KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Cuộc hạnh ngộ đặc biệt cùng "cô dâu Điện Biên"

"Cô dâu Điện Biên" là tên gọi thân thương mà nhiều người dành để nhắc về Giáo sư, Đại tá Nguyễn Thị Ngọc Toản - nữ chiến sĩ quân y trong đám cưới nổi tiếng cùng chú rể Cao Văn Khánh được tổ chức tại Hầm chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ngay sau chiến thắng. Đám cưới ấy đã trở thành một trong những biểu tượng về khát vọng hòa bình của người Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Cuộc hội ngộ xúc động giữa nữ chiến sĩ Điện Biên năm xưa, cô dâu Ngọc Toản với cán bộ, thuyết minh viên Ban Quản lý Di tích Điện Biên.
Cuộc hội ngộ xúc động giữa nữ chiến sĩ Điện Biên năm xưa, cô dâu Ngọc Toản với cán bộ, thuyết minh viên Ban Quản lý Di tích Điện Biên.

1 Kể từ khi được đón, được nghe bà Ngọc Toản kể về kỷ niệm lễ cưới của ông bà vào ngày 22/5/1954, đến nay cán bộ, hướng dẫn viên Ban quản lý di tích Điện Biên vẫn vẹn nguyên niềm xúc động dạt dào… Chị Phạm Thị Thảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích Điện Biên, nhớ lại: Ngay khi nhận thông tin từ cô Cao Bảo Vân là con gái của bà Nguyễn Thị Ngọc Toản báo về thời gian, địa điểm bà trở lại thăm Điện Biên Phủ, trong tôi đã trào dâng một cảm xúc thật khó tả. Cảm giác đợi mong được đón người chiến sĩ Điện Biên năm xưa cứ lớn dần, lớn dần trong tâm trí khiến tôi thêm hồi hộp, lo lắng. Bởi từ rất lâu rồi, câu chuyện về đám cưới đặc biệt ấy đã gieo niềm ngưỡng vọng về tình yêu, tình đồng đội của người lính trên chiến trường trong trái tim của rất nhiều người trẻ hôm nay.

Sáng 3/3/2024 khi sương sớm còn giăng mờ trên các con đường thắm sắc hoa ban trong lòng thành phố Điện Biên Phủ lịch sử, Phạm Thị Thảo và các đồng nghiệp đã sẵn sàng tâm thế đợi đón bà. Ấy vậy mà khi nhìn thấy người phụ nữ nhỏ nhắn, tóc trắng như cước từ xe bước xuống, Thảo cùng mấy bạn cứ ngỡ như "đang mơ". Niềm vui xen lẫn xúc động. Hiện diện trước họ là nhân chứng lịch sử, là "cô dâu Điện Biên" bằng xương bằng thịt, giản dị, gần gũi. Cứ như thế, tay trong tay thật chặt, Thảo cùng các hướng dẫn viên Ban quản lý di tích Điện Biên lặng lẽ đi bên bà.

Ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay Điện Biên Phủ, nguyện vọng đầu tiên của bà Toản là được đến thăm đồng đội đang yên nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn. Rưng rưng với dòng ký ức, bà thắp hương cho các liệt sĩ, rồi bà tâm sự: "Thăm lại chiến trường xưa, tôi rất xúc động khi nhớ lại bao nhiêu đồng chí đã hy sinh mà mình vô cùng thương nhớ!".

Trong nghĩa trang liệt sĩ A1 hôm ấy, thời gian như cũng ngừng trôi, không gian như cũng thật tĩnh để người chiến sĩ Điện Biên lắng sâu những cảm xúc, để người trở về được sống với kỷ niệm và ký ức năm xưa.

Với thuyết minh viên Ngô Thị Lai thì bức ảnh cô dâu Ngọc Toản cùng chú rể Cao Văn Khánh ngồi trên xe tăng ở chiến trường Điện Biên và cuộc hội ngộ với bà Ngọc Toản vừa qua đã để lại trong cô sự xúc động rất đỗi thiêng liêng. Đã có hơn mười năm đảm đương nhiệm vụ hướng dẫn ở điểm di tích hầm De Castries, mỗi ngày Lai đều kể về diễn tiến chiến dịch và đám cưới đặc biệt của hai người chiến sĩ Điện Biên tại căn hầm, song chưa khi nào Ngô Thị Lai mơ về cuộc gặp với nhân chứng tại di tích chiến trường và địa điểm tổ chức đám cưới đặc biệt ấy. Để rồi, khi được tận mắt thấy, và tay trong tay nâng bước "cô dâu năm ấy", Ngô Thị Lai mừng vui trào nước mắt.

2 Ngày ấy, bà và ông đã quen và yêu nhau từ trước chiến dịch, cùng được điều động lên phục vụ và chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ông trực tiếp chỉ huy Đại đoàn Quân Tiên Phong (Đại đoàn 308), còn bà làm công tác cứu chữa cho thương binh tại khu trọng thương ở Tuần Giáo. Hai người hẹn ước sau Chiến dịch sẽ về Chiến khu Việt Bắc báo cáo gia đình để làm lễ cưới.

Giọng nhẹ nhàng, bà Ngọc Toản khẽ kể: Đêm 7/5, ngay khi nghe tin ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, bà cùng trạm phẫu thuật trọng thương đã hành quân suốt đêm để vào hẳn khu trung tâm chiến trường làm công tác cứu chữa thương binh. Nhiệm vụ cứu chữa thương binh khá nặng nề, còn ông Cao Văn Khánh cũng bộn bề công việc. Ông được Bộ Tư lệnh Mặt trận giao nhiệm vụ chỉ huy một bộ phận chốt lại Điện Biên để giải quyết những vấn đề đặt ra sau chiến thắng. Bởi thế, ý định về Chiến khu Việt Bắc tổ chức đám cưới của ông không thành. Lúc này, ông Cao Văn Khánh đã gần 40 tuổi. Được nhiều đồng chí cán bộ cấp cao gợi ý, ông bà đã xin phép Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức lễ cưới.

Tròn hai tuần sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ngày 22/5/1954, ngay tại hầm De Castries có một lễ cưới đơn sơ của hai chiến sĩ Điện Biên là cô dâu Nguyễn Thị Ngọc Toản, chú rể Cao Văn Khánh. Vải dù được căng lên, trên đó dán dòng chữ "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ"; bên nhà gái là các cán bộ quân y, bên nhà trai là cán bộ Đại đoàn 308 và cán bộ chiến sĩ ở lại thu dọn chiến trường. Chú rể mặc nguyên bộ quân phục, cô dâu ra bờ suối vuốt lại mái tóc cho gọn gàng. Rồi chú rể hát bài "Bộ đội về làng", cô dâu hát bài "Em bé Mường La" để mừng chiến thắng.

Trên chiến trường còn nguyên xác đạn và chi chít hố bom, cô dâu chú rể chỉ kịp chụp lại vài bức ảnh kỷ niệm, trong đó có bức ảnh cô dâu chú rể ngồi trên xe tăng giữa chiến trường Điện Biên. Với vợ chồng bà Ngọc Toản và các con, thì bức ảnh ấy là kỷ vật vô giá ghi dấu tình yêu và tình đồng đội đậm sâu trên chiến trường. Trao bức ảnh tặng Ban Quản lý di tích Điện Biên vào sáng 3/3 ngay tại căn hầm nhỏ là hôn trường của mình 70 năm trước, bà Ngọc Toản xúc động nghẹn ngào khi nhớ về khoảnh khắc bà và ông ngồi trên xe tăng chụp bức ảnh ấy. Giọng ngắt quãng, bà Ngọc Toản khẽ kể: "Khi ấy tôi đã nói với anh Khánh rằng, đồng đội của mình, bao nhiêu người còn chưa được yêu nằm xuống cho mình được sống, được hạnh phúc thì phải sống sao cho xứng đáng. Anh Khánh đã đồng ý như vậy, chúng tôi đã nguyện ước thủy chung, sống xứng đáng với đồng chí đồng đội…".

Cuộc hạnh ngộ đặc biệt cùng "cô dâu Điện Biên" ảnh 1

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc Toản và ông Cao Văn Khánh. Ảnh: Tư liệu

3 Ông Cao Quý Bảo, con trai Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản cho biết: "Dù sức khỏe đã yếu, nhưng mẹ tôi luôn ước muốn được một lần nữa trở lại Điện Biên. Vậy nên trong dịp đặc biệt chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gia đình đã cố gắng thực hiện mong muốn của mẹ. Ý nghĩa hơn nữa là mẹ tôi trở lại thăm chiến trường xưa đúng sinh nhật 94 tuổi, nên bà càng vui và xúc động".

70 năm trôi qua, những tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc của đám cưới đặc biệt ấy đã được trao tặng lại cho Ban Quản lý di tích Điện Biên. Hình ảnh hai Chiến sĩ Điện Biên làm lễ cưới khi chiến trường vẫn còn vương khói bom là một trong những biểu tượng khát vọng vươn đến hòa bình của người Việt Nam.

Dẫu vẫn biết cuộc hội ngộ nào cũng phải chia tay, thế nhưng với mỗi hướng dẫn viên ở Điện Biên thì cuộc gặp gỡ cùng cô dâu Ngọc Toản ở ngay chiến trường xưa sẽ còn mãi trong tâm trí với niềm ngưỡng vọng vô bờ bến. Cuộc gặp hôm ấy và những bức ảnh của cô dâu Ngọc Toản với chú rể Cao Văn Khánh được gia đình tặng lại Ban quản lý di tích Điện Biên, sẽ được những người làm công tác bảo tồn di tích lưu giữ, để mai sau thế hệ trẻ hiểu thêm về tình yêu, cuộc đời của người chiến sĩ Điện Biên. Họ đã sống, chiến đấu, yêu thương và giữ lời thề như thế!

Trung tướng Cao Văn Khánh (1917-1980) là một trí thức yêu nước, tham gia cách mạng từ những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ông từng tham gia chỉ huy những trận đánh lớn trong kháng chiến chống thực dân Pháp và trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Trên cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý.

Giáo sư, Đại tá quân y Nguyễn Thị Ngọc Toản tên gốc là Tôn Nữ Ngọc Toản. Cha của bà là ông Tôn Thất Đàn. Bà Ngọc Toản nguyên là Phó Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, tác giả một số sách y học, với các chuyên đề về sinh sản và giới tính, kiến thức về bệnh ung thư gan... được đánh giá cao.