Có tiền nhưng không tiêu được

Trong thời gian qua, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc công tác giải ngân đầu tư công, như: ban hành nhiều nghị quyết, công điện, chỉ thị, hội nghị trực tuyến và duy trì năm tổ công tác liên tục của Chính phủ và của các Bộ trưởng để đôn đốc công tác giải ngân,… nhưng tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn còn rất chậm, đặc biệt là nguồn vốn vay nước ngoài.
0:00 / 0:00
0:00

Sáu tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành đạt 27,2% (tương đương 3.225 tỷ đồng). Hiện mới chỉ có năm trong 11 bộ, ngành có giải ngân gồm: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (47,42%), Bộ Giao thông vận tải (30,97%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (30,56%), Bộ Tài nguyên và Môi trường (4,19%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (5,26%). Có sáu bộ, cơ quan Trung ương, gồm: Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chưa có giải ngân.

Đối với địa phương, năm 2023, có 50 địa phương được giao tổng kế hoạch vốn là 34.512,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sáu tháng đầu năm 2023, tính cả kế hoạch vốn cấp phát và vay lại, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 7,6% kế hoạch vốn năm 2023 được giao.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao xảy ra thực trạng có tiền nhưng không tiêu được? Có nhiều nguyên nhân, hầu hết là nguyên nhân cũ được ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính chỉ ra, như: Chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chưa hoàn tất ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế; vướng mắc, tranh chấp giữa nhà thầu và chủ đầu tư về giá trị trượt giá, khối lượng, giá trị cuối cùng. Nhiều gói thầu chậm triển khai do việc chậm điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn tới chậm ký kết hợp đồng do không bảo đảm nguồn vốn thực hiện, các vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối hoặc chấp thuận của nhà tài trợ…

Một nút thắt khác được đại diện đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, đó chính là mô hình quản lý dự án chưa phù hợp. Điển hình là "Chương trình Kỹ năng và Kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện", vay vốn ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Mục tiêu của Dự án nhằm nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo cho 16 trường, bao gồm 14 trường cao đẳng chất lượng cao và hai trường đại học sư phạm kỹ thuật thông qua đầu tư đồng bộ trang thiết bị đào tạo; tăng cường sự tham gia của các đối tượng yếm thế và cộng đồng vào giáo dục nghề nghiệp thông qua các hoạt động đào tạo. Dự án thực hiện đấu thầu tập trung tại Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nhưng vốn lại giao về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dẫn đến việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không chủ động được trong thực hiện và giải ngân vốn. Trong khi đó, do gặp nhiều vướng mắc nên việc tổ chức đấu thầu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội suốt nhiều năm qua không đáp ứng được tiến độ.

Từ dẫn chứng mà đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra có thể thấy, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, tích cực và chủ động của các bộ, ngành, các đơn vị liên quan trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc liên quan công tác đấu thầu. Không nên để xảy ra tình trạng tắc ở một khâu mà làm nghẽn cả dây chuyền như câu chuyện vừa nêu.