Tìm giải pháp tránh “kịch bản xấu”

Làn sóng hàng vạn người ồ ạt trở về quê hương đang gây khó khăn, lúng túng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Để tránh những kịch bản xấu về dịch bệnh, cùng với sự chủ động, linh hoạt của các địa phương, cần sự hỗ trợ và vào cuộc của cả các bộ, ngành.

Xe của lực lượng chức năng dẫn đoàn đưa người dân hồi hương từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ảnh: Hồ Giang
Xe của lực lượng chức năng dẫn đoàn đưa người dân hồi hương từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ảnh: Hồ Giang

Quá tải và bị động

Sóc Trăng là địa phương có lượng người hồi hương nhiều nhất cho đến thời điểm này, với hơn 50.000 người, tạo áp lực rất lớn cho địa phương. Lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các địa phương kích hoạt lại các khu cách ly, mở các khu cách ly mới, nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm, sàng lọc, chống lây nhiễm chéo khi tiếp nhận công dân cách ly tập trung. Qua khám sàng lọc, phát hiện người mắc Covid-19 khá cao, chiếm 1% trong tổng số người dân vừa trở về.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Sóc Trăng sẽ tập trung dồn hết sức để lo cho bà con, cố gắng nỗ lực bảo đảm phòng, chống dịch an toàn. Tuy vậy, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con nên về từ từ, đăng ký trước để địa phương thu xếp, bố trí phương tiện đón về, đừng tự phát về cùng một lúc như vừa qua, vừa vất vả, vừa không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch”.

Tại An Giang, theo lãnh đạo tỉnh, từ ngày 1/10 đến 5/10 có gần 36.000 người dân An Giang trở về bằng xe gắn máy. Để giảm tải, thay vì cách ly tập trung tất cả theo quy định, tỉnh sàng lọc, xét nghiệm, người nào âm tính sẽ cho về nhà cách ly có giám sát chặt chẽ về y tế. Nếu phát hiện có ca dương tính sẽ khoanh vùng gọn chỗ đó để đưa đi cách ly tập trung. Đặc biệt, trong thời gian người dân về địa phương, tỉnh sẽ hỗ trợ miễn phí ăn uống, xét nghiệm... cho người dân. Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, người dân tự phát trở về địa phương, vượt quá quy mô, khả năng cách ly, điều trị của tỉnh.

Với Kiên Giang, hiện tỉnh có hơn 105.000 công dân làm việc, học tập và lao động tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy có công điện khẩn chỉ đạo tăng cường lực lượng đủ sức làm nhiệm vụ 24/24 giờ tại các cửa ngõ của tỉnh để tiếp nhận, phân luồng người dân theo từng địa phương và tổ chức đưa bà con về tận nhà an toàn.

Đồng thời chỉ đạo các huyện, thành phố tạo điều kiện cho người dân được về nhà sớm nhất và thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định. Tỉnh chỉ đạo tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, không để người dân thiếu đói. Kiên Giang đã ban hành kế hoạch tiếp nhận người dân trở về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đợt hai từ ngày 5/10, trong đó ưu tiên cho thai phụ, người cao tuổi, trẻ em, học sinh, sinh viên, người có hoàn cảnh khó khăn...

Xét nghiệm nhanh, tăng tốc tiêm chủng

Các chuyên gia y tế dự báo, lượng người trở về các tỉnh miền tây có khả năng tiếp tục tăng trong những ngày sắp tới. Trong khi, công tác triển khai phòng, chống dịch ban đầu của các tỉnh có phần bị động. Vì vậy, cơ quan chức năng, bộ, ngành cần phối hợp các tỉnh để đưa ra các giải pháp phù hợp nhất với tình hình thực tế hiện nay.

PGS,TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam chia sẻ, những ngày vừa qua ông theo dõi sát tình hình người dân di chuyển từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai về các tỉnh Tây Nam Bộ. Nguyên tắc chung nếu bệnh nhân gia tăng nhiều thì số bệnh nhân nặng cũng gia tăng nhanh theo (tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng đợt dịch này là hơn 10%), trong khi Tây Nam Bộ rất thiếu bác sĩ hồi sức tích cực.

Mặt khác, nhiều địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long chưa có thiết bị ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo, sử dụng cho bệnh nhân nặng) và chưa có nhân lực sử dụng được ECMO, có thể gặp khó khi số ca bệnh nặng tăng. Do vậy, ông Phu đề xuất nếu nhà ở của người dân địa phương khi về quê có đủ điều kiện thì có thể sắp xếp cho bà con cách ly tại nhà. Trường hợp không có nhà ở hoặc nhà ở không đủ điều kiện mới tổ chức cách ly tập trung. Nhưng nguyên tắc là cách ly tập trung thì sắp xếp để không lây lan trong khu cách ly, còn cách ly tại nhà thì không lây lan ra cộng đồng.

Cùng đó, khu vực này cần được ưu tiên nhiều hơn về vaccine phòng Covid-19 và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, để có thể đủ “sức khỏe” đương đầu với nguy cơ dịch xâm nhập, lây lan ra cộng đồng

LÊ NGUYỄN - PHAN LƯƠNG