Trị căn bệnh làm cho có

Kiểm định chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam hiện còn tương đối non trẻ so với thế giới, chính vì thế, trong quá trình thực hiện đã gặp không ít vướng mắc, thậm chí ở nhiều cơ sở đào tạo, hoạt động này đang được tiến hành hình thức, đối phó.

Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin Trường đại học Gia Định với những dự án thiết kế game 3D.
Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin Trường đại học Gia Định với những dự án thiết kế game 3D.

Vướng từ tiêu chí

Ðược công nhận kiểm định chất lượng vào tháng 5/2021, Trường đại học Gia Ðịnh đã mất gần hai năm từ khâu chuẩn bị đến khi được công nhận. Ông Nguyễn Viết Lợi - phụ trách Phòng Khảo thí và Ðảm bảo chất lượng Trường đại học Gia Ðịnh cho biết, với những trường đại học lần đầu tham gia đánh giá ngoài chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn, nhiều khi hồ sơ phải làm đi làm lại nhiều lần.

Với kinh nghiệm của mình, ông Lợi đã chỉ ra một số khó khăn khi tham gia kiểm định như, hiện nay chỉ có một bộ tiêu chuẩn (kiểm định cơ sở giáo dục và kiểm định chương trình đào tạo) dùng chung cho tất cả các trường theo Thông tư 12/2017/TT-BGDÐT ngày 19/5/2017, các chương trình đào tạo và tất cả các ngành theo Thông tư 04/2016/TT-BGDÐT ngày 14/3/2016. Trong khi mỗi trường, mỗi chương trình đào tạo có những đặc thù riêng, tiêu chí riêng để đánh giá. Do đó, việc dùng một bộ tiêu chuẩn và áp dụng chung gây khó khăn cho các trường trong việc đáp ứng các tiêu chí.

Bên cạnh đó, nhận thức về công tác kiểm định hiện nay của nhiều trường chưa thật sự đầy đủ. Kiểm định là sự đánh giá để nhận ra các điểm mạnh, điểm tồn tại và có kế hoạch để cải tiến các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng vì vậy đòi hỏi tất cả các đơn vị, các thành viên từ ban giám hiệu, giảng viên, nhân viên và sinh viên phải xem đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân và mỗi đơn vị. Tuy nhiên, một số trường lại cho rằng, kiểm định, đánh giá chất lượng là nhiệm vụ của một bộ phận chuyên trách trong trường.

Ngoài ra, quy trình và thói quen lưu trữ ở nước ta hiện nay chưa được thực hiện đồng bộ và đầy đủ, dẫn đến việc thu thập minh chứng trong chu kỳ kiểm định (05 năm) là một thách thức lớn. "Việc thu thập minh chứng và chuẩn bị hồ sơ giấy rất phức tạp, tốn thời gian, chi phí... Nếu Bộ Giáo dục và Ðào tạo có phần mềm phục vụ kiểm định đồng bộ, thì các trường sẽ số hóa minh chứng và đưa vào phần mềm thì công tác trở nên dễ dàng kiểm soát và thực hiện", ông Lợi bày tỏ.

Từng là lãnh đạo trường nhưng cũng là một kiểm định viên, TS Châu Văn Lương - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phạm Văn Ðồng thẳng thắn chỉ rõ, ở một số đơn vị, việc kiểm định chất lượng còn đối phó, hình thức, có khi còn là rào cản. Trường nào cũng đưa ra mục tiêu chất lượng đào tạo và uy tín với người học, với xã hội nhưng chưa đặt tương xứng với công tác kiểm định chất lượng trong nhà trường. Do vậy từ quan điểm, đến hoạt động chưa ưu tiên lập chiến lược, kế hoạch, lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động,… và bố trí kinh phí chưa phù hợp.

Những tồn tại chung khác được nhiều kiểm định viên chỉ ra tại một số trường đại học cả tư thục và công lập (kể cả các trường "cây đa cây đề") là thư viện chưa cập nhật kịp thời các tài liệu, sách chuyên môn/chuyên ngành cho các chương trình đào tạo; số lượng sách, tài liệu và giáo trình hiện đang được sử dụng được xuất bản đã lâu, hơn 5 năm, thậm chí 10 năm. Thư viện điện tử còn hạn chế hoặc chưa có.

Cơ sở vật chất của một số trường đại học công lập đã xuống cấp, máy móc thiết bị trong các phòng thực hành, thí nghiệm được trang bị đã quá lâu, nên người học không được làm quen ngay tại trường với những thiết bị máy móc hiện đại. Do vậy khi tốt nghiệp, sinh viên khá bỡ ngỡ khi đến làm việc tại các doanh nghiệp.

Các quy định về đánh giá cơ sở giáo dục và đánh giá chương trình đào tạo còn có nhiều điểm chưa phù hợp về chuyên môn; chồng chéo về các tiêu chí đánh giá; các công văn hướng dẫn có những nội dung ngược với một số thông tư về kiểm định chất lượng nhưng hiện đang còn hiệu lực, tạo thêm các thủ tục rườm rà đối với các cơ sở giáo dục đại học và các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Hiện còn có những thông tư về kiểm định chất lượng được ban hành đã quá lâu (thí dụ, từ năm 2013), nhưng chưa được rà soát đánh giá và điều chỉnh/ban hành lại để phù hợp với những yêu cầu mới về kiểm định chất lượng.

Tránh làm hình thức, đối phó

Kiểm định viên Lê Hoàng Vũ - nguyên giảng viên một trường đại học công lập tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, xuất phát từ thực tiễn của nhận thức và sự quan tâm của các trường đến kiểm định chất lượng giáo dục còn hạn chế, việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là cách tiếp cận tốt nhất nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững hệ thống giáo dục quốc dân, tạo ra hành lang pháp lý bảo đảm cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục được triển khai một cách ổn định và bền vững.

Ngoài ra, cần nhanh chóng hoàn thiện Mô hình bảo đảm chất lượng gồm các cấu phần như sau: Hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong nhà trường (nhận thức, kỹ năng) và xây dựng văn hóa chất lượng của nhà trường; hệ thống bảo đảm chất lượng bên ngoài nhà trường gồm: hệ thống đánh giá ngoài (chủ trương, tài chính, quy trình và các công cụ đánh giá); xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về các chỉ số thực hiện đối với các cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế trong bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục có ý nghĩa quan trọng đối với việc triển khai xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục quốc gia.

Cùng với đó, TS Châu Văn Lương kiến nghị, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần đào tạo đội ngũ kiểm định viên có trình độ đạt chuẩn, chất lượng cao và chuyên nghiệp, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này.

Bên cạnh đó, mỗi trường đại học cần có đội ngũ xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng, Bộ cần có quy định rõ hơn về số lượng và trình độ của đội ngũ này. Các đại học cũng cần dành kinh phí đầu tư cho hoạt động kiểm định chất lượng, cần có tỷ lệ nhất định so với kinh phí đào tạo (ít nhất 20% kinh phí đào tạo), và cần số hóa quy trình đào tạo gắn với hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong.

VIỆT HOÀNG