Lấp khoảng trống trong hệ thống y tế

Đến thời điểm hiện tại, hệ thống y tế nước ta đang phải căng mình trước dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, y tế cơ sở ở nhiều địa phương quá tải. Thách thức của đại dịch đòi hỏi Việt Nam nỗ lực tăng cường giải pháp ứng phó, lấp đầy các khoảng trống trong hệ thống y tế.

Nhân viên Trạm Y tế phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai (Hà Nội) lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tổ 32. Ảnh: Anh Sơn
Nhân viên Trạm Y tế phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai (Hà Nội) lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tổ 32. Ảnh: Anh Sơn

Liều "test" đối với y tế cơ sở

Nhìn về hệ thống y tế ứng phó với đại dịch, GS, TS Nguyễn Văn Kính-Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam phân tích, Việt Nam đã trải qua bốn làn sóng Covid-19 trong hai năm qua. Trong ba làn sóng đầu, khi virus chưa biến đổi, số ca mắc còn ít, hệ thống y tế trong nước đã đáp ứng được khá tốt việc đối phó dịch bệnh. Chính sách đối phó dịch lúc này là Zero Covid. Tuy nhiên, khi biến chủng Delta lây lan vào Việt Nam khiến lượng bệnh nhân tăng đột biến, thì Việt Nam lựa chọn chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Vaccine đã góp sức lớn vào chiến lược ngăn chặn đại dịch. Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 18/12, cả nước đã tiêm gần 137,6 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó hơn 75 triệu liều mũi một, gần 60,2 triệu liều mũi hai và hơn 1,1 triệu liều bổ sung/nhắc lại. Hiện tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine là 97% và tiêm đủ hai liều là 81,6% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Tuy vậy, bối cảnh khác nhau của đại dịch đã tác động tới sự vận hành và khả năng chống chịu của mạng lưới y tế cơ sở. Các trạm y tế xã, phường, nhất là ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… đã và đang chịu những áp lực lớn và chịu sự quá tải chưa từng đối mặt. Phân tích vấn đề này, PGS Phan Lê Thu Hằng-Phó Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở-Bộ Y tế nhấn mạnh, đối với công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, lần đầu trong lịch sử, các bệnh lây nhiễm, trạm y tế xã, phường trở thành nơi quản lý, theo dõi và điều trị hầu hết số bệnh nhân. Đơn cử tại TP Hồ Chí Minh hiện nay, gần 80% trong tổng số khoảng 86.000 bệnh nhân Covid-19 đang được quản lý, theo dõi và điều trị ngay tại tuyến y tế xã, phường.

"Nhu cầu quản lý, theo dõi và điều trị bệnh nhân Covid-19 tăng đột biến trong đợt dịch lần thứ tư đã vượt xa năng lực thực tế của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế xã, phường và điều này đặt hệ thống y tế cơ sở, với lực lượng tương đối mỏng, luôn trong tình trạng căng thẳng và quá tải kéo dài. Điều đáng lo ngại là tình trạng này được dự báo là sẽ chưa kết thúc trong thời gian ngắn, trong khi sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần của đội ngũ nhân lực y tế tuyến đầu đã bị bào mòn sau một thời gian dài căng thẳng đối phó với dịch bệnh", PGS Phan Lê Thu Hằng lo ngại.

Cấu trúc lại mô hình y tế xã, phường

Trong tình hình mới hiện nay, GS,TS Nguyễn Văn Kính đề xuất, về mặt Nhà nước, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 để đáp ứng yêu cầu cấp bách và thực tiễn nảy sinh. Thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo đi đôi với phân cấp, phân quyền, lấy cơ sở, xã, phường, thị trấn làm nền tảng trong phòng, chống dịch, kết hợp hài hòa giữa thực hiện "bốn tại chỗ" với huy động lực lượng tăng cường (y tế, quân đội, công an). Về mặt chuyên môn, cần bảo đảm tiến độ triển khai tiêm vaccine, tạo mọi điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine trong nước. Thúc đẩy nhanh nhất việc sản xuất thuốc điều trị Covid-19 trong nước, bảo đảm sản xuất được ít nhất một loại thuốc điều trị đặc hiệu trong năm 2022-2023, chủ động nguồn thuốc điều trị. Nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Với mạng lưới trạm y tế xã, phường cần được điều chỉnh nhằm bám sát địa bàn dân cư, được bảo đảm biên chế nhân lực y tế tương thích với yêu cầu chăm sóc sức khỏe phổ quát theo nguyên lý y học gia đình cho quy mô dân số phục vụ. Trạm y tế xã, phường cần được bố trí đủ số lượng bác sĩ đa khoa/bác sĩ gia đình có kiến thức và kỹ năng thực hành, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị y tế cơ bản. Kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy, để bảo đảm chất lượng chăm sóc, mỗi bác sĩ gia đình chỉ nên phục vụ khoảng 1.500 dân… Cụ thể hơn, TS, BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam khuyến nghị: Trong tình trạng quá tải y tế hiện nay không nên và không thể điều trị tập trung toàn bộ F0 tại bệnh viện. Phần lớn trong số họ là không có triệu chứng và tự chăm sóc tại nhà sẽ tốt hơn về sức khỏe thể chất và tinh thần cho bản thân F0, tốt hơn cho hệ thống y tế (không bị quá tải) và tốt hơn cho cả các F0 có tình trạng bệnh nặng khác thực sự cần được đến bệnh viện (có giường bệnh và có bác sĩ) và từ đó góp phần giảm tỷ lệ tử vong. Vì vậy, cần một chương trình giáo dục sức khỏe cho cộng đồng để bệnh nhân và người nhà biết cách tự chăm sóc bản thân khi F0 ở nhà là cần thiết.

Cũng theo TS, BS Trương Hồng Sơn, việc huy động cán bộ y tế ngoài công lập là rất cần thiết nhằm giảm tải cho hệ thống y tế công. Bên cạnh đó, trong trường hợp cấp thiết, cần huy động và tập huấn cho lực lượng cán bộ y tế các chuyên khoa, sinh viên khối ngành sức khỏe. Việc tập huấn này cần giao cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ trì, các bệnh viện cung cấp nhân lực và bệnh viện sử dụng nhân lực chịu trách nhiệm tập huấn tại chỗ. Tài liệu tập huấn nên được chuẩn hóa bởi các Hội chuyên khoa.

Thiếu nguồn lực đầu tư được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới hệ quả trực tiếp là năng lực cung ứng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở chưa theo kịp nhu cầu thực tế, đặc biệt là trong những tình huống đặc biệt khẩn cấp về y tế công cộng. Đã đến lúc cần xác định hướng đi lâu dài cho việc xây dựng nguồn nhân lực y tế cơ sở nói riêng và ngành y tế nói chung. Muốn vậy cần cải cách tiền lương và chế độ đãi ngộ đặc biệt, cung cấp hỗ trợ tài chính và sự ghi nhận cho nhân viên y tế tuyến đầu.