Thuốc lá điện tử

Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"...

Mỗi năm, Việt Nam có hơn 40 nghìn người tử vong do các bệnh liên quan thuốc lá. Các loại thuốc lá điện tử, thế hệ mới, do nhiều lầm tưởng, cũng đang âm thầm gây tác hại cho sức khỏe cộng đồng. Thực tế đó đòi hỏi sớm có những giải pháp ngăn chặn, kiểm soát.
0:00 / 0:00
0:00
Một bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử, phải điều trị. Ảnh: THẾ ANH
Một bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử, phải điều trị. Ảnh: THẾ ANH

Sáng 4/5 vừa qua, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, tỷ lệ sử dụng các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, đặc biệt với học sinh - nhóm đối tượng hiểu biết chưa đầy đủ, dễ bị tác động, lôi kéo. Trên thị trường, đã xuất hiện tình trạng pha trộn, tẩm ướp các chất gây nghiện trong sản phẩm thuốc lá điện tử, nung nóng. Trong khi đó, việc quảng cáo, mua bán tràn lan trên mạng xã hội, thiếu kiểm soát chất lượng, nhất là các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.

Tại phiên giải trình, Bộ Công thương đề xuất thí điểm, hướng đến quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá thế hệ mới. Tuy nhiên, Bộ Y tế đề xuất cấm. Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, với vai trò trách nhiệm của cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ phòng, chống tác hại của thuốc lá theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đã nắm bắt sự ảnh hưởng của thuốc lá điện tử, triển khai nhiều công việc tham mưu cho công tác quản lý nhà nước.

Chia sẻ với phóng viên Nhân Dân cuối tuần, TS, BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, thành phần hóa chất, ma túy của thuốc lá điện tử phức tạp hơn rất nhiều so với thuốc lá thông thường. Cần sa tổng hợp đang và sẽ là nhóm ma túy lớn nhất, phức tạp nhất và thách thức nhất trong nhiều năm tới, trong đó, thuốc lá điện tử (vape) là môi trường tồn tại chính của ma túy cần sa tổng hợp. "Để quản lý thuốc lá điện tử, cần ngay lập tức cấm lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam, cần cấm hoàn toàn, bởi cho làm thí điểm, một khi đã nghiện thì rất khó kiểm soát. Theo nhiều nghiên cứu, việc hút vào phổi, các chất gây nghiện sẽ hấp thụ nhanh chẳng kém việc tiêm vào máu", ông Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.

Việc sử dụng các sản phẩm được tẩm ướp ma túy và các chất gây nghiện, chất kích thích sẽ tăng gánh nặng kinh tế đối với nhiều gia đình, khi vừa phải mất tiền mua thuốc, đồng thời phải chi tiền để điều trị bệnh gây ra bởi chính sản phẩm thuốc lá mình mua, giảm khả năng và năng suất lao động. Về lâu dài, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng dân số, ở các đối tượng trẻ - tương lai của đất nước, ảnh hưởng đến hệ thống bảo hiểm y tế. Tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha, bóng cười... từ lâu đã được cảnh báo, nhận diện. Thế nhưng đến nay vẫn thiếu hành lang pháp lý, dẫn đến thiếu giải pháp phòng ngừa.

Ở Việt Nam, liên quan thuốc lá điện tử, ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, trong đó có mục tiêu "ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha, các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng". Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là rất cần thiết và phải được tiến hành ngay để ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá mới gây tác hại cho cộng đồng.