thì rất khó để có thể chủ động về thời gian, lịch trình biểu diễn, bảo quản nhạc cụ, cảnh trí… Chỉ đơn giản nhất là việc mời nghệ sĩ thế giới đến Việt Nam nhưng nếu ngày nghệ sĩ đến được mà chúng tôi không thể thuê được nhà hát thì cực kỳ lãng phí nguồn lực.

Khía cạnh cuối cùng mà tôi muốn nhắc tới, đó là để viết ra những tác phẩm lớn như giao hưởng hay nhạc kịch có thể mất hàng năm trời nhưng nếu tác giả viết ra mà không có cơ hội được biểu diễn thì làm sao nền khí nhạc có thể phát triển được? Chúng tôi rất mong muốn, ở giai đoạn tiếp theo, bên cạnh việc biểu diễn những tác phẩm kiệt xuất của thế giới thì còn có đủ nguồn lực và điều kiện để đưa những tác phẩm hoàn toàn mang âm hưởng văn hóa Việt Nam lên sân khấu. Việc phát triển song song về thiết chế văn hóa, phát triển đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp như HBSO, đồng thời bảo đảm định hướng biểu diễn tốt nhất những tác phẩm của các tác giả Việt Nam sẽ là con đường thuận lợi nhất để nền nghệ thuật âm nhạc và múa hàn lâm của Việt Nam có cơ hội phát triển, vươn tới những tiêu chuẩn trong khu vực và xa hơn là tầm châu Á.

- Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian cho độc giả!