Giải nỗi lo học phí?

Mùa tuyển sinh năm 2022, câu chuyện tăng học phí tiếp tục "nóng" khi hàng loạt các trường đại học công lập thông báo dự kiến tăng học phí. Ngay lập tức không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về những hệ lụy, về gánh nặng tài chính đối với các gia đình. Từ phía các trường, cũng đang nỗ lực tìm giải pháp hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Học sinh nghe tư vấn nghề nghiệp mùa tuyển sinh năm 2022.
Học sinh nghe tư vấn nghề nghiệp mùa tuyển sinh năm 2022.

Tăng cao nhất lên gần 100 triệu đồng/năm

Năm học 2022-2023, nhiều trường đại học sẽ có mức học phí tăng cao, thậm chí có trường tăng gần gấp đôi so năm 2021. Hành lang pháp lý của việc tăng học phí này là Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Theo Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí, từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự chủ cũng sẽ tăng (trừ khối ngành II, Nghệ thuật). Đặc biệt, khối ngành VI.2 (Y Dược) tăng 71,3% (từ 1,43 triệu đồng/tháng lên 2,45 triệu đồng/tháng). Các khối ngành còn lại hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%, riêng khối ngành IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên) tăng vừa phải, ở mức 15,3%. Đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập được tự chủ mức 1 (tự bảo đảm chi thường xuyên), mức học phí với khối ngành Y Dược cao nhất có thể lên đến 4,9 triệu đồng/tháng/sinh viên. Còn với các trường đã được tự chủ mức 2 (bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư), học phí nhóm ngành Y Dược tối đa có thể lên đến hơn 6 triệu đồng/tháng.

Theo ghi nhận, mức học phí công lập thuộc ngành Y Dược tăng cao, cao nhất gần 100 triệu đồng/năm. Đề án của Khoa Y - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã công bố mức thu học phí giai đoạn 1 (2021-2023) dự kiến được triển khai tăng theo lộ trình như sau: Năm 2022, học phí ngành Y khoa là 66 triệu đồng/năm, ngành Dược học là 60,5 triệu đồng/năm, ngành Răng-Hàm-Mặt là 96,8 triệu đồng/năm. Năm 2023, mức học phí lần lượt là 72,6 triệu đồng/năm, 66,55 triệu đồng/năm và 106,480 triệu đồng/năm.

Đáng chú ý, học phí Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng tăng mạnh, các ngành Y khoa, Dược học, Răng-Hàm-Mặt mức học phí cao nhất không vượt quá 44,368 triệu đồng/năm; các ngành còn lại không vượt quá 41 triệu đồng/năm. Đây là năm thứ hai liên tiếp trường điều chỉnh học phí. Năm 2020, sinh viên có hộ khẩu tại TP Hồ Chí Minh đóng 14,3 triệu đồng; hộ khẩu ngoài thành phố đóng 28,6 triệu đồng. Năm 2021, học phí cho ngành Y khoa, Dược học, Răng-Hàm-Mặt là 32 triệu đồng/năm; các ngành còn lại có mức học phí 28 triệu đồng/năm; áp dụng đồng bộ cả thí sinh có hộ khẩu trong và ngoài thành phố.

Theo giải thích của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, học phí tăng dựa theo Nghị định 81; mức thu các năm sau có thể được điều chỉnh trượt giá theo quy định. Học phí được dùng để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, thực hành và năng lực ngoại ngữ. Mức thu này cũng căn cứ trên tổng chi phí đào tạo trung bình của một sinh viên năm ngoái là 41 triệu đồng.

Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, năm 2022, các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) được miễn học phí. Các ngành khác hệ đại trà tăng từ 276.000 đồng/tín chỉ (chương trình toàn khóa 143 tín chỉ) lên 440.559 đồng/tín chỉ; hệ chất lượng cao tăng từ 771.200 đồng/tín chỉ lên 1.321.677 đồng/tín chỉ.

Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự kiến tăng học phí với mức thu dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2022-2023 là 4,2 triệu đồng/tháng, so mức 3,5 triệu đồng/tháng (năm 2021) đã tăng hơn 20%.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên cả hai Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc hai Đại học Quốc gia đều tăng học phí. Trong đó, mức học phí Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (TP Hồ Chí Minh) dự kiến tăng từ 16-60 triệu đồng/năm. Mức học phí này tăng từ gần gấp đôi đến gấp đôi so năm 2021. Chính vì thế, có sáu ngành khó tuyển sinh của trường được Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 35% học phí là Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, Thông tin-Thư viện, Lưu trữ học.

Tìm cách bảo đảm tăng học phí-tăng chất lượng

PGS, TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, năm 2022 là lần đầu nhà trường áp dụng học phí theo định mức kinh tế-kỹ thuật cho tám ngành đào tạo trong trường. Các chương trình đào tạo đã kiểm định và đang được đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên để đáp ứng nhu cầu đào tạo trong thời gian tới. Song song với việc tăng học phí, nhà trường cũng chú ý đến chính sách hỗ trợ học bổng với sinh viên khó khăn.

Cũng khẳng định sẽ tăng chất lượng, PGS, TS Lê Trung Thành - Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, nhà trường đã xây dựng và ban hành lại chương trình đào tạo bắt đầu từ 2022. Đây là chương trình đào tạo có nhiều giá trị vượt trội so các chương trình trước. Hằng năm, nhà trường đều có chính sách học bổng dành cho sinh viên đạt kết quả học tập xuất sắc. Theo đó, nhiều học bổng đến từ các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước, có mức đặc biệt lên đến 100 triệu đồng.

Còn theo GS Nguyễn Minh Hà - Hiệu trưởng Trường đại học Mở TP Hồ Chí Minh, một nguyên tắc đối với các trường khi tăng học phí sẽ phải đi cùng với tăng chất lượng và nâng chuẩn đầu ra. Các việc làm cụ thể như giảm quy mô lớp, cải tiến phương pháp giảng dạy, chất lượng giảng viên, tăng hoạt động ngoại khóa và dịch vụ hỗ trợ. Tuy nhiên, ông Hà cũng chỉ ra mặt tiêu cực là đối với những em có gia đình khó khăn sẽ thêm gánh nặng khi học phí tăng cao. "Song, nếu học phí vẫn như cũ, vô hình trung chỉ đáp ứng được phân khúc học phí thấp, chất lượng hạn chế", ông Hà phân tích. Vị hiệu trưởng này cũng cho rằng, ngoài chính sách học bổng, hoặc chia ra nhiều kỳ học để dễ đóng thì cần đẩy mạnh chính sách tín dụng, hay việc hỗ trợ tham gia thị trường lao động cũng giúp sinh viên vừa nâng cao kỹ năng mềm vừa có kinh phí chi trả học tập.

Ở góc nhìn khác, ThS, luật sư Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Gia Định cho rằng, việc các trường công lập tự chủ, tăng học phí cũng sẽ kéo gần hơn khoảng cách giữa công lập và tư thục, tạo động lực cho sự phát triển chung. Ngoài học phí, các trường cần tăng cường các nguồn tài trợ, chính sách vay tín dụng. Chiến lược phát triển hệ thống giáo dục đại học dựa chủ yếu vào học phí của người học là không ổn, ông Chung nhận định.