Đến Hòa Bắc, khám phá về hạnh phúc

Sông Cu Đê là hợp lưu của sông Bắc và sông Nam bắt nguồn từ rặng núi Bà Nà-Núi Chúa và Vườn Quốc gia Bạch Mã. Đoạn sông chảy qua xã Hòa Bắc (xã miền núi thuộc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), hình thành nên những bố cục vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, trữ tình.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Hòa Bắc hưởng ứng Tết trồng cây năm 2024.
Người dân Hòa Bắc hưởng ứng Tết trồng cây năm 2024.

Nam Yên là một trong bảy thôn thuộc xã Hòa Bắc, cũng là thôn khởi đầu cho phong trào trồng cây cảnh quan của địa phương. Năm 2013, trong buổi lễ phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, hai hàng cau trên trục đường chính của thôn được trồng để xây dựng tuyến đường kiểu mẫu. Chính quyền cung cấp gần 300 cây giống, Ủy ban nhân dân thôn chịu trách nhiệm cắt cử, phân công bà con chăm sóc, nuôi dưỡng. "Cây cau có sức sống tốt, vừa có thể chịu hạn vào mùa khô, vừa có thể chịu nước khi ngập úng mùa mưa. Nó cũng phù hợp với cảnh quan của làng quê", ông Châu, Phó Bí thư Chi bộ thôn Nam Yên khi đó, chia sẻ.

Hơn 10 năm sau, hai hàng cau đã tươi tốt đều đặn vươn lên thẳng tắp, tạo nên con đường đạp xe, check-in ưa thích của du khách, mỗi dịp đến với Nam Yên. Sáng sớm, nắng vừa lên, từ góc nhìn của quán Lúa Coffee ngược về hướng đông, ngay trước mắt bạn sẽ thấy mầu xanh tươi mới của cánh đồng lúa đang kỳ đẻ nhánh, vươn bẹ, xa hơn một chút có hàng cau làm điểm nhấn, và cuối khuôn hình là núi Ba Viên làm nền góp phần tôn nên vẻ đẹp cho bức họa đồng quê yên ả, bình dị.

Từ kết quả của tuyến đường kiểu mẫu ở Nam Yên, xã rút kinh nghiệm và nhân rộng tuyến đường sim-cau ở Tà Lang, hay đường hoa ADB5. "Bà con đã thật sự quan tâm đến cải tạo cảnh quan vườn nhà, mỗi khoảnh đất ở đây đều được rào chắn cẩn thận, mỗi bông hoa luôn được chăm chút hằng ngày" - Đồng chí Nguyễn Đặng Thị Việt, Bí thư Chi bộ thôn Nam Yên phấn khởi nói.

Hòa Bắc thuộc diện xã nghèo miền núi. Có lẽ bởi vậy, nên địa phương này ít chịu tác động của cơn lốc độ thị hóa, vẫn giữ được những nét đẹp thiên nhiên, dù thành phố Đà Nẵng phát triển chóng mặt, tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước.

Gặp nhóm bạn trẻ đang mê mẩn ngắm sương tan trên ngọn Ba Viên, tôi lân la làm quen. Đại diện nhóm vui vẻ tiếp chuyện. Nhóm đi bảy người, ở đây hai ngày-một đêm. Họ đều là sinh viên Trường FPT, đi trải nghiệm, khám phá để thỏa "thú xê dịch", trước khi bước vào học kỳ mới. "Không khí ở đây trong lành, dễ chịu, buổi sáng và chiều thì se lạnh. Bọn em được anh chủ khu du lịch giới thiệu các địa điểm tham quan như suối Mơ, tìm hiểu văn hóa tại hai thôn Tà Lang-Giàn Bí. Thích nhất là sáng dậy sớm đón bình minh, hít thở bầu không khí của đồng quê", bạn trẻ Phạm Ngọc Linh hào hứng chia sẻ.

Du lịch đang thổi vào vùng đất Hòa Bắc một luồng gió mới. Sống giữa núi rừng, lấy kinh tế nông lâm làm chỗ dựa, người đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu ở thôn Tà Lang-Giàn Bí có lẽ chưa từng nghĩ đến một ngày, mảnh đất mình đang sinh sống có ô-tô 45 chỗ ghé thăm, tìm hiểu, học tập mô hình làm du lịch cộng đồng. Cởi mở diễn đạt ý nghĩa từng họa tiết trên tấm thổ cẩm truyền thống, ánh mắt chị Trần Phương ngời lên. Chị hạnh phúc, bởi chị và bà con được giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống với bạn bè khắp mọi miền. Hạnh phúc, bởi Nhà nước đã có những chính sách kịp thời, quan tâm, hỗ trợ bà con khôi phục, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống. Hạnh phúc, bởi cô con gái đầu của chị cũng thích thú với khung dệt.

Già làng Bùi Văn Siêng gật gù tâm đắc: "Tà Lang-Giàn Bí có nhiều thay đổi, đầu tiên là ý thức bảo vệ môi trường, tường rào, cổng ngõ được bà con trang trí, cắt tỉa đẹp hơn, nhà nào cũng có một khuôn viên hoa nhỏ trong vườn. Đường vào nhà gươl, vào khu dân cư không còn cảnh phân trâu, phân bò, rác thải sinh hoạt bừa bãi như trước. Hiện nay, thu nhập chính của bà con vẫn chủ yếu dựa vào trồng keo, du lịch chỉ là phụ, nhưng điều quan trọng nhất du lịch mang lại là nhà nhà đều đồng thuận chung sức gìn giữ cảnh quan xanh, sạch, đẹp".

Mới làm du lịch, Hòa Bắc chưa định hình được phong cách riêng. Nhưng hai năm trở lại đây, có nhiều đoàn khách đến với Hòa Bắc với mục đích học tập, bổ sung kiến thức, kỹ năng sống. Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, giáo viên thỉnh giảng của nhiều trường đại học tại Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, là người gắn bó lâu năm với địa phương. Nhằm kết hợp giữa thực tế và lý thuyết, mỗi khóa học do Tiến sĩ Trinh hướng dẫn đều có chương trình ngoại khóa ít nhất hai ngày tại Hòa Bắc. "Từ những chuyến đi thực tế, các em sẽ được trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích, lý thú. Nắm giữ tri thức, khi được nâng cao vai trò, bà con ở đây trở thành những người thầy, truyền dạy các nét đẹp văn hóa, phong tục, tập quán cho các em. Đó có thể coi là du lịch học tập cộng đồng, mà bà con là chủ thể", ông phân tích.

Có mặt trong một chuyến khảo sát, nghiên cứu thực địa, thầy Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn Trường đại học Lâm nghiệp cảm thấy ấn tượng khi ở thôn Tà Lang-Giàn Bí kết hợp được hài hòa giữa khai thác du lịch gắn với bảo tồn cảnh quan, môi trường và sinh kế của bà con. "Các địa phương khác thì hoạt động mang tính nhỏ lẻ, chủ yếu người ngoài mua đất làm nhà hàng, homestay… Nhưng ở đây, gần như mọi nhà tập hợp lại để cùng làm, đấy mới là mô hình nên nhân rộng và phát triển", ông nhấn mạnh.

Tiềm năng, thế mạnh của vùng đất nào cũng cần có cách khai thác phù hợp. Sinh kế gắn với bảo tồn luôn có mối quan hệ chặt chẽ. Chỉ khi người dân thấy rõ được ý nghĩa thiết thực của việc giữ gìn, tôn tạo không gian sống, khi đó tinh thần ý thức tự giác mới thật sự được nâng cao.

Trong một lần làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Hòa Bắc hồi tháng 3/2023, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: "Hòa Bắc là viên ngọc quý của địa phương, vì vậy các cấp, ngành phải tìm hướng để phát triển cho tương xứng với tiềm năng". Đồng chí đề nghị triển khai ngay Đề án du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Hòa Vang 2021-2025, tạo ra sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực và tạo các điều kiện để người dân có thể "sống được với du lịch".

Đến nay, sau gần một năm, dù đã có những nỗ lực từ phía chính quyền địa phương, nhưng để Hòa Bắc có tên trên bản đồ du lịch Đà Nẵng cũng như khu vực miền trung, vẫn còn rất nhiều việc phải làm như: kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực thông qua tập huấn, nâng cao kỹ năng cho bà con; liên kết các đơn vị lữ hành nhằm đa dạng nguồn khách; xây dựng các chuỗi dịch vụ phụ trợ như chợ, siêu thị để đáp ứng nhu cầu đối với khách lưu trú...