"Cửa sổ nhìn ra Vũ trụ" sẽ mở ở Quy Nhơn

NDO - Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9 "Cửa sổ nhìn ra Vũ trụ" sẽ diễn ra tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ở Quy Nhơn cuối tháng 7-2013 với sự có mặt của nhiều nhà bác học đoạt Giải Nô-ben. Ðây là cuộc gặp gỡ khai trương Trung tâm này.
Tại buổi lễ khởi công xây dựng Trung tâm Quy Nhơn, tháng 12-2011. Từ trái sang phải: GS Trịnh Xuân Thuận, ông Lê Hữu Lộc
Tại buổi lễ khởi công xây dựng Trung tâm Quy Nhơn, tháng 12-2011. Từ trái sang phải: GS Trịnh Xuân Thuận, ông Lê Hữu Lộc

Cuối năm 2012, qua mạng in-tơ-nét, giới vật lý đã nhận được thông tin chung quanh cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9 về vật lý hạt cơ bản, vật lý thiên văn và vũ trụ học, sẽ được tổ chức từ ngày 28-7 đến 3-8-2013 tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành, bên bờ biển Quy Nhơn. ICISE, tên viết tắt tiếng Anh của Trung tâm (International Center for Interdisciplinary Science and Education/ICISE) đang trở nên thân thuộc với giới vật lý nhiều nước, bởi vì, tại Quy Nhơn, trong hai năm 2011 và 2012, đã diễn ra liên tiếp hai cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 7 và lần thứ 8. Do không có đường bay thẳng, các nhà vật lý nước ngoài phải làm quen với đường bay "vòng vèo" đến Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh, nghỉ một đêm, rồi bay tiếp tới sân bay Phù Cát, để dự các cuộc gặp do GS Vân tổ chức. Gặp gỡ Việt Nam đã trở thành một "thương hiệu" thu hút giới vật lý nhiều nước, nhất là Pháp và Mỹ.

Chủ đề cuộc gặp năm 2013 là "Cửa sổ nhìn ra Vũ trụ" (Windows on the Universe). Từ Vũ trụ viết hoa như một tên riêng để chỉ cái vũ trụ nơi chúng ta tồn tại, nhằm phân biệt với các thứ vũ trụ khác có thể cũng hiện tồn theo thuyết các vũ trụ song song (parallel universes).

Về vật lý hạt cơ bản, nội dung gồm: Sự sinh ra và tính chất của hạt bô-sôn Higgs; Cuộc kiếm tìm một nền vật lý học mới; Hiện tượng luận và vật lý học vượt qua mô hình chuẩn; Sự sinh ra và tính chất của hạt quark nặng; Nghiên cứu về vật lý điện - yếu và sắc động lực học lượng tử; Kết quả mới nhất về va chạm i-ôn nặng; Vật lý nơ-tri-nô khảo sát từ phòng thí nghiệm; Thiết bị nghiên cứu chuyên ngành: máy gia tốc thế hệ mới...

Về vật lý thiên văn hạt nhân và vũ trụ học, nội dung gồm: Tia Vũ trụ - khảo sát trên mặt đất và từ vệ tinh; Thiên văn học tia gam-ma; Vật chất tối và năng lượng tối; Vũ trụ sơ sinh; Bức xạ nền Vũ trụ; Cấu trúc hoành đại; Thiết bị nghiên cứu chuyên ngành: vệ tinh và kính viễn vọng...

Tất nhiên, với nội dung chuyên sâu như thế, thì chỉ có các chuyên gia mới hiểu tường tận. Nhưng thiết nghĩ bạn đọc rộng rãi - nhất là các em học sinh, sinh viên thế hệ iPad 4, iPhone5, Facebook, Twitter, Zorpia - cũng cần làm quen với những khái niệm có vẻ "xa vời" kia. Bởi lẽ, một ngày mai không xa, những thành tựu trong vật lý học hôm nay tưởng chừng "viển vông", "vô tích sự" sẽ mang lại lợi ích "sát sườn" cho chính các bạn đấy.

Nếu thiếu những thành quả vật lý mấy thế kỷ trước, thì thử hỏi làm sao ta hình dung nổi cuộc sống hiện tại trong ngôi nhà mình. Sẽ chẳng  có đèn nê-ông, ti-vi, tủ lạnh, máy lạnh, máy tính để bàn và lap-top, điện thoại cố định và di động, máy ảnh số, máy ghi âm số, đầu đọc đĩa nén... Có nhà tư tưởng đã ví von: Bỏ tiền ra xây trường học và viện nghiên cứu hôm nay, tức là tiết kiệm được tiền xây nhà tù và trại cai nghiện ma túy ngày mai!

Trong một bức điện gửi GS Trần Thanh Vân, nhà bác học Mỹ Giắc Xtên-béc-gơ (Jack Steinberger), Giải thưởng Nô-ben năm 1988, người đã tới Việt Nam từ 20 năm trước, viết: "Cảm ơn anh về lời mời dự Hội nghị và tôi vui lòng nhận lời. Tôi đánh giá rất cao những gì anh đã làm cho lĩnh vực vật lý của chúng ta và những gì anh đang làm để xây dựng ngành vật lý ở nước anh - đất nước đã phải chịu đựng bao cuộc tiến công của nước chúng tôi, nước Mỹ".

GS Ðây-vít Grox (David Gross), Giải Nô-ben năm 2004, viết cho GS Vân: "Rất cảm ơn anh về lời mời. Tôi rất vui lòng được tham gia Ban Cố vấn quốc tế của Hội nghị và hy vọng có thể đến dự, đặc biệt vì tôi chưa lần nào đến Việt Nam. Ðàm Thanh Sơn có kể với tôi về Trung tâm của anh. Tôi cảm phục anh đã đứng ra đảm đương công việc khó khăn, quan trọng ấy. Nóng lòng chờ đợi chuyến thăm Việt Nam!".

GS Gioóc-giơ Xmút (Georges Smoot), Giải Nô-ben năm 2006, bày tỏ: "Tôi rất vinh dự được tham gia Ban Cố vấn quốc tế của Hội nghị, và sẽ cố gắng đóng góp hết sức mình. Tôi vẫn còn chưa biết chắc chắn kế hoạch làm việc của mình năm 2013, nhưng tôi rất muốn thăm Việt Nam. Kế hoạch của tôi phụ thuộc vào thời điểm phóng vệ tinh ở Mỹ".

GS Giê-rôm Phrít-man (Jerome Friedman, người Mỹ gốc Nga), Giải Nô-ben 1990, nhà bác học đã nhiều lần tới Việt Nam, chia sẻ: "Tôi rất vui khi được biết những bước tiến của Trung tâm Quy Nhơn, và  rất vinh dự được mời dự phiên khai mạc Hội nghị. Tôi rất mừng về hai sự kiện gần đây: Việc anh (tức GS Trần Thanh Vân) được tặng Giải thưởng Tate, và việc khám phá ra hạt Higgs".

Nhiều nhà khoa học đoạt Giải Nô-ben khác như các Giáo sư Ðinh Triệu Trung (Samuel Ting, người Mỹ gốc Hoa), Mác-tin Pơn (Martil Perl), Các-lô Ru-bi-a (Carlo Rubbia), Xôn Péc-mút-tơ (Saul Perimutter)... cũng hứa sẽ đến Quy Nhơn.

Nhờ tình bạn thân thiết lâu năm, GS Vân mới có thể mời được một số đông như thế các nhà bác học đoạt Giải thưởng Nô-ben đến dự một cuộc hội nghị ở châu Á. Riêng tôi, từng dự hai hội nghị quốc tế lớn, với sự tham gia của mấy nghìn nhà vật lý toàn cầu, ở Bắc Kinh và ở Daegu (Hàn Quốc), mỗi hội nghị cũng chỉ mời được duy nhất một nhà bác học Giải thưởng Nô-ben tới dự mà thôi.

Suốt 20 năm qua, GS Trần Thanh Vân tận tâm "làm việc không lương" cho đất nước, không hề đòi hỏi một sự "đãi ngộ xứng đáng" nào...

Trung tâm Quy Nhơn là một tổ hợp các công trình trải rộng trên mặt bằng 200.000 m2 gồm: khu hội trường, khách sạn, nhà hàng, nhà chiếu hình vũ trụ, quán cà-phê bên suối, quán cà-phê sân thượng, bể bơi nước ngọt, những ngôi nhà gỗ hiên rộng (bangalow) dành cho các gia đình, nhà spa, nhà suy ngẫm (cogitum) - loại nhà sàn nhỏ dọc suối. Và còn nữa: cầu qua suối, những lối mòn dạo bộ uốn lượn quanh co dưới tán dừa, bãi đỗ xe, sân quần vợt... Khuôn viên Trung tâm được thiên nhiên ưu đãi: vừa có bãi tắm biển cát vàng, mịn phẳng, lặng sóng, vừa có một con suối lớn chảy vắt ngang qua, giữa cánh  rừng dừa xanh ngắt, ôm bóng núi biếc mờ sương...

Ðây là một tổ hợp kiến trúc Pháp thanh nhã, giấu mình trong thiên nhiên, chứ không thách thức thiên nhiên, do Văn phòng của kiến trúc sư người Pháp nổi tiếng Giăng Phrăng-xoa Mi-lu (Jean FranCois Milou), đặt tại Xin-ga-po thiết kế.

Lễ khởi công diễn ra từ cuối năm 2011, với sự có mặt của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Ðịnh Lê Hữu Lộc, cùng hơn 200 nhà vật lý Việt Nam và nước ngoài, trong đó có các Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, Trần Thanh Vân, Lê Kim Ngọc, Trịnh Xuân Thuận, Phạm Quang Hưng, v.v.

Dự tính, đến tháng 7-2013, sẽ khánh thành khu hội trường để kịp tổ chức cuộc gặp "Cửa sổ nhìn ra Vũ trụ", đón các nhà bác học Giải thưởng Nô-ben cùng mấy trăm nhà vật lý nước ngoài và Việt Nam tới dự.