Địa chính trị châu Âu dưới bóng cuộc chiến ở Ukraine

“Món quà” từ trên trời rơi xuống

Cuộc xung đột quân sự khốc liệt kéo dài một năm qua ở Ukraine, quốc gia có diện tích lớn thứ hai ở châu Âu (chỉ sau chính nước Nga) là cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ sau năm 1945. Diễn ra ngay giữa lòng châu Âu, cuộc chiến ở Ukraine đã thay đổi vĩnh viễn bối cảnh địa chính trị của châu Âu theo những chiều hướng không ai ngờ tới.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu với sự góp mặt của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Bỉ ngày 9/2/2023. Ảnh | Reuters
Phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu với sự góp mặt của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Bỉ ngày 9/2/2023. Ảnh | Reuters

Trước khi cuộc chiến nổ ra, thái độ hờ hững lạnh nhạt của Tổng thống Trump trong 4 năm ông này tại vị ở Nhà Trắng cùng với những lục đục, mâu thuẫn trong nội bộ đã khiến Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron, trong bài trả lời phỏng vấn tờ The Economist vào tháng 11/2019, mô tả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cấu trúc liên minh quân sự xương sống của châu Âu với Mỹ, đang lâm vào tình trạng “chết não”.

Ông E.Macron đã đưa ra nhận định gây sốc này khi trước đó, Mỹ bất ngờ rút quân khỏi đông bắc Syria mà không tham khảo ý kiến đồng minh. Hành động này “bật đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên khác của NATO, mở chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng người Kurd, vốn được coi là đồng minh của Mỹ và NATO trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS ở Syria.

Hơn hai năm sau, mọi chuyện thay đổi một cách chóng mặt.

Khi bước vào Nhà Trắng, một trong những sứ mệnh mà ông J.Biden đặt ra là phải khôi phục lại mối quan hệ Mỹ - châu Âu, vốn bị tổn thương nặng nề trong nhiệm kỳ người tiền nhiệm của mình. Ông J.Biden không cần phải làm gì nhiều. Tạm gác lại mọi bất đồng, cuộc xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy một châu Âu đoàn kết với Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine nhằm chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow.

EU, với 27 thành viên gác lại mọi mâu thuẫn để trong một năm diễn ra cuộc xung đột Ukraine, đã tung ra tổng cộng tới 10 gói trừng phạt nhằm vào Nga. Các nhà hoạch định chính sách của EU đã phải rất khó khăn trong việc tìm ra các lĩnh vực trừng phạt mới bởi vì hầu như mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, quân sự của Nga đều đã nằm trong mục tiêu của các gói trừng phạt trước đó.

“Trần hay sàn”?

NATO, cấu trúc liên minh quân sự mang tính xương sống của châu Âu đã phản ứng phối hợp chưa từng có. Lần đầu tiên trong lịch sử, khối liên minh quân sự lớn nhất hành tinh đã kích hoạt “Lực lượng phản ứng nhanh” được thành lập trong những năm 2000.

Tuy chưa huy động hết toàn bộ số 40 nghìn quân nhân nhưng từ khi chiến sự bùng nổ ở Ukraina, hàng ngàn binh sĩ NATO đã được triển khai tại các nước thành viên láng giềng sát cạnh với Ukraina, trong khuôn khổ điều khoản thứ 5 của hiệp ước phòng thủ tập thể của khối này.

Năm 2014, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở xứ Wales, các nước thành viên NATO nhất trí tất cả cùng đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2024. Thế nhưng đến năm 2022, NATO ước tính mới chỉ có 9 nước thành viên đạt mục tiêu này và 18 nước thành viên “có kế hoạch” đạt mục tiêu.

Trong khi đó, Mỹ chi 3,47% GDP cho quốc phòng - nhiều hơn tổng chi tiêu quốc phòng của 29 nước thành viên NATO còn lại. Đây cũng là một trong những khúc mắc lớn nhất giữa chính quyền Mỹ thời Tổng thống Trump với các đồng minh còn lại trong NATO.

Cuộc chiến ở Ukraine, vô hình trung đã khiến nhiều thành viên NATO xem xét nâng mức chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng mà không cần bất cứ sự thúc ép nào từ phía Mỹ.

Tổng Thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, đã lên tiếng hối thúc các nước thành viên NATO dành ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. “Tôi cho rằng chúng ta nên chuyển từ việc xem con số 2% GDP là mức trần sang xem nó là mức sàn. Chúng ta cần cam kết ngay rằng chi 2% GDP cho quốc phòng chỉ là mức tối thiểu khi chúng ta nhận thấy được nhu cầu đối với đạn dược, phòng không, huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu và các năng lực tốn kém”, ông Jens Stoltenberg nói.

Dựa trên tinh thần này, tờ Politico dẫn lời một số nhà ngoại giao châu Âu nhận định rằng ở Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại thủ đô Vilnius của Litva vào tháng 7 tới, khả năng lớn là các nước thành viên (NATO) sẽ nhất trí về một “cam kết mới”, theo đó sẽ nhất trí xem việc chi 2% GDP cho quốc phòng chỉ là mức sàn.

Đoàn kết hơn, nhưng cũng phụ thuộc hơn

Châu Âu đang chứng tỏ một sự đoàn kết đáng ngạc nhiên trong phối hợp chiến lược nhằm làm suy yếu Nga. Và một thực tế cũng đang hiển hiện trước mắt: đoàn kết hơn, nhưng cũng phụ thuộc hơn vào Mỹ.

Trong số các đòn trừng phạt của châu Âu, hiểm nhất phải là các đòn đánh nhằm vào xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt, mặt hàng chiến lược đem lại nguồn thu (đóng góp đến hơn 30%) trọng yếu của nền kinh tế Nga.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas từng nhận định cứ mỗi 1 USD giảm ở giá trần thì Nga sẽ thiệt hại 2 tỷ USD. Viện Tài chính Quốc tế có trụ sở tại Mỹ đưa ra con số ước tính giá trần với dầu xuất khẩu có thể đẩy thâm hụt ngân sách của Nga lên mức 3% GDP trong năm 2023, tới hơn 50 tỷ USD.

Trái với dự đoán của nhiều người về việc mất đi nguồn cung lớn từ dầu và khí đốt của Nga, châu Âu sẽ phải trải qua một mùa đông khắc nghiệt, thế nhưng thực tế cho thấy lục địa già đã vượt qua thử thách này tương đối nhẹ nhàng. Sở dĩ được như vậy vì châu Âu đã nhập ồ ạt dầu và khí đốt từ Mỹ để lấp đầy các kho dự trữ của mình.

Theo số liệu của công ty theo dõi vận tải biển Kpler, trong một năm qua kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, lượng xuất khẩu dầu thô bình quân hằng tháng của Mỹ sang châu Âu qua đường biển tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đến của các chuyến vận chuyển dầu thô Mỹ là Đức, Pháp và Italia, ba nền kinh tế lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU), cũng như sang Tây Ban Nha, quốc gia đã tăng 88% nhập khẩu dầu thô từ Mỹ trong thời gian nói trên.

Còn theo số liệu của Nhà Trắng, trong năm 2022, xuất khẩu khí đốt của Mỹ sang châu Âu tăng gấp đôi. Việc xuất khẩu dầu thô và khí đốt tăng mạnh đã giúp gia tăng ảnh hưởng tài chính và sức mạnh địa chính trị cho Washington, đưa nước Mỹ đã trở lại vị thế thống lĩnh mà nước này đã có trên thị trường năng lượng thế giới từ thập niên 1950.

Nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt ồ ạt từ Mỹ, châu Âu ngày càng phụ thuộc hơn vào nguồn năng lượng của đồng minh và buộc phải chịu đựng những sự bất công về giá mua. Trong một cuộc thảo luận ở quốc hội, Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire đã chỉ trích việc Mỹ bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho các công ty châu Âu với giá gấp 4 lần giá mà nước này bán trong thị trường nội địa. Còn Tổng thống Pháp E.Macron cáo buộc Mỹ tạo ra “tiêu chuẩn kép” khi bán khí đốt trong thị trường nội địa với giá thấp, nhưng lại bán cho châu Âu với giá cao kỷ lục.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm bộc lộ rõ một thực tế hiển nhiên là châu Âu ngày càng phụ thuộc vào Mỹ không chỉ về năng lượng mà còn cả về an ninh của chính mình. Trong một phát biểu tại Sydney, Australia hồi tháng 12/2022, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nói: “Tôi phải thành thật một cách tàn nhẫn với các bạn rằng châu Âu hiện không đủ mạnh. Chúng tôi sẽ gặp rắc rối nếu không có Mỹ”.

Trong bối cảnh ấy, mục tiêu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về “quyền tự chủ chiến lược” - EU có thể hành động độc lập với Mỹ - ngày càng xa vời.

“Món quà” thứ hai

Nhưng có lẽ, biến động địa chính trị lớn nhất ở châu Âu mà cuộc chiến ở Ukraine gây ra chính là việc hai quốc gia trung lập trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, Thụy Điển và Phần Lan, tức tốc đệ đơn xin gia nhập NATO.

Cuộc chiến ở Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2-2022 thì trung tuần tháng 5/2022, Thụy Điển và Phần Lan đã chính thức đệ đơn xin gia nhập NATO. Không thể chối cãi được là quyết định này bắt nguồn từ sự quyến rũ của của Điều 5 trong Hiệp ước NATO, bảo đảm nguồn lực liên minh bao gồm quân đội Mỹ có thể được huy động để bảo vệ bất cứ các quốc gia thành viên nào.

Mặc dù vẫn đang vấp phải sự cản trở của Thổ Nhĩ Kỳ khiến tiến trình gia nhập NATO của Thụy Điển gặp trục trặc, có thể phải sau Phần Lan, nhưng sự có mặt của Thụy Điển và Phần Lan trong tương lai gần với tư cách thành viên NATO sẽ làm thay đổi hoàn toàn diện mạo chính trị ở châu Âu. Trên thực tế, việc gia nhập của hai quốc gia trên mở rộng đáng kể biên giới của NATO với Nga, đưa vấn đề cạnh tranh địa chính trị giữa Nga với phương Tây lên một bình diện mới.

Nếu trở thành thành viên NATO trong cuộc họp thượng đỉnh của khối này ở Vilnius (Litva) vào tháng 7 tới, Phần Lan và Thụy Điển sẽ trở thành cách tay đắc lực trong việc củng cố mạn sườn phía đông và hệ thống phòng thủ của NATO ở khu vực Bắc Âu, qua đó trực tiếp đóng góp vào sự mở rộng của liên minh quân sự này ở dọc biên giới với Nga.