Kỷ niệm 68 năm Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2022)

Khát vọng ngày mới

Tháng 5. Trời Điện Biên dường như cao xanh hơn, khuôn mặt mỗi người dân nơi vùng đất lịch sử rạng ngời hạnh phúc, ngập tràn niềm tin, hy vọng và niềm khát khao cháy bỏng dựng xây Điện Biên trong ngày mới. Mỗi người dân trên vùng đất cực tây Tổ quốc dù là người con của đồng bào dân tộc Thái, dân tộc H’Mông, dân tộc Kinh, dân tộc Dao hay dân tộc Khơ Mú… đều tự hào mỗi lần cất tiếng gọi: Điện Biên.

Đồi A1 là điểm tham quan hấp dẫn du khách mọi miền đất nước.
Đồi A1 là điểm tham quan hấp dẫn du khách mọi miền đất nước.

Đúng hẹn, sáng sớm đầu tiên của tháng 5, chúng tôi có mặt tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để cùng chiêm ngưỡng bức tranh panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ với chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", vậy nhưng kế hoạch không thành. Trước quầy vé, hàng trăm người lần lượt đứng theo hàng; trên sân đỗ xe của Bảo tàng có rất nhiều xe căng biển mang dòng chữ "Đoàn cựu chiến binh về thăm Điện Biên". Đối diện Bảo tàng, khoảng sân trước cửa Nghĩa trang liệt sĩ A1 ngày thường thênh thang là thế nhưng hôm ấy như "hẹp" hơn nhiều. Trong dòng người lặng lẽ vào nghĩa trang, rất nhiều cựu binh mắt nặng buồn, chân bước nhẹ từng bước run run!

Biết tôi phân vân giữa về hay đợi xếp hàng, cô nàng Kiều Oanh liền đề nghị ghé thăm Trung tâm đề kháng Him Lam - nơi ngày 13/3 của 68 năm trước bộ đội ta đã anh dũng đánh trận mở màn. Nhất trí với đề nghị của Kiều Oanh, đoàn chúng tôi quay xe theo hướng bắc thẳng tiến đến Him Lam. Thật mừng, khi chúng tôi đến thì gặp năm cựu chiến binh, mà một trong số đó là ông Nguyễn Hữu Chấp, chiến sĩ Đại đoàn 312 (nay là Đại đội 12, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) - người từng tham gia đánh trận mở màn vào "cánh cửa thép" Him Lam. Và thế là, chẳng ai bảo ai, mấy người trẻ chúng tôi lặng lẽ bước theo đoàn cựu chiến binh để được nghe chuyện về 68 năm trước, về 56 ngày đêm bộ đội ta đã anh dũng chiến đấu, anh dũng hy sinh để giành lấy chiến thắng vang dội trên chiến trường Điện Biên Phủ lịch sử.

Đưa tay chỉ về con đường nhỏ láng xi-măng sạch sẽ dẫn đến các cứ điểm trên đồi Him Lam, ông Nguyễn Hữu Chấp xúc động, kể: Nhận định Him Lam sẽ là hướng tiến công chính của bộ đội Việt Minh nên địch đã bố trí tại Him Lam gồm ba cứ điểm có công sự tương đối vững chắc; một lưới lửa mạnh bố trí rất cẩn mật, vừa yểm hộ lẫn cho nhau, vừa ngăn chặn mọi con đường ta có thể tiến vào. Cùng với đó, địch bố trí một hệ thống công sự phụ gồm: dây thép gai, vật chướng ngại và bãi mìn, có chỗ rộng đến hơn 100 mét. Bố trí tại Him Lam một tiểu đoàn gồm 750 người, địch còn trang bị cho lực lượng bảo vệ súng có kính ngắm điện tử phát hiện được mục tiêu ban đêm; đồng thời trọng pháo 105 và 155 ở Mường Thanh, Hồng Cúm luôn sẵn sàng yểm trợ theo kế hoạch hỏa lực dày đặc… Ngược với địch, ta có 40 khẩu pháo cỡ từ 75 đến 120 milimét và quyết tâm chiến đấu của những người lính thuộc Đại đoàn 312 được Bộ Chỉ huy mặt trận tin tưởng gửi trao: Trận mở màn, nhất định phải thắng!

"12 giờ đêm 12/3/1954, từ Tà Lèng, chúng tôi hành quân chiếm lĩnh trận địa. Gần sáng đội hình của Đại đoàn đã đến cánh đồng quanh cứ điểm. Cả ngày bao quanh cứ điểm Him Lam, cứ nghe loa của Pháp ra rả: "Điện Biên Phủ là cứ điểm bất khả xâm phạm, các bạn đừng nghe lời Tướng Giáp mà đánh vào. Đánh vào không còn đường về với bố mẹ!" nhưng chúng tôi đâu có để ý. Bởi khi ấy chúng tôi chỉ nóng lòng đợi lệnh tiến công" - ông Nguyễn Hữu Chấp nhớ lại.

17 giờ 5 phút toàn bộ lực lượng pháo binh của ta đồng loạt nhả đạn. Trong khi đạn đại bác của ta trút xuống không ngừng thì quân địch vẫn ngơ ngác, không kịp phản ứng. Sau hơn một giờ kiên cường chiến đấu, lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" đã tung bay trên cứ điểm 3; đến 22 giờ 30 phút cứ điểm 2 cũng nằm dưới sự khống chế của ta và đến 23 giờ 30 phút Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt Trung tâm đề kháng Him Lam; diệt 300 lính, bắt sống 200, thu toàn bộ vũ khí, trang bị.

Chiến thắng trận mở màn Him Lam đã tiếp thêm niềm tin mãnh liệt, sức lan tỏa nhanh chóng đối với bộ đội ta trên tất cả mặt trận. Liên tiếp những ngày sau bộ đội ta tiếp tục chiến thắng, giành quyền kiểm soát ở Độc Lập, Bản Kéo, C1, D1, Đồi Cháy, A1, Hồng Cúm, Mường Thanh… để rồi 17 giờ 30 phút ngày 7/5 lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" của quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm De Castries, đập kế hoạch Nava tan thành khói mây…!

Hôm nay, trên nền chiến trường xưa vẫn còn đó sông Nậm Rốm lặng lẽ xuôi dòng dưới chân cầu Mường Thanh, nhưng nước sông xanh mát hiền hòa chứ không đỏ ngầu mầu máu như tháng 5 xưa. Bên dòng sông ấy, cánh đồng Mường Thanh lúa hai mùa trĩu hạt; bản làng, thôn xóm bừng lên sức sống mới với những sắc màu rực rỡ, ấm no. Như điều mà ông Lường Văn Tọ - người con của đồng bào dân tộc Thái đen ở Thanh Hưng, đã tự hào khoe: Thanh Hưng hôm nay đổi thay rất nhiều. Người dân Thanh Hưng không còn canh cánh lo cái ăn cái mặc như trước, thay vào đó là ước mong xây dựng Thanh Hưng thành xã điểm nông thôn mới nâng cao để tới đây Thanh Hưng đón thêm nhiều bạn bè, du khách về thăm…

68 năm qua, với ước mong và khát vọng cháy bỏng xây dựng Điện Biên trở thành trung tâm của vùng Tây Bắc, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Điện Biên đã luôn đoàn kết, nỗ lực thực hiện từng mục tiêu, biến chiến trường thành nông trường, thành những khu dân cư mới và thành đô thị trẻ nơi miền biên viễn với tên gọi Điện Biên Phủ. Tiếp nối truyền thống anh dũng của thế hệ cha anh đi trước, bằng quyết tâm thực hiện kỳ được mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, xây dựng Điện Biên thành điểm đến hấp dẫn nhân dân trong nước và du khách quốc tế, ngay sau đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2025, lớp cán bộ trẻ Điện Biên đã dốc trí đồng tâm thực hiện các mục tiêu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sáng suốt đặt ra.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Phát huy lợi thế vùng đất, vùng biên, từng bước biến tiềm năng thành thế mạnh, xây dựng Điện Biên trở thành trung tâm vùng Tây Bắc, là cửa ngõ giao thương của Việt Nam với các tỉnh bắc Lào và đông nam Trung Quốc, đông bắc Thái Lan, thời gian qua tỉnh Điện Biên đã tích cực phối hợp cùng Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tổ chức khởi công dự án Nâng cấp mở rộng cảng hàng không Điện Biên; tích cực phối hợp cùng với các tỉnh Sơn La, Hòa Bình để đầu tư nâng cấp quốc lộ 6 Điện Biên-Hà Nội trở thành đường cao tốc trong giai đoạn trước năm 2030; nâng cấp các tuyến giao thông kết nối với các tỉnh bắc Lào, đông bắc Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Tây Trang bằng nguồn vốn ODA do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ; nâng cấp lối mở A Pa Chải-Long Phú với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thành cửa khẩu quốc gia. Khi các dự án này hoàn thành đưa vào khai thác thì những cách trở về vị trí địa lý và giao thông giữa Điện Biên với các trung tâm kinh tế lớn trong và ngoài nước sẽ được xóa bỏ, trở thành động lực quan trọng để giúp Điện Biên bay cao hơn,
xa hơn.