Sử dụng quỹ đất đô thị ở Hà Nội

Khi thực tế đi ngược với mục tiêu

Sai mục đích, thiếu nguồn lực để hỗ trợ và đầu tư phát triển hạ tầng… đang là những vấn đề khiến cho tiến độ di dời các nhà máy, công sở, bệnh viện, trường học ra khỏi khu vực nội đô TP Hà Nội chậm lại. Đồng thời, nhiều kẽ hở trong việc phê duyệt, cấp phép quy hoạch khiến cho các dự án di dời này bị sử dụng sai mục đích, tiềm ẩn những hệ lụy tiêu cực cho đô thị.

Nhà máy cơ khí 120 ở địa chỉ 609 Trương Định, đã thành tòa nhà Nam Đô Complex. Ảnh: DIÊN KHÁNH
Nhà máy cơ khí 120 ở địa chỉ 609 Trương Định, đã thành tòa nhà Nam Đô Complex. Ảnh: DIÊN KHÁNH

Chậm và sai mục đích

Di dời nhà máy, công sở, bệnh viện, trường đại học... ra khỏi nội đô được xác định là việc cần thiết nhằm tạo quỹ đất cho hạ tầng giao thông, không gian công cộng, công viên, cây xanh. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai từ khâu lập chương trình, kế hoạch, đề án di dời theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ đang diễn ra rất chậm. Theo báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, trong bốn quận lõi trung tâm có 26 trường thì chỉ duy nhất Trường đại học Y tế cộng đồng thực hiện di dời. Đối với cơ sở gây ô nhiễm, lộ trình đến năm 2020 di dời 117 cơ sở trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành, nhưng hiện mới chỉ di dời được gần 70 cơ sở.

Ông Vũ Anh Tú, Phó Vụ trưởng Quy hoạch-Kiến trúc (Bộ Xây dựng) chỉ ra một nguyên nhân căn bản: Các bộ, ngành và TP Hà Nội chưa chủ động phối hợp thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch và xây dựng các đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Có một nghịch lý là, trong khi số cơ sở đã di dời đạt được thấp, thì phần nhiều diện tích đã giải phóng lại được dùng để xây nhà cao tầng. Có thể kể đến khu đất vốn thuộc nhà máy cơ khí ở địa chỉ 609 Trương Định, sau khi di dời đã thành tòa nhà Nam Đô Complex với hai tòa chung cư từ 25-28 tầng và một tòa nhà hỗn hợp 14 tầng. Còn khu đô thị New Horizon City với bốn tòa chung cư từ 17-30 tầng cũng được hình thành trên diện tích đất của Công ty sản xuất kinh doanh dịch vụ Việt Hà trước đây. Nhà máy cơ khí Hà Nội ở địa chỉ 72 Nguyễn Trãi trở thành khu đô thị Vinhome Royal City, với hàng loạt chung cư cao tầng và tổ hợp trung tâm thương mại dưới lòng đất. Các phần đất của Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Cơ khí số 1, Dệt 8-3, hay các nhà máy tại khu vực phố Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Trực, sau khi di dời cũng không được dùng vào mục đích phát triển không gian công cộng.

Trong khi đó, Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ: Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, bảo đảm cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.

Cần giải pháp quyết liệt hơn

Tại sao cơ sở đã di dời được dùng để xây nhà cao tầng? Bộ Xây dựng và Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội đến nay vẫn chưa có câu trả lời thấu đáo cho câu hỏi này.

Trong khi đó, một vấn đề mới đang được cơ quan chức năng đề cập, đó là những vướng mắc dẫn đến việc di dời chậm, trong đó, nguồn vốn thực hiện công tác di dời, xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí và chưa có phương án xã hội hóa để khuyến khích, khai thác quỹ đất sau di dời có hiệu quả. Nguồn lực Nhà nước còn hạn chế trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại nơi di chuyển đến; cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp di dời còn một số bất cập, chưa phù hợp thực tế... Thêm vào đó, năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ sạch, đầu tư công nghệ xử lý nước thải, chất thải và đầu tư tại nơi di chuyển đến.

Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh cũng cho biết thêm, theo quy định việc rà soát, phát hiện cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tiến hành hằng năm và theo trình tự, tuy nhiên hiện danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời của các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm lại chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai, trình Thủ tướng phê duyệt.

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Ban thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, đặt vấn đề: "Tại các bản điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đều đặt ra mục tiêu di dời các nhà máy ô nhiễm, thay vào đó là công trình công cộng, không gian xanh, hạ tầng xã hội. Đây là cam kết trọng yếu của các cấp quản lý trước toàn xã hội để chính quyền các cấp phải có trách nhiệm thực hiện. Vậy tại sao các bản quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã vẽ ra, đã được thông qua lại "quên" cam kết này?".

Rõ ràng, việc di dời nhà máy, trường học cần được thực hiện với quyết tâm cao hơn, bảo đảm quy hoạch và mục tiêu. Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, thời gian tới đơn vị tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội xem xét, chấp thuận chuyển đổi quỹ đất sau di dời, theo nguyên tắc ưu tiên bổ sung quỹ đất công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe và hạ tầng xã hội, không sử dụng để xây chung cư. "Trong các đồ án quy hoạch thời gian tới, sẽ có 176ha quỹ đất sau di dời, sở kiến nghị dành 97ha cho bãi đỗ xe, cây xanh, còn lại dành để phát triển đô thị", ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh nêu.

Còn ông Vũ Anh Tú, Phó Vụ trưởng Quy hoạch-Kiến trúc kiến nghị: UBND thành phố Hà Nội khẩn trương triển khai thực hiện công tác rà soát, lập đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Thời gian tới, Bộ Xây dựng cũng sẽ lập danh mục, cụ thể hóa tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ quan, đơn vị cần phải di dời; giám sát việc tổ chức thực hiện, quản lý và xây dựng theo quy hoạch, phối hợp UBND thành phố Hà Nội, các bộ, ngành và UBND các tỉnh trong vùng Thủ đô có liên quan trong quá trình thực hiện việc di dời.