Con khổng tước trên tầng cao

Mẹ dẫn tôi đến căn hộ ở tầng ba mươi. Việc chính là nấu cơm, trông nom cậu chủ bị tật một chân trong cuộc đua ô-tô. Ông chủ bảo: "Nếu làm sáng thì nấu ăn cả ngày, nếu làm cuối chiều thì nấu ăn tối, để cả thức ăn cho trưa hôm sau. Lương tháng tám triệu". Bà chủ đỏng đảnh rót thêm vào tai tôi, rằng làm tốt thưởng thêm. Tôi vâng, lại gần làm quen với Châu. Anh ngồi bất động như tấm bia đá.
0:00 / 0:00
0:00
Con khổng tước trên tầng cao

- Huệ nó sẽ nấu nướng cho con. Làm quen với em ấy đi - Ông chủ nói với Châu. Châu không thay đổi dáng ngồi. Ông chủ quay sang tôi:

- Sau tai nạn, nó buồn, tổn thương chứ không phải kẻ tự kỷ.

Bà chủ vỗ vỗ vai tôi, ý bảo cố gắng, rồi bà đi, để lại mùi nước hoa lạ lẫm. Phòng chỉ còn tôi, mẹ và Châu. Mẹ gợi chuyện nhưng không làm Châu suy chuyển. Câm lặng, ù lì như thế, hẳn anh phải trải qua một cú sốc tinh thần ghê gớm. Mẹ ra ngoài, còn mình tôi ngồi lại, thi gan cùng Châu. Cuối cùng Châu phải khuấy không khí nặng nề bằng một hành động rất… công tử. Châu móc dưới gối một mớ tiền, ném vào tôi, hét: "Cầm lấy và cút đi". Tôi hơi bất ngờ, nhưng cuộc sống dạy tôi trong muôn trạng huống, phải bình tĩnh. Tôi nói:

- Tôi chưa giúp được gì, không nhận tiền của anh.

- Nghèo còn sĩ!

- Đừng coi thường. Anh chưa biết gì về tôi, sao nói tôi nghèo?

- Nghèo mới đi làm ô-sin.

Tôi điếng người. Suy đoán kiểu này thì tôi thua. Người đàn ông trước đây tôi yêu cũng nói tôi vậy. Nghèo lại còn ngoan, còn giữ sĩ diện. Đáng đã làm tôi khóc suốt bao đêm, rồi đến lúc tôi không thể ôm mãi một dĩ vãng buồn về một người không đáng để tôi đau khổ. Tôi mới ra trường, dù đã đi thử việc ở vài công ty, nhưng ở đâu tôi cũng thấy chống chếnh. Những gã trai nứt mắt hoặc đàn ông đã có gia đình ve vãn, buông tuồng. Tôi từ chối mọi lời đường mật và nhận lại những cái bĩu môi: "Mới ra trường, lại còn ngoan!". Ừ. Mới ra trường thì không được phép ngoan, chỉ được buông thả, để nhan sắc rơi vào vũng tối tăm chiều theo ham hố các người? Rốt cuộc, đám đàn ông tự cho mình là giàu có, thích đú đởn ấy là gì?

Mẹ thâm niên sáu năm làm giúp việc ở khu chung cư cao cấp này, cũng được nhiều người quý. Mẹ sẽ giúp tôi tìm câu trả lời. Suốt bốn năm học đại học, tôi sống bằng mồ hôi của mẹ. Bố tôi là lái xe, ông mất vì lũ choai choai đua xe đâm vào. Trong tôi chỉ còn đọng một điều bố dạy, đói cho sạch rách cho thơm. Tôi đã tìm cách tách mình ra khỏi Đáng để không rơi vào mớ bòng bong cuộc đời mà một người từng trải như gã giăng ra.

- Làm việc gì cũng là lao động, phải đổ mồ hôi. Gã què như anh cũng dám coi thường? - Tôi nói với Châu và chờ đợi một phản ứng gay gắt. Nhưng Châu thinh lặng. Rồi đột nhiên, Châu móc thêm mớ tiền nữa, ném vào tôi. "Đồ điên, cút!". Mắt tôi tối sầm, những đồng tiền run run trong không gian như thể cả đàn chim trời đang giẫy chết, rơi xuống. Chợt Châu òa khóc, như thể con đập vừa bị dòng nước khổng lồ xô toác vỡ. Tôi và mẹ không nói thêm gì, ra về.

★★★

Ông chủ gọi sớm, năn nỉ tôi đến. Lời ông tha thiết: "Nó muốn gặp cháu, nhưng ngại không dám nói". Hôm nay Châu tươi tỉnh hơn hôm trước. Châu khen tôi cứng rắn, còn mình yếu đuối. Tôi là người thứ hơn hai mươi, đến nhận việc. Người nhẫn nại lắm mới chịu được ba ngày, còn không vừa gặp đã… đầu hàng. Cũng không ai dám mắng Châu là "gã què".

- Tên là Huệ đúng không? Tôi thấy Huệ cũng có vẻ buồn buồn.

"Gã què" biết đọc lòng người. Tôi gật đầu. Châu dịu giọng, xin lỗi tôi vì hôm trước hàm hồ. Anh bảo tôi cầm tiền, nhưng tôi lắc đầu: "Đừng tưởng tiền của anh to". Châu im lặng. Tôi nấu cho Châu chút đồ ăn sáng. Ông chủ ở phòng khách liên tục nghe điện thoại, rồi ghé vào nói tôi ở lại, ông đi có việc. Châu chỉ cho tôi chỗ lấy cà-phê pha sẵn. Tôi làm hai cốc cho hai người. Tôi biết Châu đang nhìn mình rất kỹ.

★★★

Anh gọi bố mẹ là "ông bà già". Bố Châu vì mải mê với các dự án thủy điện nhỏ và vừa ở tít vùng núi cao xa lắc từ cả chục năm trước nên không quan tâm đến gia đình, ngoài việc cho no thỏa tiền bạc. Mẹ anh từ đó mải mê mua sắm và cuốn theo những cuộc tình chớp nhoáng. Châu thiếu hẳn sự dạy dỗ của bố mẹ, sớm trở nên ngang tàng, cái ương bướng và ăn chơi cũng phồng lên cùng những món tiền bố mẹ đưa. Ba năm trước bố mẹ Châu ra tòa. Anh thành cỏ dại, thành con ngựa không có dây cương, một kẻ có rất nhiều thứ nhưng chỉ thiếu hơi ấm gia đình. Châu lái xe riêng, đón bạn trai, bạn gái đi nhậu. Chán nhậu ở thành phố thì đi xa. Trong một cuộc đua ô-tô với đám bạn trên cao tốc, mấy chiếc xe đâm vào nhau, rúm ró, Châu bị gãy chân phải. Bên chân gãy bị kẹt, phần gót hoại tử nặng, phải cắt gọt. Chân phải thấp hơn chân trái, Châu thành kẻ đi cà nhắc. Lúc bố mẹ Châu quan tâm thì đã muộn. Anh hận bố mẹ, hận mình, hận đời. Buồn, Châu nói bạn bè mua cho một con chim công đực để thi thoảng nhìn nó xòe đuôi. Trên cao ốc, chim công cũng buồn như anh, đờ đẫn. Giờ tôi mới để ý nhìn. Nó cụp đuôi lại, đầu nghẹo sang một bên, ủ rũ.

Tôi bước ra ban-công, dùng tay vuốt nhẹ lên bộ lông, con công đơ ra. Tại sao lại là con công với cái tên khác mỹ miều là khổng tước mà không phải loài chim nào khác? Đoán được sự thắc mắc của tôi, Châu bảo, từ nhỏ anh đã thích chim công, nó tượng trưng cho sự giàu sang. Phải, khi cái sự sang trọng, giàu có bị giam cầm, bị làm cho cô đơn, vô hồn thì nỗi xót xa cũng tăng lên. Càng nói chuyện, tôi càng mường tượng ra sự an nhiên trong tâm hồn hay để được sống bình thường với những yêu thương còn quý giá hơn nhiều lần giàu có mà lúc nào cũng lo âu, lạc lõng.

- Nhà có điều kiện, sao anh không bảo bố mua nhà dưới mặt đất, có vườn cây, tiện không gian cho công múa? - Tôi hỏi. Châu lắc đầu:

- Bố tôi bệnh rồi. Mà bệnh lạ lắm. Hình như khi làm thủy điện, ông đã hại đến rất nhiều cây cối, nên hồn cây trả thù. Cây cối cứ xộc thẳng vào giấc mơ của ông mà hành khiến ông sợ hãi, mất ngủ, thần kinh có lúc tê liệt. Ông đã tìm nhiều thầy thuốc, nhưng không thuyên giảm. Ông thành ra sợ cây. Cứ nhìn thấy cây là choáng, toát mồ hôi. Chính vì thế nên ông đã chuyển tôi lên đây. Đến kính ô-tô ông cũng phải đổi màu, để khỏi nhìn thấy cây cối bên ngoài.

- Sao lại như thế được?

- Thì như vậy đó. Bây giờ ông toàn điều hành từ xa, để khỏi phải lên vùng núi. Tôi khuyên bố mẹ quay lại với nhau. Ông bà dền dứ, tôi chán nên quậy phá. Chính khuôn mặt Huệ, cách Huệ nói chuyện làm tôi thấy khác lạ.

Châu không giải thích được sự khác lạ đó như thế nào. Anh lãng tử hơn khi nở một nụ cười. Đôi mắt khác hẳn đôi mắt những kẻ đã bông đùa, tán tỉnh hau háu muốn chiếm đoạt tôi. Anh hỏi cuộc sống của tôi thế nào? Hẳn phải có gì đó khúc mắc mới đến nhà anh. Tôi bảo Châu, vẫn có nhiều sinh viên làm gia sư, hoặc giúp việc theo giờ, để cải thiện cuộc sống. Tôi lảng tránh ánh mắt Châu, bởi sợ phải khơi lại nỗi khổ đau trong quãng thời gian ở bên Đáng. Tôi từng tin Đáng sẽ là người ở bên, che chở, yêu thương như tôi đã từng quan tâm gã. Nhưng gã chỉ coi tôi là thứ đồ chơi, chán thì bỏ đi. Tôi chông chênh giữa dòng đời nhiều cạm bẫy. Trong thẳm sâu con người ai cũng có nỗi khổ riêng. Người giàu cũng có nỗi cô đơn bởi chính họ dễ thành nô lệ của bi kịch. Sự phức tạp của giới nhà giàu luôn khó đoán. Mà con người có rất ít cách để làm cho nhau vui sướng, nhưng có cả nghìn kiểu tạo đau khổ cho nhau.

Tôi đã khiến anh quay mặt ra khỏi bức tường màu sữa lạnh. Anh cười nhiều hơn. Tôi kể anh nghe chuyện mình. Rằng bố tôi mất vì đám choai choai đua ô-tô tông vào. Cuộc đời tôi chịu nhiều thiệt thòi vì thiếu bố. Tôi cũng đã kiên cường để mình không chìm trong cạm bẫy và bi kịch. Châu lặng đi, bảo: "Huệ đã có thể cầm mớ tiền của tôi, đi khỏi đây như hai người kém tự trọng. Tôi cũng chẳng quan tâm. Nhưng Huệ đã cho tôi tin rằng, lòng tự trọng đáng giá hơn tiền bạc".

Ông chủ biết ơn tôi. Tôi đề xuất: "Ông hãy thưởng cho cháu một hân hạnh, là hãy để anh Châu được gần gũi mặt đất. Con khổng tước đẹp đẽ kia có chỗ khoe sự rực rỡ của mình". Ông chủ bỗng run lên. Ông xin phép chạy vào nhà vệ sinh. Lúc sau trở ra, dù thở khó, ông vẫn hứa: "Chú sẽ nhớ lời đề nghị của cháu, dù đó là một điều rất khó đối với chú".

★★★

Chiều con, ông chủ mua ngôi nhà mặt đất. Hôm tôi đến cùng Châu chuyển đồ, con khổng tước đã múa. Nó xòe cái đuôi mầu lục ánh đồng. Chiếc mào hình rẻ quạt vươn cao như một chiếc vương miện kiêu sa. Châu hoạt bát, gọi xe, chuyển đồ. Anh như con khổng tước bị nhốt lâu ngày, nay được bung tỏa, thỏa sức múa.

Tối đó ông chủ gọi đồ ăn về nhà, bảo tôi ở lại. Trong bữa ăn, ông không ngớt lời cảm ơn, rồi nhắc tôi tiếp tục đỡ đần gia đình. Bản thân ông vẫn chưa xua tan nỗi sợ cây cối, nên sinh hoạt có nhiều bất tiện.

Tôi đến nấu cơm cho bố con Châu ngày hai bữa. Những hôm ông chủ đi vắng, tôi với Châu thường ngồi uống trà và ngắm con khổng tước. Thấy tôi và anh, nó cứ rướn cổ lên, xòe đuôi như thể muốn thu hút một nàng khổng tước cái nào đó. Nhìn nó ngồ ngộ, Châu cười rũ. Ở bên Châu, tôi thấy bình yên. Anh không ve vãn như những gã đàn ông tôi từng gặp. Một hôm Châu bảo tôi hãy là bạn gái anh. Anh sẽ thay đổi, sẽ đi làm. Châu còn nói tôi đã dạy cho anh lòng tự trọng. Anh phải tự trọng với mình, kiên cường, không đầu hàng hoàn cảnh.

Ra khỏi ngôi nhà của Châu, tôi muốn mình suy nghĩ kỹ về điều này và cố xua nỗi buồn cũ. Tôi đã thắp vào lòng Châu một niềm hy vọng. Hình như Châu muốn trong bức tranh anh đang vẽ, có cả tôi. Một tuần sau khi anh thốt lên lời đề nghị, tôi hẹn anh ở một quán cà-phê trầm cũ. Anh đến, chân tập tễnh nhưng tự tin, tay anh cầm theo đóa hồng. Tôi đùa, sao anh không mang theo con khổng tước. Ngoài kia mưa thu dịu mát, không gian vào thu yên bình. Châu nói về rất nhiều dự định. Tôi say sưa với những ước mơ của Châu, không biết là tự lúc nào đầu mình đã ngả vào bờ vai anh.