Các hiện tượng tôn giáo mới ở Nam Bộ

Vùng đất Nam Bộ từ nửa cuối thế kỷ 19 trở đi trải qua nhiều biến động xã hội lớn. Sự có mặt của người Pháp và chính sách cai trị thực dân hà khắc ở Nam Kỳ đã thúc đẩy hình thành nhiều phong trào khởi nghĩa, nhiều tôn giáo mới lần lượt ra đời, tạo được sức ảnh hưởng lớn, đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng và góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng xã hội văn minh, hướng thiện và đa văn hóa.

Chân dung ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam (1910-1990).
Chân dung ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam (1910-1990).

Kỳ 1: Sự hình thành hàm chứa tính lịch sử

Một mặt chào đón nhiều hơn các dòng di dân từ các vùng miền trung và Bắc Bộ vào cũng như người Hoa từ Trung Quốc sang, mặt khác sớm tiếp xúc và giao thoa văn hóa với thế giới phương Tây khiến cho nhiều hoạt động vận động tôn giáo mới lần lượt xuất hiện ở Nam Bộ như Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Hòa Hảo, Cao Đài, Minh Lý đạo, Minh Sư đạo, Minh Đức Nho giáo đại đạo, v.v Sự có mặt của người Pháp và chính sách cai trị thực dân hà khắc ở Nam Kỳ đã thúc đẩy hình thành nhiều phong trào khởi nghĩa nghĩa sĩ chống Pháp, như khởi nghĩa Trương Định (1859 - 1864), khởi nghĩa Bảy Thưa ở An Giang (1867 - 1873), phong trào Tứ Kiệt (1870 - 1871) và khởi nghĩa Thủ khoa Huân ở Tiền Giang (1870 - 1875), phong trào kháng Pháp của hai anh em Đỗ Tường Tự - Đỗ Tường Phong ở Tầm Vu tỉnh Long An (1878), khởi nghĩa Phan Xích Long (1916) và phong trào Hội kín Nguyễn An Ninh thập niên 30 của thế kỷ trước ở Sài Gòn, v.v Nhiều phong trào trong số ấy có quan hệ mật thiết với các phong trào vận động tôn giáo mới do các ông đạo chủ động khởi xướng với tôn chỉ “phản Pháp phục Nam”. 

Thời Pháp thuộc, người Pháp ra tay đàn áp các ông đạo. Song với ý chí tập hợp nghĩa sĩ yêu nước cùng triều đình chống Pháp, họ đã được  triều  Nguyễn liên lạc, liên kết và hậu thuẫn. Nói cách khác, sự hình thành các tôn giáo mới ở Nam Bộ cuối thời quân chủ và thời Pháp thuộc gắn liền với bối cảnh lịch sử - xã hội đặc thù ở địa phương thời bấy giờ, vì thế chúng hàm chứa tính lịch sử. Các phong trào vận động tôn giáo mới lúc này phản ánh tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm.

Cùng đó, nhiều hệ phái tôn giáo có nguồn gốc phương Tây cũng dần hình thành và phát triển ở Nam Bộ. Trong số ấy, tiêu biểu phải kể đến Công giáo (thế kỷ 17) và Tin lành (thế kỷ 20), cả hai sớm trở thành tôn giáo được thừa nhận chính thống tại Việt Nam. 

Các tôn giáo khác du nhập vào miền nam giai đoạn sau năm 1954 như Baha’i với tính chất phi chính trị và ít xung đột nên được tự do hoạt động như một tổ chức xã hội thuần túy. Các tôn giáo gắn liền với dân tộc như Hồi giáo của người Chăm, các tín ngưỡng, tôn giáo của người Hoa, người Khmer Nam Bộ được chính quyền Sài Gòn định hình như là một thiết chế văn hóa - dân tộc hơn là một thiết chế tôn giáo. Lúc này các hiện tượng “tôn giáo mới” do các ông đạo khởi sinh nhỏ lẻ, rời rạc hoặc bắt đầu chuyển mình thành các tôn giáo lớn (như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo, v.v). Đạo Cao Đài thành lập ở Tây Ninh năm 1926 cũng phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này. Một số tôn giáo bản địa như Cao Đài, Hòa Hảo thời ấy phát triển thành tổ chức tôn giáo - chính trị, ít nhiều có liên lạc với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Đó là lý do chính quyền Sài Gòn coi đây là các thực thể chính trị hơn là các thực thể văn hóa. Nhiều tôn giáo bắt đầu thể hiện phản ứng hoặc đối kháng, tiêu biểu là Phật giáo với sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn ngày 11/6/1963. Giai đoạn sau, chính quyền Sài Gòn được cho là có chủ trương ôn hòa hơn trong chính sách văn hóa - tôn giáo nhưng không thể khắc phục hết những hệ quả từ các cuộc đối kháng trước đó.

Sau chiến thắng mùa xuân 1975, đất nước thống nhất, một số hoạt động vận động tôn giáo mới ở Nam Bộ bắt đầu tan rã về mặt tổ chức sau khi hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó. Một số khác tiến hành tái cấu trúc lại hệ thống, trở thành những tôn giáo chính thống được pháp luật thừa nhận, đặc biệt là vào thời kỳ Đổi mới từ năm 1986 tới nay. Tịnh độ cư sĩ Phật hội bắt đầu tan rã từ năm 1970, đến năm 1972 thì bắt đầu công cuộc tái cấu trúc và đến năm 1995 thì được kiện toàn và công nhận tư cách pháp nhân vào năm 2007. Trong các hệ phái Cao Đài, các nhánh Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên (1995), Cao Đài Minh Chơn Đạo (1996), Cao Đài Ban Chỉnh Đạo (1997) và Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh (1997) được công nhận tư cách pháp nhân sớm nhất bởi quá trình đồng hành cùng với tiến trình cách mạng của dân tộc. Tứ Ân Hiếu Nghĩa sau khi thống nhất cấu trúc nội khối được Nhà nước công nhận năm 2010 trong khi Bửu Sơn Kỳ Hương cũng được chính quyền cấp cơ sở công nhận cùng năm (2010) nhưng hiện vẫn trong quá trình củng cố giáo hội...

Cùng với các tôn giáo và hệ phái tôn giáo được công nhận, còn có một số hiện tượng tôn giáo mới có thể hiểu là hệ thống các niềm tin, các tổ chức tôn thờ “niềm tin” tồn tại như là hình thái ý thức xã hội khác nhau nhưng chưa được pháp luật công nhận tư cách pháp nhân. Theo hai tác giả Ngô Hữu Thảo - Đào Văn Bình, tính đến năm 2013, Việt Nam có khoảng 80 tổ chức sinh hoạt tôn giáo mới, nhiều trong số ấy xuất hiện ở Nam Bộ.

(Còn nữa)