Triển vọng từ xuất khẩu lao động

Năm 2019 hứa hẹn tiếp tục là một năm đầy triển vọng đối với hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ). Hoàn thiện chính sách, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài là những vấn đề mà ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục chú trọng, nhằm thúc đẩy hơn nữa việc xuất khẩu lao động sang thị trường chất lượng.

Lao động chất lượng cao có nhiều cơ hội làm việc ở các nước phát triển.
Lao động chất lượng cao có nhiều cơ hội làm việc ở các nước phát triển.

Lợi ích kinh tế lớn

Theo ước tính, Việt Nam hiện có hơn 500.000 lao động đang làm việc trong 30 ngành công nghiệp khác nhau ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân mỗi năm gửi về nước khoảng 2,5 tỷ USD. Kết thúc năm 2018, ghi nhận kỷ lục là năm thứ 5 liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt ngưỡng 100.000 lao động/năm.

Số liệu thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB và XH), năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.860 người, vượt 30% so với kế hoạch năm (kế hoạch năm 2018 là 110.000 người), tăng 6% so với năm 2017. Trong đó, thị trường đứng đầu về lượng tiếp nhận có thể kể đến: Nhật Bản: 68.737 lao động, Đài Loan (Trung Quốc): 60.369 lao động, Hàn Quốc: 6.538 lao động...

Đánh giá về XKLĐ của Việt Nam, nhiều chuyên gia khẳng định, ngành XKLĐ không những trở thành ngành kinh tế đối ngoại mang lại lợi ích to lớn về kinh tế, mà còn là giải pháp tạo việc làm trong chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Đánh giá này hoàn toàn thuyết phục, bởi theo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề XKLĐ giai đoạn 2010-2017 và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam giai đoạn 2013-2017 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa được công bố cho thấy, bức tranh XKLĐ có nhiều chuyển biến.

Báo cáo cho biết, từ năm 2014 đến nay, bình quân mỗi năm lao động đi làm việc nước ngoài đạt hơn 102.000 người/năm, chiếm 7% số người được giải quyết việc làm mới của cả nước, có xu hướng tăng rõ rệt. Cũng theo kết quả giám sát, nhìn chung, giai đoạn 2010 - 2017, lao động ra nước ngoài làm việc thường có thu nhập cao và ổn định hơn so với làm việc trong nước cùng ngành nghề, trình độ. Bình quân thu nhập (kể cả làm thêm) của người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 400 - 600 USD/tháng ở thị trường Trung Đông, 700 - 800 USD/tháng ở thị trường Đài Loan (Trung Quốc), 1000 - 1.200 USD/ tháng ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. “Sự gia tăng số lượng lao động làm việc ở các thị trường có thu nhập cao đưa Việt Nam trở thành một trong số những nước có lượng kiều hối lớn”, cơ quan giám sát nhận định.

Cụ thể, hằng năm, lượng tiền người lao động gửi về nước khoảng 2 - 2,5 tỷ USD, với mức tăng trung bình trong giai đoạn từ 2010-2017 là 6-7%/năm. Riêng tại Hà Tĩnh, theo báo cáo của UBND tỉnh, có năm lượng tiền gửi về nước hơn 4.000 tỷ đồng, xấp xỉ bằng 50% tổng thu nội địa trong tỉnh.

Nhận xét về lợi ích từ XKLĐ, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, khẳng định, nguồn thu nhập từ hoạt động XKLĐ của người lao động đã góp phần cải thiện đời sống gia đình và thân nhân họ, giúp nhiều gia đình trở nên khá giả, nhiều lao động sau khi về nước đã trở thành các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho một bộ phận lao động khác, đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế - xã hội.

Hướng đến thị trường chất lượng

Năm 2019, XKLĐ tiếp tục được xác định là kênh giải quyết việc làm hiệu quả, không chỉ mang lại lợi ích to lớn về kinh tế, mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững. Để thực hiện được mục tiêu này, ông Nguyễn Gia Liêm cho biết, Bộ LĐ-TB và XH sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, hoàn thiện hồ sơ xây dựng và chuẩn bị trình nội dung về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Cùng với việc ổn định và mở thêm những thị trường mới, cần tiếp tục quan tâm mở rộng những ngành nghề mới, đặc biệt là những ngành nghề có nhu cầu lao động chuyên môn kỹ thuật. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thường xuyên cập nhật thông tin về các chính sách, quy định mới của Việt Nam cũng như các nước tiếp nhận, các thông tin giới thiệu về các chương trình tuyển dụng mới và nhu cầu của các thị trường.

Một tin vui cho lao động Việt Nam khi cuối năm 2018, chuyến công tác và làm việc tại châu Âu, Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB và XH do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn đầu, đã ký nhiều văn bản thỏa thuận hợp tác. Theo đó, trong thời gian tới, lao động Việt Nam có thể sang các nước châu Âu như Bun-ga-ri, Ru-ma-ni làm việc.

Việc mở ra các điểm đến mới, khả năng tiếp nhận nguồn cung lao động lên tới con số vài chục vạn người, mở ra những cơ hội tốt cho người lao động trong nước trong lĩnh vực việc làm, an sinh xã hội.