Hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động thiện nguyện

Sau 13 năm thực thi, Nghị định số 64/2008/NÐ-CP (NÐ 64) đã bộc lộ những bất cập trong việc huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực thiện nguyện. Nhân Dân cuối tuần thực hiện cuộc trao đổi với nhà quản lý, chuyên gia, nhà hoạt động xã hội về việc sửa đổi NÐ 64, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động thiện nguyện.

Ðoàn cứu trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm đến người dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ cuối tháng 10-2020. Ảnh: Ngọc Châu
Ðoàn cứu trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm đến người dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ cuối tháng 10-2020. Ảnh: Ngọc Châu

- Từ thực tế thực thi, xin cho biết vướng mắc lớn nhất của NÐ 64 là gì?

TS NGUYỄN SĨ DŨNG - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:

Theo tôi, đó là quy định cá nhân không được quyền tiếp nhận tiền và hàng cứu trợ (chỉ có các tổ chức mới được làm điều này). Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã đứng ra kêu gọi và tiếp nhận tiền của các nhà hảo tâm.

Ðể biện hộ cho các nghệ sĩ, nhiều người đã lập luận rằng khi Hiến pháp năm 2013 và sau đó là Bộ luật Dân sự được ban hành thì Nghị định 64 đương nhiên hết hiệu lực. Bởi vì, những gì liên quan đến quyền con người, quyền dân sự, thì chỉ có luật mới điều chỉnh được. Thỏa thuận giữa các nghệ sĩ với các nhà tài trợ là một quyền dân sự. Trong lúc đó, NÐ 64 chỉ là một văn bản dưới luật nên không thể hạn chế được quyền này.

Thế nhưng, nếu lập luận trên là đúng, thì một khoảng trống pháp lý sẽ xuất hiện. Ðó là lĩnh vực huy động, tiếp nhận các đóng góp cứu trợ gần như không được điều chỉnh. Như vậy, những đòi hỏi về sự minh bạch, về trách nhiệm giải trình cũng khó áp đặt được cho các nghệ sĩ nói riêng, hoặc những cá nhân đứng ra tiếp nhận quyên góp thiện nguyện, nói chung.

Luật sư TRƯƠNG THANH ÐỨC, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Có lẽ khi xây dựng NÐ 64, nhà làm luật vẫn cho rằng việc cá nhân huy động từ thiện chỉ là quan hệ xã hội, dân sự tự phát và nhỏ lẻ, chứ không tính đến tình huống những cá nhân có thể kêu gọi đóng góp được hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng của hàng vạn người.

Hoạt động đóng góp từ thiện là quan hệ dân sự trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, tự giác, chia sẻ, giúp đỡ, thể hiện tình người, tấm lòng trắc ẩn giữa người với người. Tuy nhiên, nếu ai đó đứng ra làm đầu mối nhận tiền, nhận quà từ thiện mà không làm đúng cam kết, mục đích và kịp thời với bên trao tặng thì xét về pháp luật là không vi phạm, nhưng vẫn là hành vi bội ước, hay ít nhất, làm sút giảm lòng tin của những người từ tâm, thiện ý. Tất nhiên trong trường hợp xảy ra hành vi gian dối, lợi dụng tư lợi, thì vẫn có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí là tội hình sự về hành vi lạm dụng tín nhiệm hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông PHẠM QUANG TÚ, Phó Giám đốc quốc gia Oxfam tại Việt Nam:

Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành quốc gia phát triển trung bình thấp, vì thế các nguồn cứu trợ từ nước ngoài ngày càng giảm, xu thế thiện nguyện, cứu trợ trong nước ngày càng tăng lên cùng với tinh thần thiện nguyện, tình tương thân tương ái và lá lành đùm lá rách là truyền thống lâu đời của Việt Nam thì định hướng chính sách chủ đạo của nghị định về công tác thiện nguyện cần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng hệ sinh thái cho các hoạt động thiện nguyện và cứu trợ khẩn cấp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cũng cần có các chính sách cụ thể về ưu đãi thuế hoặc miễn trừ cho công tác từ thiện. Công tác tôn vinh, ghi nhận các tấm gương làm từ thiện của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Ðặc biệt, cần loại bỏ tư duy "cho hay không cho" trong việc thực hiện công tác cứu trợ, thiện nguyện. Thay vào đó cần bổ sung những quy định, hướng dẫn về cách thức, phương pháp thực hiện và điều phối nhằm bảo đảm công tác cứu trợ hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm giải trình cao.

- Phải chăng, đây chính là một trường hợp mà luật không còn phù hợp so thực tế cuộc sống?

TS NGUYỄN SĨ DŨNG: Quả đúng như vậy! Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phản ứng rất nhanh với vấn đề này khi chỉ thị cho Bộ Tài chính soạn thảo một nghị định mới để thay thế cho NÐ 64.

LS TRƯƠNG THANH ÐỨC: Pháp luật thường có độ trễ và đi sau cuộc sống. Tuy nhiên, vấn đề cá nhân đứng ra quyên góp số tiền từ thiện rất lớn không phải là chuyện mới, mà đã phát sinh ít nhất từ hơn bốn năm trước qua vụ việc MC Phan Anh. Như vậy là các cơ quan làm chính sách đã phản ứng quá chậm, dẫn đến sự tranh cãi, phức tạp không đáng có, ảnh hưởng đến hoạt động thiện nguyện.

Tuy nhiên, trong việc này, điều quan trọng nhất cũng không phải dựa vào pháp luật, mà là cần phải hình thành được các tổ chức làm từ thiện chuyên nghiệp, bài bản, uy tín thì tự khắc sẽ không dồn gánh nặng và sức ép cho cá nhân. Pháp luật chỉ có thể bắt buộc phải làm gì trong trường hợp mua bán, trao đổi, huy động vốn hay kêu gọi từ thiện của pháp nhân, tổ chức, chứ cũng không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động thiện nguyện gắn liền với từng con người. Vì vậy, không thể cấm, mà chỉ có thể đặt ra một vài nguyên tắc cơ bản về việc công khai, minh bạch đối với cá nhân đảm nhận đầu mối tiếp nhận từ thiện.

Ông PHẠM QUANG TÚ: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 25-12-2020, Bộ Tài chính đã công khai bản dự thảo trên cổng thông tin của Bộ để lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật. Qua nghiên cứu văn bản, chúng tôi thấy dự thảo Nghị định đã bổ sung những điểm mới như sau:

Ðã bổ sung quy định (điều 2, đối tượng áp dụng) cho phép các cơ sở y tế, quỹ xã hội, quỹ từ thiện và cá nhân được phép vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để góp phần khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước và hỗ trợ người mắc bệnh hiểm nghèo.

Phân tách rõ giữa nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân vận động và nguồn ngân sách Nhà nước (điểm b, mục 3, phần V: Những nội dung cơ bản của dự thảo nghị định); theo đó, các khoản đóng góp tự nguyện do tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận và sử dụng không tổng hợp vào ngân sách nhà nước.

Ðề cao tính công khai, minh bạch đối với cả tổ chức và cá nhân trong việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước đối với các tổ chức.

- Luật pháp nên quy định theo hướng nào để vừa bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong hoạt động thiện nguyện, vừa động viên được mọi nguồn lực trong nhân dân cho công tác này?

TS NGUYỄN SĨ DŨNG: Theo tôi, nghị định mới cần xử lý được bốn vấn đề: Mở rộng đối tượng được tiếp nhận tiền và hàng cứu trợ; áp đặt trách nhiệm giải trình và bảo đảm sự minh bạch; thiết kế cơ chế điều phối để tránh chồng chéo, lãng phí; thúc đẩy chuyên nghiệp hóa trong hoạt động cứu trợ.

LS TRƯƠNG THANH ÐỨC: Ðể hoạt động từ thiện đúng nghĩa và thật sự tốt đẹp, có năm khía cạnh sau cần chú trọng: Thứ nhất, người được thụ hưởng từ thiện thì gần như hoàn toàn thụ động, nên không có ảnh hưởng gì đáng kể, ngoại trừ sự vui vẻ, nhẹ nhàng đón nhận. Thứ hai, người có tấm lòng từ thiện cần cân nhắc tặng cái gì và qua kênh nào để đồng tiền, vật phẩm của mình có ý nghĩa nhất, đến được với người thật sự cần sự giúp đỡ. Thứ ba, người làm đầu mối từ thiện cần lượng sức để có thể hoàn thành trọng trách, tránh làm tổn thương đến cả những người tặng cho và người tiếp nhận; tránh làm ơn lại mắc oán. Thứ tư, những người có trách nhiệm của chính quyền và cơ quan, đoàn thể các cấp cũng cần hết sức quan tâm trong việc hỗ trợ, điều phối tạo điều kiện để phát huy hiệu quả mọi kênh hoạt động thiện nguyện. Và cuối cùng, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý để một mặt vẫn khơi gợi, khuyến khích hoạt động từ thiện, nhưng đồng thời cũng phải ngăn ngừa, hạn chế mặt trái có thể xảy ra.

Ông PHẠM QUANG TÚ: Chúng tôi xin đề xuất ba kiến nghị cụ thể như sau: Trước hết, mở rộng đối tượng tham gia quá trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để góp phần khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước và hỗ trợ người mắc bệnh hiểm nghèo.

Cần tăng cường tính chuyên nghiệp và hiệu quả của công tác nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp. Những thảo luận gần đây về việc làm cứu trợ của một số nghệ sĩ nổi tiếng đang đặt ra yêu cầu lớn của việc chuyên nghiệp hóa quá trình làm thiện nguyện và cứu trợ khẩn cấp để bảo đảm hiệu quả và gây dựng lòng tin trong nhân dân và các mạnh thường quân. Theo đó, chúng tôi đề nghị xây dựng một "hướng dẫn quy trình đánh giá thiệt hại, vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố và dịch bệnh". Ðây được xem như một cuốn "cẩm nang" để tất cả các tổ chức, cá nhân thực hiện nhằm bảo đảm quy trình chặt chẽ, đầy đủ, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Tăng cường công khai minh bạch đối với hoạt động thiện nguyện: Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình là yếu tố quan trọng để củng cố lòng tin của người đóng góp và hiệu quả của công tác cứu trợ. Vì thế, cần có quy định về công khai, minh bạch; theo đó đề nghị: (1) Nếu các khoản đóng góp được gửi về một địa chỉ mà bên tiếp nhận nhân danh nhà nước Việt Nam thì tổ chức (được nhà nước ủy quyền/ giao phó) tiếp nhận viện trợ phải thực hiện việc công khai, minh bạch cho toàn dân theo quy định của pháp luật. (2) nếu các khoản đóng góp được ủy thác, gửi về tổ chức, cá nhân thì tổ chức, cá nhân cần công khai và báo cáo kết quả đối với các tổ chức, cá nhân đã đóng góp thông qua ủy thác cho mình.

Ngoài ra, về lâu dài, để bảo đảm một hành lang pháp lý vững chắc, đề xuất Chính phủ nghiên cứu, chuẩn bị Luật về tổ chức và hoạt động thiện nguyện, phi lợi nhuận, trình Quốc hội khóa XV trong những năm tới đây.

Xin trân trọng cảm ơn!

Ông VÕ THÀNH HƯNG, Vụ trưởng Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính):

Những điểm mới trong Nghị định sửa đổi

Thực hiện Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 11-9-2020 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 92/TTr-BTC ngày 26-5-2021 trình Chính phủ dự thảo Nghị định (NÐ) về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (thay thế NÐ số 64/2008/NÐ-CP) với một số nội dung thay đổi như sau: Thứ nhất, Dự thảo NÐ đã căn cứ vào quy định pháp luật mới như Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015... Thứ hai, bổ sung thêm quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do dịch bệnh, phù hợp bối cảnh đại dịch Covid-19 thời gian qua (NÐ số 64/2008/NÐ-CP chỉ quy định vận động đóng góp tự nguyện đối với thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng). Thứ ba, bổ sung quy định cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (NÐ số 64/2008/NÐ-CP chưa có quy định đối với cá nhân vận động đóng góp tự nguyện).

Nhằm khuyến khích, tôn vinh, tạo điều kiện mọi tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái hỗ trợ người dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh cũng như để hoạt động mang tính thiện nguyện phát huy hiệu quả, an toàn, hạn chế tối đa việc trục lợi, tạo động lực, niềm tin cho mọi tổ chức, cá nhân đồng lòng hưởng ứng tham gia, dự thảo NÐ quy định việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện phải bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, đối tượng, đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải công khai, minh bạch và có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp thông tin và triển khai các hoạt động cứu trợ.

CẨM HÀ, KHÚC HỒNG THIỆN, LÊ ÐỨC NGHĨA (thực hiện)