Cảnh báo tội phạm giả danh công an

Giả danh lực lượng công an để tạo dựng niềm tin, rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân cả bằng phương thức trực tiếp và gián tiếp là thủ đoạn mà nhiều kẻ xấu đang thực hiện. Chỉ tính riêng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, mỗi năm lực lượng công an cũng phải tiếp nhận xử lý hàng chục vụ việc. Trong khi, quy định của pháp luật còn chưa chi tiết và thiếu tính khả thi. 

Một nhóm đối tượng giả danh bị xử lý. Ảnh: Việt Dũng
Một nhóm đối tượng giả danh bị xử lý. Ảnh: Việt Dũng

Nhiều thủ đoạn khó lường

Ngày 3/10, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) khởi tố, bắt tạm giam Mai Thị Lan (trú tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đơn, ông Phạm Quang V. (trú tại phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm), tố cáo Lan bốn lần vay tổng số tiền một tỷ đồng và có dấu hiệu bỏ trốn. Qua điều tra, vợ ông V. đã quen Lan qua mạng xã hội, Lan nói mình công tác trong lực lượng an ninh, có chồng cũ đang công tác trong ngành công an. Lợi dụng sự tin tưởng, Lan đã nhiều lần hỏi và được vợ chồng ông V. cho vay tiền. Lan cũng đã thuê làm giả một quyển sổ tiết kiệm 200 tỷ đồng để "làm màu", tạo sự tin tưởng với người bị hại. Cũng đầu tháng 10 vừa qua, Công an quận Long Biên đã nhận được đơn trình báo của ông N.V.P. ở phường Bồ Đề (quận Long Biên) về việc ông bị một đối tượng giả danh Công an Đà Nẵng, gọi điện cho ông, thông báo ông liên quan đến một đường dây mua bán ma túy và rửa tiền. Đối tượng yêu cầu ông P. phải giải trình tài khoản ngân hàng và cung cấp mã OTP. Sau khi thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng, ông phát hiện tài khoản của mình bị trừ khoản tiền hơn 300 triệu đồng.

Theo lãnh đạo Công an TP Hà Nội, mỗi năm, lực lượng công an thành phố tiếp nhận xử lý hàng chục vụ lừa đảo với phương thức như vậy. Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn, phổ biến là giả danh cơ quan tư pháp, thông báo người dân có liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng (ma túy, rửa tiền...), chúng làm giả các quyết định bắt, khởi tố của cơ quan công an để đe dọa, sau đó yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin tài khoản. Một hình thức khác là giả danh cán bộ cảnh sát giao thông, thông báo cho các nạn nhân đã bị "phạt nguội", yêu cầu bị hại cung cấp thông tin cá nhân và làm theo các bước hướng dẫn để đóng phạt…

Thượng tá Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) cho biết: "Khi liên lạc, các đối tượng yêu cầu bị hại không được trao đổi với bất kỳ ai, mục đích nhằm để nạn nhân không có đủ thời gian để kiểm tra thông tin, không trình báo cho cơ quan công an được biết. Mặc dù nhiều bị hại không có khuất tất, sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của các đối tượng dẫn đến lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận ra bản thân đang bị lừa đảo".

Khoảng trống trong quy định và nhận thức

Việc xác định đối tượng phạm tội trong các vụ án có hình thức như trên lại gặp nhiều khó khăn. Theo cơ quan điều tra, do đặc trưng cơ bản của loại tội phạm này là tội phạm được thực hiện qua internet hoặc thiết bị số. Đối tượng phạm tội không trực tiếp tiếp xúc với người bị hại, tài sản chiếm đoạt thông qua chuyển khoản, nạp mã thẻ cào qua điện thoại… do vậy, việc nhận diện đối tượng vô cùng khó khăn.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Công an TP Hà Nội, quy định pháp luật liên quan chưa chi tiết, cụ thể và thiếu tính khả thi. Các văn bản pháp luật hiện hành chưa đưa ra được một khái niệm thống nhất, đầy đủ dẫn đến khó hiểu và khó áp dụng pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bên cạnh khái niệm dữ liệu cá nhân, thông tin cá nhân, một số văn bản quy phạm pháp luật còn sử dụng khái niệm thông tin riêng, thông tin bí mật đời tư dẫn tới trùng lặp, khó áp dụng trong thực tiễn. Hệ thống pháp luật nước ta chưa có quy định xử lý việc tiết lộ thông tin cá nhân mà chưa có sự đồng ý của chủ thể, tạo nên lỗ hổng lớn trong thời đại sử dụng dữ liệu cá nhân như một tài nguyên để phân tích phục vụ kinh tế như hiện nay.

Từ các vụ việc cụ thể đã và đang điều tra, Công an TP Hà Nội khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè các thủ đoạn lừa đảo, tránh "mắc bẫy" của các đối tượng. Cần trang bị kiến thức về quy định của pháp luật. Cụ thể, để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương và tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Cũng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, đều được lực lượng cảnh sát giao thông gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện. Nếu có yêu cầu chuyển khoản chính là hành vi lừa đảo.

Để tăng tính răn đe, TS Nguyễn Văn Cương, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) kiến nghị: Cần nghiên cứu, tội phạm hóa đối với hành vi thu thập, sử dụng, khai thác, chuyển nhượng trái phép thông tin cá nhân gây hậu quả nghiêm trọng hoặc được thực hiện ở quy mô lớn, từ đó bổ sung các quy định về tội phạm hình sự có liên quan trong Bộ luật Hình sự hiện hành.