Gìn giữ giá trị lịch sử

Huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) có nhiều di tích lịch sử, di tích gắn với thời kỳ tiền khởi nghĩa đã được xếp hạng cấp quốc gia. Vì thế, quá trình xây dựng nông thôn mới phải bảo đảm được nhiệm vụ quan trọng là bảo tồn và phát huy giá trị các di tích của địa phương.

Đình Xuân Biều, Di tích lịch sử ATK II thuộc huyện Hiệp Hòa. Ảnh: Thu Phong
Đình Xuân Biều, Di tích lịch sử ATK II thuộc huyện Hiệp Hòa. Ảnh: Thu Phong

Hiệp Hòa, di tích an toàn khu (ATK) II gồm tám điểm: Địa điểm nhà ông Ngô Văn Thấu (cụ Đồ Ba), địa điểm nhà ông Nguyễn Văn Chế, địa điểm nhà ông Ngô Văn Đông (Lý Đông), Soi Đền và đình Vân Xuyên (xã Hoàng Vân), đình Chợ Vân (xã Hoàng An), đình Xuân Biều (xã Xuân Cẩm), chùa Y Sơn (xã Hòa Sơn). Năm 1994, Nhà nước đã xếp hạng quốc gia đối với bảy di tích ATK II. Tháng 6/2018, chùa Y Sơn (xã Hòa Sơn) được bổ sung vào hệ thống di tích quốc gia. Mỗi di tích đều gắn với những nhân vật lịch sử quan trọng và các sự kiện tiêu biểu, đánh dấu bước chuyển trong quá trình chuẩn bị lực lượng và các điều kiện cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.

Những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện đã có nhiều chính sách và chỉ đạo thực hiện giải pháp kích cầu phát triển du lịch. Ví như bên cạnh đầu tư, tu bổ di tích, Huyện đoàn thành lập các đội thanh niên tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn khách tham quan tìm hiểu lịch sử, đảm nhận công trình thanh niên bảo vệ cảnh quan di tích. Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường đưa môn học Lịch sử địa phương vào các giờ ngoại khóa, hướng dẫn học sinh tham quan các di tích lịch sử ATK II, trải nghiệm.

Theo lãnh đạo UBND huyện Hiệp Hòa, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới được quan tâm triển khai hiệu quả. Huyện đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử văn hóa đền Y Sơn, chùa Y Sơn xã Hòa Sơn; di tích lịch sử văn hóa ATK II và Điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm.

Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Hoàng Công Bộ cũng cho biết, địa bàn đang hình thành, khai thác hai không gian du lịch, gồm: không gian du lịch Lăng đá; hát ca trù, quan họ, chèo và không gian du lịch sinh thái, tâm linh, ATK II, các xã ven sông Cầu. Đồng thời, duy trì và nâng cao chất lượng các tuyến du lịch nội huyện; duy trì và mở rộng phát triển hai sản phẩm du lịch chính của huyện: du lịch văn hóa-tâm linh gồm các điểm đến là các di tích lịch sử, văn hóa ATK II, hệ thống lăng đá cổ và du lịch sinh thái gồm vườn cây ăn quả, cánh đồng mẫu lớn, làng nghề, ẩm thực...

Huyện cũng đang đề nghị nâng cấp một di tích cấp tỉnh lên cấp quốc gia, đồng thời xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của huyện có chuyên môn, nghiệp vụ góp phần quảng bá, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nổi bật của các điểm du lịch huyện.

Không chỉ cảnh quan ở vùng chiến khu xưa đổi thay nhanh chóng, cuộc sống của người dân Hiệp Hòa nâng lên đáng kể. Phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử diễn ra mạnh mẽ. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân đạt hơn 30 triệu đồng/năm. Luôn tự hào với truyền thống cách mạng, những người dân vùng ATK II Hiệp Hòa vững tin tiếp bước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hiệp Hòa có 687 di tích lịch sử, văn hóa, tiêu biểu có 128 di tích, di sản đã được xếp hạng (tám di tích quốc gia đặc biệt ATK II; 12 di tích quốc gia và 108 di tích xếp hạng cấp tỉnh), là cơ sở để phát triển du lịch tâm linh, sinh thái trong thời gian tới.