Hỗ trợ tiền thuê nhà

Không để công nhân đợi quá lâu

Chủ trương hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 28/3 được đánh giá là đúng đắn, nhân văn, nhưng thực tế việc triển khai rất chậm. Làm sao khai thông những điểm tắc nghẽn để kịp thời hỗ trợ cho công nhân trong bối cảnh giá cả leo thang?

Công nhân mong mỏi nhận được tiền hỗ trợ về nhà ở.
Công nhân mong mỏi nhận được tiền hỗ trợ về nhà ở.

Còn tâm lý e ngại

Chị Nguyễn Thị Na (công nhân Công ty Pouyuen Việt Nam) cho biết, vợ chồng chị đều là công nhân, ở trọ tại phường An Lạc A, quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) đang trông chờ gói hỗ trợ được triển khai nhanh, để giảm áp lực chi tiêu. Chung nỗi niềm ấy, chị Huỳnh Thị Hiền, cùng xóm trọ với chị Na, thốt lên: "Chúng tôi vẫn đang trông chờ mà chưa biết đến bao giờ nhận được tiền hỗ trợ".

Tính đến ngày 15/6 mới chỉ có 26 tỉnh, thành phố nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà của doanh nghiệp và tiến hành giải ngân với số lượng hồ sơ ít ỏi. Điều đáng nói, ngay cả những tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… cũng chậm triển khai, hồ sơ nhận hỗ trợ không nhiều.

Đơn cử Bình Dương có 820 nghìn lao động trong diện được thụ hưởng, nhưng mới chỉ có khoảng 27 nghìn người nộp hồ sơ. Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương chia sẻ, nguyên nhân là do khâu rà soát đối tượng lao động làm lâu năm hay lao động mới quay lại thị trường lao động để đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo quyết định còn nhiều bất cập. Một số chủ trọ ngại xác nhận chỗ trọ vì ràng buộc tính pháp lý, một số chủ trọ ở xa, chỉ có người quản lý trông coi nên không có người xác nhận. Thêm nữa, việc xác nhận tình trạng tham gia bảo hiểm bắt buộc của người lao động còn nhiều vướng mắc.

Tại TP Hồ Chí Minh, đến ngày 15/6, các cơ quan chức năng xác nhận hơn 218 nghìn lao động đề nghị được hưởng hỗ trợ tiền thuê nhà. Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, đánh giá: Người đề nghị nhận hỗ trợ trên địa bàn còn ít, tiến độ thực hiện còn rất chậm. Qua ghi nhận, doanh nghiệp có đông lao động đang lo sợ cập nhật danh sách không kịp, bị trễ tiến độ.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mặc dù thủ tục làm hồ sơ, xác nhận lập danh sách đã được hướng dẫn đơn giản nhưng do nhiều doanh nghiệp, người lao động chưa chủ động hoàn thiện hồ sơ dẫn đến việc lập danh sách đề nghị của các doanh nghiệp bị chậm, nhất là đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết thêm, một số địa phương chưa chủ động, chậm triển khai thực hiện chính sách, có địa phương đến cuối tháng 5/2022 mới ban hành kế hoạch triển khai. Việc thông tin, tuyên truyền, giải thích cho người lao động, người sử dụng lao động hiểu rõ về các chính sách cũng như điều kiện hỗ trợ ban đầu chưa cụ thể.

Đó là còn chưa kể đến ở các địa phương, không ít cán bộ cấp huyện chưa nắm vững chuyên môn, lúng túng trong việc hướng dẫn doanh nghiệp, còn e ngại trong việc triển khai chính sách.

Cần rút ngắn thời gian, thủ tục ở cấp cơ sở

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 431/CĐ-TTg ngày 19/5/2022 về việc tăng cường các biện pháp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, bảo đảm hoàn thành trong tháng 8/2022. Nhằm thúc đẩy quá trình triển khai chính sách, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà đã chỉ đạo các đơn vị chức năng mau chóng rà soát, xác nhận, hỗ trợ cho người lao động.

Rốt ráo thực hiện công việc, trong thời gian qua Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã kêu gọi các chủ nhà trọ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đang thuê nhà của mình trong việc xác nhận, để họ tiếp cận chính sách, giảm bớt khó khăn, góp phần ổn định sản xuất, phục hồi kinh tế.

Mặc dù đang gặp khó khăn, nhưng Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Juno (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) đã linh hoạt trong quá trình triển khai. Cụ thể, đối với các trường hợp chủ nhà đồng ý ký nhưng vắng mặt tại địa phương, công ty đã linh động hướng dẫn người lao động xin chữ ký xác nhận của người thân chủ nhà, còn trong trường hợp chủ nhà không có người thân tại địa phương thì người lao động có thể xin xác nhận từ tổ trưởng tổ dân phố. Trường hợp sau khi nộp hồ sơ mà không được xét duyệt, công ty tiếp tục phối hợp xác minh hoặc xin hướng dẫn cụ thể để giải quyết cho từng cá nhân.

Để mau chóng đạt mục tiêu đề ra, tiến sĩ Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nêu giải pháp: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, yêu cầu các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp, UBND các huyện, thị xã đốc thúc các doanh nghiệp triển khai. Cần sử dụng công nghệ thông tin, dữ liệu kết nối để rút ngắn hơn nữa thời gian, thủ tục cho cấp cơ sở và doanh nghiệp. Cán bộ thực hiện nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm và tinh thần phục vụ người lao động và doanh nghiệp.

Phía doanh nghiệp cần tích cực hướng dẫn người lao động làm đơn, thủ tục và dành nguồn lực để thực hiện. Cần tự nâng cao tínht chịu trách nhiệm trong xác thực tính chính xác, trung thực thông tin mà người lao động cung cấp. Phía người lao động cũng cần chủ động đề nghị doanh nghiệp làm hồ sơ sớm; làm đơn và xác nhận bảo đảm tính trung thực, tuyệt đối không gian dối.

Tháng 8 đã đến gần, cần phải giảm tối đa "thời gian chết". Bởi càng để lâu, vừa thiệt thòi cho người lao động, vừa giảm ý nghĩa và tác dụng của chính sách hết sức thiết thực này.