Tưởng lỗ mà hóa lãi

"Mỗi chiếc khẩu trang được may công phu bằng vải cotton, thiết kế 3D, ôm khít khuôn mặt. Lại được trang trí bằng những bức tranh ghép lụa Vạn Phúc, tỉ mỉ, tinh tế. Giá thành chỉ 100 nghìn đồng" - dòng chia sẻ, quảng cáo miễn phí đó trên các trang Facebook cá nhân của những người "truyền cảm hứng" trong làng thiện nguyện đã mang lại những đơn hàng đầu tiên cho Vụn Art, sau năm tháng không doanh thu.

Chính sự kết nối, chỉ có kết nối mới giúp Vụn Art tồn tại trong những ngày tháng khó khăn vì đại dịch. Ảnh: Vụn Art cung cấp
Chính sự kết nối, chỉ có kết nối mới giúp Vụn Art tồn tại trong những ngày tháng khó khăn vì đại dịch. Ảnh: Vụn Art cung cấp

Anh Lê Việt Cường, nhà sáng lập, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art chia sẻ: "Có đơn hàng ông chủ vui một, thì các bạn nhân công vui mười. Cũng sắp đến Tết rồi, ai cũng mong muốn có thêm thu nhập để góp chút ít về cho gia đình". Tại sao lại chỉ là "góp chút ít"? Thật ra với 24 nhân công tại Vụn, có công việc, tạo ra được thu nhập đã là may mắn lắm rồi, bởi tất cả họ đều là người khuyết tật.

Ý tưởng về Hợp tác xã được anh Cường ấp ủ từ năm 2017, rồi mất thêm một năm để chuẩn bị, tuyển sinh và đào tạo nhân công. Đến năm 2018, Vụn Art mới chính thức được đăng ký là doanh nghiệp xã hội, hoạt động với ba mục tiêu chính. Đầu tiên, bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống thông qua việc chuyển thể tranh dân gian vào tranh vải. Thứ hai, tạo việc làm bền vững cho các đối tượng yếm thế, đặc biệt là người khuyết tật. Thứ ba, tái sử dụng các nguyên vật liệu thừa trong quá trình sản xuất để bảo vệ môi trường.

Vụn mới chỉ là một doanh nghiệp xã hội "non trẻ" với ba năm kinh nghiệm, nhưng không may, đã mất đến hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vốn đơn hàng của Vụn thường đến từ các doanh nghiệp, tổ chức đặt hàng làm quà tặng khi có sự kiện, hoặc khách du lịch đến trải nghiệm trực tiếp tại làng lụa Vạn Phúc, hay những gian hàng trên Bờ Hồ, triển lãm,… Thế rồi, vừa hay tất cả những "địa hạt" đó đều đóng băng do đại dịch. Để cầm cự, anh Cường đã tìm cách chuyển đổi kinh doanh sang hình thức 1-1, đưa sản phẩm đến tận tay người dùng thông qua bán hàng online, nhưng cũng không mấy khả quan.

Khó khăn là vậy, nhưng chỉ đúng một tháng TP Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16 là các nhân công của Vụn phải nghỉ việc, còn lại đều đi làm và nhận đủ lương. Anh Cường kể: "Phải giao công việc cho các bạn liên tục để tránh… quên. Nhất là với các bạn khuyết tật trí tuệ, chỉ cần một thời gian ngắn dừng việc thôi, là sẽ phải đào tạo lại từ đầu, vất vả lắm! Bao nhiêu vốn liếng tích lũy dẫu ít ỏi cũng được dành hết để trả lương cho các bạn". Chia sẻ khó khăn với ông chủ, nhân công của Vụn còn chủ động xin giảm lương, nhưng lương cũng nào được bao nhiêu, nên anh Cường chỉ xin nợ tiền bảo hiểm, khi nào hoạt động lại bình thường sẽ đóng đủ... Khó khăn về tài chính là vậy, mà Vụn trong năm nay lại có thêm tám nhân công mới tới học việc, đến nay đã có hai bạn có thể làm việc thành thạo. Ông chủ Hợp tác xã hóm hỉnh nói: "Năm nay tiền thì lỗ thật đấy, nhưng lãi về con người!".

Sau những thăng trầm, anh Cường nhận ra, chính sự kết nối, chỉ có kết nối mới giúp Vụn tồn tại. Trước tiên là kết nối với các những người có tầm ảnh hưởng để lắng nghe lời khuyên, hỗ trợ về tài chính, tuyên truyền marketing. Sau là kết nối với các doanh nghiệp xã hội khác để cùng hoàn thiện, đa dạng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Và chiếc khẩu trang được nhắc đến bên trên chính là một sản phẩm ra đời từ sự kết nối đó.

Các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xã hội nói riêng cũng đang phải đương đầu với những thách thức rất lớn, đặc biệt là về tài chính và chuỗi cung ứng, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Dẫu có rất nhiều khó khăn do nguồn lực còn rất hạn hẹp nhưng khi đứng trước lựa chọn ngủ đông hay bước tiếp, nhiều doanh nghiệp xã hội khẳng định chưa bao giờ nghĩ đến việc đóng cửa vì trách nhiệm với đội ngũ nhân sự và cộng đồng, vì tình yêu và cả niềm tin với con đường mình đang đi. Mặc dù, cái giá để duy trì niềm tin và tình yêu đó cũng không hề nhỏ.

Theo bà Phạm Kiều Oanh, nhà sáng lập Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), có ba trụ cột để tiếp sức cho các doanh nghiệp trong đại dịch bao gồm: sứ mệnh tạo tác động xã hội; niềm tin vào những điều đang làm; và những cách thức sáng tạo, thích nghi của doanh nghiệp. Đó cũng là lý do chương trình "Én xanh 2021 - Cánh én kiên cường vượt bão giông" được khởi động nhằm kết nối, lan tỏa và truyền cảm hứng cho các sáng kiến kinh doanh ứng phó đại dịch Covid-19 của các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp tạo tác động xã hội và các tổ chức xã hội có sáng kiến kinh doanh trên khắp cả nước. Sau gần hai tháng phát động (tháng 10 đến tháng 12/2021), Chương trình đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp xã hội tham gia, sau quá trình tuyển chọn, 64 câu chuyện Én xanh đã lọt vào vòng bình chọn trực tuyến.

Những Én xanh không chỉ mang đến những câu chuyện xúc động về sự sáng tạo, sức vượt khó của các doanh nghiệp xã hội. Mà hơn cả, mỗi doanh nghiệp mang đến cho người ta một góc nhìn mới mẻ về lợi nhuận, về sứ mệnh với cộng đồng. Về những điều mà một doanh nghiệp hay một cá nhân có thể làm được, dẫu có thuộc về cộng đồng người yếm thế!