Phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Cơ hội vàng để bứt phá

“Đừng thiết kế một quy trình mà chứng từ thanh toán dày hơn cả công trình nghiên cứu”! Đưa ra so sánh trực diện nói trên, người đứng đầu Chính phủ đồng thời đặt ra yêu cầu cấp bách về việc đổi mới cơ chế, chính sách đối với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) trong cuộc làm việc ngày 27-5: Điều này mang tính quyết định, góp phần quan trọng vào nỗ lực hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đưa Việt Nam thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại.

Vệ tinh Nano Dragon do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chế tạo được Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) lựa chọn, dự kiến phóng lên vũ trụ trong năm tài khóa 2021 của Nhật Bản.
Vệ tinh Nano Dragon do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chế tạo được Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) lựa chọn, dự kiến phóng lên vũ trụ trong năm tài khóa 2021 của Nhật Bản.

“Bắt tay” cũng cần chuyên nghiệp

Muốn đạt mục tiêu nhanh chóng bắt nhịp với các nước phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vai trò của quản lý nhà nước trong việc  thúc đẩy ứng dụng các đề tài nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống đóng vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tiên quyết. Nhìn lại những cơ chế chính sách liên quan tính ứng dụng của KH-CN, có thể thấy nổi bật lên Chương trình 2075 - Chương trình phát triển thị trường KH-CN đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 8-11-2013. Sau hơn 5 năm triển khai, chương trình đã đem lại nhiều kết quả rõ nét. 

Liên tục các sự kiện IctComm, GrowTech, TechDemo,… hay Techfest Vietnam được tổ chức hằng năm không chỉ đem đến những kết quả kết nối về cung - cầu công nghệ, mà còn tạo hiệu ứng tốt trải dài ở nhiều vùng miền và ở nhiều sự kiện, lĩnh vực khác nữa. Có thể nói, Chương trình 2075 đã cho thấy những hiệu quả ban đầu, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển thị trường KH-CN tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, một số nhà khoa học, chuyên gia đã thẳng thắn phân tích, ở nhiều lĩnh vực khác nhau của hoạt động KH-CN tồn tại không ít hiện tượng “lệch pha” giữa các chính sách, quy định, thậm chí giữa các điều luật, dẫn tới khó khăn vướng mắc trong thực thi. Những ràng buộc hạn chế phát triển của KH-CN nước ta vẫn còn nhiều, dẫn tới thị trường KH-CN còn dè dặt, chưa thật sự sôi động. Đây cũng là một trong những căn nguyên khiến ngành KH-CN vẫn chưa thể phát triển tương xứng với tiềm lực và kỳ vọng. Thêm nữa, hiện nay việc liên minh, liên kết giữa các bên nhằm xúc tiến đưa sản phẩm nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường vẫn là một điểm yếu mang tính phổ quát tại các địa phương, ban ngành. Chính việc phát triển cục bộ, manh mún, chưa thật sự tạo được chuỗi liên kết chặt chẽ đã làm hạn chế quá trình hình thành những liên minh mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Mới đây, Mạng lưới Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH-CN tại Việt Nam (LIFVietnam) vừa được ra mắt. Mục tiêu trụ cột mà hệ sinh thái cộng đồng LIFVietnam hướng tới là: Thành lập mạng lưới các nhà khoa học, sáng lập viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các nhà quản lý để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH-CN và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Điều này liệu có quá tham vọng, nhất là nếu soi vào thực tế liên kết còn khá lỏng lẻo trong thời gian qua giữa nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp?

Nếu nhìn vào cơ cấu thành phần, có thể thấy LIFVietnam đang được xây dựng bởi nòng cốt khá đầy đủ các thành phần gồm hơn 90 chuyên gia lãnh đạo đổi mới sáng tạo là các nhà khoa học, lãnh đạo công ty khởi nghiệp và nhà quản lý đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan quản lý và các công ty khởi nghiệp. Ở đây vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, của việc hợp tác quốc tế được trông đợi sẽ mang lại hiệu quả cao khi mà Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đứng ra bảo trợ và cùng với đó là sự đồng hành của Chương trình Newton Fund Việt Nam, Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Anh cùng các đối tác trong và ngoài nước.

“Kỳ vọng là thế, song mọi thứ cũng chỉ mới khởi động”, PGS, TS Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng và triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), bày tỏ mong mỏi, đây sẽ không chỉ là “sân chơi”, mà qua hoạt động của các chuyên gia đã được đào tạo bài bản sẽ góp phần thúc đẩy thị trường KH-CN, đổi mới sáng tạo, từ đó tạo cơ chế khuyến khích, đổi mới chính sách phù hợp hơn với thực tiễn. Cùng với đó, tăng cường các sàn giao dịch, xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm KH-CN; đồng bộ hóa các chính sách, tạo điều kiện để các công trình nghiên cứu từ bàn giấy sớm ra với thị trường. Định hướng phát triển đã rõ ràng, song kết quả còn phải chờ ở nỗ lực của tất cả các bên liên quan.

Dư địa cải cách còn rất lớn

Cũng liên quan đến tính kết nối trong nghiên cứu khoa học, không thể không nói đến các cơ sở đào tạo chuyên sâu trong vai trò mắt xích không thể thiếu trong chuỗi nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng. Theo PGS, TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, mấu chốt của vấn đề nằm ở việc cần sớm đổi mới cơ chế quản lý, tạo các chính sách thông thoáng, thực hành dân chủ, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo, nới rộng tự do học thuật, đi đôi với đánh giá công khai, minh bạch kết quả hoạt động nghiên cứu. Đồng thời xây dựng các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm liên kết các trường, viện thành viên, nhà khoa học, nhóm nghiên cứu với doanh nghiệp (DN). Đây cũng là kinh nghiệm các nước có nền KH-CN phát triển mạnh mẽ, đúc kết. 

Tuy nhiên, muốn tạo sự bứt phá trong phát triển KH-CN, không thể thiếu vai trò của “nhạc trưởng”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh điều này khi chỉ ra vai trò trung tâm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong điều phối, kết nối phát triển KH-CN tại các bộ, ngành, địa phương và truyền cảm hứng cho các nhà khoa học. “Phải thiết kế thể chế, cơ chế, chính sách để hàng trăm nghìn DN, cả xã hội cùng vào cuộc, thúc đẩy KH-CN tiếp tục phát triển”, Thủ tướng yêu cầu.

Nói về sự tương hỗ giữa cơ chế chính sách với hiệu lực thực thi, có thể dẫn ra con số 16%. Đây là mức tăng trưởng giao dịch công nghệ bình quân hằng năm có được nhờ sự chuyển động của chính sách. Đi đôi với đó, là sự tăng trưởng mạnh mẽ của các tổ chức trung gian, sự chuyển đổi các tổ chức KH-CN, thành lập mới theo mô hình DN tạo ra các mô hình thương mại hóa mới, cũng như sự phát triển của mạng lưới các tổ chức trung gian bao gồm các sàn giao dịch công nghệ, tổ chức dịch vụ KH-CN hỗ trợ đang dần được định hình. Tuy nhiên, dư địa cải cách vẫn còn rất lớn để bảo đảm mục tiêu gia tăng tỷ lệ phần trăm nói trên.

Bàn về tương lai của  thị trường KH-CN, nhiều ý kiến đồng quan điểm rằng, chúng ta đang ở thời điểm, “cơ hội vàng” hiếm hoi để bứt phá. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030 cần tập trung: Hoàn thiện thể chế chính sách để phát triển thị trường KH-CN trong bối cảnh mới; phát triển nguồn cung, nguồn cầu của thị trường KH-CN; thiết lập và hình thành mạng lưới các định chế trung gian; nâng cao hiệu quả xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, tài sản trí tuệ, kết quả nghiên cứu của viện, trường; đẩy nhanh việc xã hội hóa các sự kiện thúc đẩy kết nối cung cầu công nghệ với sự tham gia của khu vực tư nhân; và tập trung đầu tư ngân sách cho các nhiệm vụ KH-CN tạo sản phẩm ứng dụng.

Đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trương đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường và DN. Trong đó đặc biệt lưu ý việc hình thành các hoạt động nghiên cứu chung để phát triển công nghệ của DN từ quỹ phát triển KH-CN của DN; thành lập DN KH-CN trong trường đại học, trong đó đề xuất sử dụng tài sản trí tuệ, thương hiệu và tài sản có nguồn gốc ngân sách để góp vốn. Một bước đột phá nữa, cần hướng đến là, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh để giải quyết các vấn đề lớn của quốc gia, tạo ra các công nghệ mới, sản phẩm mới trong những lĩnh vực ưu tiên góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Hiện nay nguồn thu từ hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ ở các cơ sở giáo dục đại học còn rất hạn chế. Cơ chế phải làm sao giúp các trường vừa tăng số lượng công bố quốc tế bằng thực lực của mình, vừa phải đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao công nghệ.

GS, TS TẠ NGỌC ĐÔN

Vụ trưởng Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo)