Trả lại bình yên cho đất

Con số 6 triệu ha đất vẫn đang trong tình trạng ô nhiễm bom, mìn, dẫu đã có rất nhiều nỗ lực, biện pháp được các cơ quan chức năng và nhiều tổ chức quốc tế hỗ trợ thực thi, không chỉ cho thấy hiểm họa khôn lường với người dân vẫn đang tiềm ẩn, mà còn phác họa phần nào sự gian nan, phức tạp của hành trình trả lại bình yên cho đất đai, cho cuộc sống.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn đó hiểm họa từ bom, mìn sót lại.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn đó hiểm họa từ bom, mìn sót lại.

Hiểm họa chực chờ

Theo Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), số bom, mìn, vật liệu chưa nổ hiện sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, nằm rải rác ở khắp các tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền trung. Có một số xã thuộc tỉnh Quảng Bình diện tích ô nhiễm bom, mìn lên đến 98%. Từ năm 1975 đến nay, bom, mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 40.000 người tử vong, hơn 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân đều là lao động chính trong gia đình và trẻ em.

Sau khi Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 (Chương trình 504), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21/4/2010, Bộ Quốc phòng đã thực hiện thành công dự án “Điều tra, khảo sát lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc”, hoàn thiện vào đầu năm 2018. Dự án đã cung cấp thông tin về những khu vực còn nghi ngờ bị ô nhiễm bom, mìn và các tác động đối với kinh tế - xã hội, từ đó giúp các bộ, ngành, địa phương có cơ sở hoạch định chiến lược và định hướng ưu tiên sử dụng các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng Giám đốc VNMAC Trần Trung Hòa cho biết: Giai đoạn 2010 - 2020, toàn quốc đã triển khai khảo sát và rà phá bom, mìn, vật liệu nổ ở 485.000 ha đất ô nhiễm. Trong đó các dự án thuộc Chương trình 504 được 74.000 ha, các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội được 300.000 ha và các dự án rà phá bom, mìn nhân đạo được 111.240 ha. Lực lượng khảo sát và rà phá bom, mìn chủ yếu là các đơn vị công binh và các đội của các tổ chức quốc tế, giúp nhiều vùng dân cư thoát cảnh nơm nớp lo sợ, thi thoảng lại có người gặp nạn do “chạm mặt” vật liệu nổ. 

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, Đội nữ rà phá mìn tỉnh Quảng Trị, thuộc Quỹ hỗ trợ Nhân dân Na Uy (người lập đội nữ rà phá bom, mìn đầu tiên ở Việt Nam) chia sẻ: “Chiến tranh đã lùi xa nhưng hiểm họa thì còn nhiều, bởi thế cần mọi người cùng chung tay để người dân được sống trong an toàn”.

Hành trình lâu dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực

Những năm qua, nhiều tổ chức quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện rà phá bom, mìn, trong đó có nhiều dự án lớn như Dự án Khảo sát kỹ thuật và xác định khu vực ô nhiễm bom, mìn, vật nổ giai đoạn 1 và 2 tại Thừa Thiên Huế do Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy tài trợ (2018 - 2020); Dự án Quản lý rủi ro dài hạn bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Quảng Trị, do Trung tâm Quốc tế (IC) và Trung tâm Quốc tế Geneva về khắc phục bom mìn nhân đạo (GICHD) tài trợ; dự án cung cấp cố vấn cấp cao cho Trung tâm Hành động bom, mìn quốc gia Việt Nam do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ (2016 - 2022); Dự án “Dò tìm và xử lý bom, mìn, vật liệu nổ tỉnh Quảng Bình” do Peace Tree tài trợ…

Đại tá Nguyễn Văn Nghiệp, Phó Tổng Giám đốc VNMAC chia sẻ: “Chúng ta ghi nhận các quốc gia, tổ chức hỗ trợ Việt Nam rà phá và khắc phục hậu quả bom, mìn. Họ đã phối hợp với chúng ta rất hiệu quả trong công tác này. Song đây là công việc lâu dài, đòi hỏi thêm những nỗ lực. Hy vọng sẽ có thêm sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan của Việt Nam với các chính phủ và tổ chức quốc tế, nhằm khắc phục hậu quả bom, mìn, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân”.

Cùng với công tác rà phá bom, mìn hoạt động hỗ trợ sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng cũng được quan tâm. Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom, mìn Việt Nam cho rằng, việc hỗ trợ kịp thời nạn nhân chịu hậu quả nặng nề bởi bom, mìn còn sót lại là vô cùng quan trọng. Trong bảy năm qua, kể từ khi thành lập, Hội đã hỗ trợ sinh kế cho khoảng 6.000 người. Hội cũng phối hợp chặt chẽ với Quỹ Hòa bình Việt Nam và các tổ chức nhân đạo, từ thiện để nghiên cứu mở rộng địa bàn hỗ trợ sinh kế, bằng phương thức lồng ghép các chương trình hoạt động phù hợp tình hình dịch bệnh và thời tiết phức tạp nếu xảy ra. 

Mới đây lãnh đạo VNMAC kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan đưa lĩnh vực khắc phục hậu quả bom, mìn vào danh mục ưu tiên vận động tài trợ ODA của Chính phủ. Giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước với vai trò chức năng của mình triển khai vận động nước ngoài tài trợ cho hoạt động khắc phục hậu quả bom, mìn tại Việt Nam.