Đôi mắt của rừng sâu

Khó có thể tìm được ai hiểu rõ về Amazon hơn Jair Candor, nhà thám hiểm 63 tuổi người Brazil. Ông đã dành cả đời lang bạt trong khu rừng vĩ đại này, tìm kiếm và giúp bảo vệ những bộ lạc bí ẩn nhất tại đây.
0:00 / 0:00
0:00
Jair Candor, nhà thám hiểm 63 tuổi người Brazil.
Jair Candor, nhà thám hiểm 63 tuổi người Brazil.

Những phát hiện trong rừng già

Năm 2011, sau cả một thập niên lần theo dấu vết một nhóm thổ dân sống biệt lập trong rừng Amazon, lần đầu Jair Candor nhìn thấy họ: Một gia đình chín người, khỏa thân, đi bộ xuyên rừng với những đứa trẻ trên lưng và những mũi tên cao vượt qua đầu.

Trong nhiều năm, các công ty khai thác gỗ đã nói rằng, nhóm người bản địa biệt lập này chỉ là "huyền thoại". Nhưng bấy giờ, ẩn sau những thân cây mảnh khảnh, Candor đang quay đoạn video đầu tiên về họ.

Khi hoàn tất đoạn phim, mắt Candor đẫm lệ. Đồng nghiệp của ông, Claiton Gabriel Silva cho biết, Jair Candor đã phải nghiến chặt hàm răng, để kìm nén lời nguyền rủa những kẻ khai thác gỗ.

Candor có lẽ là người truy tìm thành công nhất các bộ lạc biệt lập ở Brazil. Ông là một trong số ít người được chính phủ thuê để khám phá một số khu vực hoang sơ nhất của rừng rậm Amazon, nhằm tìm ra bằng chứng về các nhóm cư dân hầu như không ai khác nhìn thấy và qua nhiều thế hệ, nhóm cư dân này đều không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Công việc của Candor không phải là liên lạc với những thổ dân này mà là bảo vệ họ. Luật yêu cầu bằng chứng cho thấy, các nhóm biệt lập tồn tại trước khi đất của họ có thể bị giới hạn bởi người ngoài. Do đó, Candor cố gắng phát hiện các bộ lạc theo cách lặng lẽ nhất, để họ được cô lập và bảo vệ chính mình. "Sự tò mò của tôi rất lớn", Candor nói, "Nhưng bổn phận tôn trọng quyền lợi của họ còn lớn hơn".

Trong hơn 35 năm, ông đã dẫn đầu hàng trăm cuộc thám hiểm vào rừng, bị sốt rét hàng chục lần và sống sót sau hai lần bị truy sát: Một lần, khi thổ dân bắn cung vào đội của ông, và một lần khác, khi lâm tặc tấn công căn cứ nơi ông làm việc.

Candor đã phát hiện ra bằng chứng về bốn nền văn minh nhỏ bé mà các nhà nghiên cứu tin rằng, mỗi nền văn minh đều có ngôn ngữ, văn hóa và câu chuyện riêng. Họ bao gồm cả bộ lạc nhỏ nhất được biết đến ở Brazil Piripkura với chỉ ba người còn sót lại. Công việc của ông đã dẫn đến sự bảo vệ pháp lý bao trùm gần 18.000 km2 rừng nhiệt đới, khiến ông trở thành một trong những nhân vật hiệu quả nhất làm việc trong khu bảo tồn Amazon hiện nay.

Lựa chọn của số phận

Đoạn video mà Candor quay năm 2011 là về Kawahiva do Rio Pardo, một trong 115 nhóm thổ dân được cho là sống biệt lập ở Brazil, nhiều nhất so bất kỳ quốc gia nào. Việc thiếu bằng chứng đồng nghĩa khoảng một phần ba trong số các nhóm đó vẫn không được bảo vệ, và khiến những chuyên gia như Candor, những người biết cách tìm thấy những cư dân trong rừng không muốn bị tìm thấy, trở nên quan trọng đối với sự sống còn của họ.

Gia đình ông Candor chuyển đến Amazon khi ông lên sáu tuổi, vào thập niên 60 thế kỷ trước. Cha mẹ ông đã quyết định đáp lại lời kêu gọi của chính quyền nhằm khai hoang khu rừng. Họ giúp khuất phục "địa ngục xanh", như cách gọi của chính phủ quân sự khi ấy, và kiếm được một lô đất để giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của mình.

Ba năm sau, mẹ của Jair Candor qua đời. Gia đình Candor ly tán, và một nhóm thợ cạo mủ cao-su cuối cùng đã nhận nuôi cậu bé. Chẳng bao lâu sau, Jair Candor ngừng tới trường, để bắt đầu học cách sinh tồn ở nơi hoang dã.

Đến năm 1988, chính quyền quân sự sụp đổ. Brazil nỗ lực phê chuẩn một hiến pháp mới công nhận quyền của người thổ dân bản địa đối với đất đai của họ. Để bảo vệ họ, Chính phủ cần thêm những chuyên gia rừng nhiệt đới. Jair Candor, lúc đó 28 tuổi, nổi tiếng là giỏi kết bạn với những người bản địa trong rừng, đã được Chính phủ tuyển mộ.

Jair Candor nhanh chóng thể hiện sở trường trong công việc. Ông đã học được từ những người bản địa cách sống sót trong rừng sâu. Chẳng hạn như, nhận biết những vỏ hạt Brazil vỡ, hoặc những chùm cây độc có thể dùng gây choáng cho cá để bắt chúng.

Rồi những cành cây bị cắt cũng nói lên nhiều điều. Hướng của vết cắt sẽ cho biết hướng đi của một người và chiều cao của họ. Kiểm tra kỹ hơn sẽ thấy con dao rựa sắc bén đến mức nào. Các bộ lạc sống biệt lập không thể mài dao rựa. Vết cắt sắc bén nghĩa là có người lạ.

Sau đó, có những dấu hiệu không thể giải thích được. Như đang đi lại có điều gì đó bảo Candor dừng lại, và rồi ông tìm thấy một nơi trú ẩn, một chiếc bình gốm, thức ăn thừa còn vương lại... "Bên trong khu rừng có một phương thức giao tiếp mà chúng ta không thể giải thích theo thế giới quan của mình. Nhưng Jair có thể cảm nhận được điều đó", trợ lý của ông, Rodrigo Ayres, nhận xét.

Đôi mắt của rừng sâu ảnh 1

Ðánh đổi hạnh phúc và mạng sống

Trong chuyến thám hiểm đầu tiên do chính mình dẫn đầu vào năm 1989, Candor đã tìm thấy hai thành viên của Piripkura, những người mà Chính phủ đã tìm kiếm trong bốn năm. Nhu cầu sinh hoạt của họ là tối thiểu: lửa, vài chiếc võng, một con dao rựa cùn. "Thử hình dung, bạn cần nhà, cần xe, cần một đống thứ linh tinh để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại," ông nói. "Thế rồi, bạn gặp hai chàng trai này, sống hạnh phúc với đủ thứ không như không quần áo, không siêu thị, không hóa đơn điện, nước".

Năm 1992, một chuyến thám hiểm kéo dài hơn dự kiến khiến Candor lỡ ngày cưới của chính mình. Cô dâu không muốn ông quay lại. Candor sau đó kết hôn với một người phụ nữ khác và có hai con trai. Nhưng ông vẫn chỉ về nhà khoảng tám lần một năm.

Công việc cũng khiến Candor có nhiều kẻ thù. Một số chính trị gia gây áp lực buộc chính quyền sa thải ông, những kẻ khai thác gỗ thuê sát thủ giết ông. Đó là lý do, Candor luôn kè kè một khẩu súng lục sáng bóng giắt trong áo chống đạn. "Tôi không sợ", Candor nói. "Điều khiến tôi lo lắng nhất là… rắn", ông mỉm cười bổ sung.

Dù vậy, nguy cơ bị mất mạng vẫn luôn lơ lửng trên đầu Candor. Năm ngoái, Bruno Pereira, một chuyên gia về các bộ lạc biệt lập thuộc thế hệ trẻ hơn, đã bị lâm tặc sát hại cùng nhà báo người Anh, Dom Phillips. Jair Candor thân thiết với cả hai và hiểu rằng, ông cũng có thể gặp kết cục như họ. Nhưng từ giờ đến lúc nghỉ hưu, khoảng vài năm nữa, ông vẫn sẽ tiếp tục mạo hiểm mạng sống để giúp đỡ các bộ lạc bản địa. "Bởi chúng tôi là những người hiếm hoi đấu tranh vì họ", Candor nói, ánh mắt nặng trĩu ưu tư, nhìn về phía cánh rừng.

(Theo The New York Times, The Atlantic, El Pais)