Các hiện tượng tôn giáo mới ở Nam Bộ

Kỳ 2: Một số vấn đề đặt ra hiện nay

Khách du lịch tham quan Tòa thánh Tây Ninh - cơ sở thờ tự cấp trung ương của đạo Cao đài. Ảnh: ANH SƠN
Khách du lịch tham quan Tòa thánh Tây Ninh - cơ sở thờ tự cấp trung ương của đạo Cao đài. Ảnh: ANH SƠN

Có thể thấy nhu cầu của người dân tìm đến tín ngưỡng - tôn giáo là một nhu cầu tự nhiên, chính đáng, và đáng trân trọng, miễn là hành vi ấy không vi phạm luật pháp và đi ngược với thuần phong mỹ tục. Sức mạnh lớn nhất của các hoạt động tín ngưỡng - tôn giáo nằm ở cái thiêng. Theo Seligman và Weller (2012), cộng đồng tín ngưỡng với đức tin và hệ thống giá trị định hướng thống nhất, cùng trải nghiệm cảm thức linh thiêng trong nghi lễ và các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng (còn gọi là “vượt ngưỡng”) sẽ dễ dàng đồng cảm, chia sẻ lẫn nhau, góp phần giảm sự khác biệt hoặc mâu thuẫn nếu có. Tính thiêng trong lễ nghi và các tôn chỉ của tín ngưỡng - tôn giáo trực tiếp thúc đẩy con người hướng thiện, biết quan tâm, chia sẻ, sống lạc quan, và đặc biệt là có cái nhìn nhân văn hơn về thế giới. Cảm thức thiêng đối với một số người còn là một liệu pháp tinh thần quan trọng làm khơi dậy sức mạnh tiềm ẩn trong bản thân họ, tạo ra nhiều nghị lực hơn giúp họ vượt qua khó khăn, bệnh tật…

Về mặt xã hội, nghi lễ và các hoạt động tôn giáo tạo nên sự đồng thuận trong cộng đồng tôn giáo, nơi những ý tưởng, kế hoạch mới hình thành và lan tỏa. Chính vì thế, tôn chỉ, mục đích tu tập của tôn giáo mới cần phải phù hợp xu hướng vận động và tiến bộ xã hội để bảo đảm tính giá trị của tổ chức mình. Việt Nam là đất nước đa dân tộc, đa tôn giáo; văn hóa Việt Nam thống nhất trong sự đa dạng. Hơn ai hết, đối với người Việt Nam, việc hiểu và tôn trọng tính đa dạng trong xã hội mình là chìa khóa để bước vào một thế giới toàn cầu hóa rộng lớn hơn, đa dạng hơn.

Bản thân các cộng đồng nơi hình thành hiện tượng tôn giáo mới phải am hiểu sâu sắc và tuân thủ tuyệt đối luật pháp và các quy ước đạo đức truyền thống của dân tộc, lấy sự tinh tấn về mặt tinh thần, sự trau dồi sâu sắc về tri thức và trí tuệ, cũng như tinh thần hướng thiện của công chúng làm tôn chỉ cao nhất cho mọi hoạt động của mình. Mọi tôn giáo và hoạt động tôn giáo đều có mục tiêu tối thượng là thúc đẩy tiến bộ xã hội; và do vậy mỗi cá nhân trong các cộng đồng tôn giáo mới đều có trách nhiệm vun đắp và phát huy mục tiêu ấy.

Chủ trương xuyên suốt của Cách mạng Việt Nam từ năm 1945 đến nay là luôn bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người hiểu rằng quyền tự do theo hay không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào đó chỉ bao hàm các tín ngưỡng, tôn giáo được Nhà nước công nhận và cho phép hoạt động. Do vậy, kể cả trong pháp luật cũng như trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, các hiện tượng tôn giáo mới vẫn đang ở những “vùng mờ” và chưa được pháp luật bao phủ. Do chưa có căn cứ pháp luật chính thống nên trong nhiều trường hợp một số hiện tượng tôn giáo mới chưa được các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương quan tâm đúng mức.

Cần phải nhìn nhận rằng, các hiện tượng tôn giáo mới vừa phát sinh từ nhu cầu tinh thần vốn đa dạng của nhân dân vừa nằm trong dòng chảy chung của “toàn cầu hóa tôn giáo” và “đa dạng tôn giáo”. Những dòng chảy này mang tính phổ quát và tính thời đại. Một số hiện tượng tôn giáo được cho là “mới” ở Việt Nam, có quy mô nhỏ, nhưng một số quốc gia trên thế giới đã công nhận chính thức. Thiết nghĩ quản lý nhà nước cần nhìn nhận và có cách tiếp cận phù hợp để vừa bảo đảm mục tiêu an ninh và phát triển quốc gia, vừa đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng chính đáng của người dân. Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện công nhận tư cách pháp nhân cho các hiện tượng tôn giáo mới cũng chính là giải pháp để các cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn vai trò quản lý nhà nước về tôn giáo.

Thêm vào đó, khi xem hiện tượng tôn giáo mới là một thực thể văn hóa, là kết quả của sự sáng tạo và là nhu cầu của bộ phận nhân dân có niềm tin tôn giáo thì nhiệm vụ của quản lý nhà nước là phải phân định rạch ròi đâu là thực thể văn hóa có tính giá trị (văn hóa) và có tính phi giá trị (phi văn hóa, mê tín dị đoan). Quản lý nhà nước về tôn giáo phải hình thành khung pháp lý quy định rõ về nội dung, quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức tôn giáo (kể cả các hiện tượng tôn giáo mới), các hình thức chế tài và khung hình phạt xử lý vi phạm hợp lý, áp dụng cho hết thảy các trường hợp. Đó là biện pháp thiết yếu để những hiện tượng tôn giáo mới lành mạnh có cơ hội phát triển, đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng và góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng xã hội văn minh, hướng thiện và đa văn hóa.

Các hiện tượng tôn giáo mới ở Nam Bộ (Kỳ 1)