Khởi đầu khó khăn
Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới, tuy nhiên, các loài động thực vật hoang dã và hệ sinh thái đang đối mặt với nguy cơ biến mất và suy thoái môi trường. Những năm qua, nhiều tổ chức bảo tồn thiên nhiên trong và ngoài nước đã triển khai các chương trình bảo tồn trọng điểm, trong đó việc phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu để đào tạo và nâng cao kỹ năng cho nguồn nhân lực cho ngành được ưu tiên hơn bao giờ hết. Các khóa tập huấn, hội nghị khoa học và các chương trình trao đổi cho sinh viên về bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã đã mở ra cơ hội tìm hiểu, học tập và trang bị kỹ năng để thanh niên bắt đầu trở thành những nhà thực hành bảo tồn.
Tại Việt Nam, khi nói về công việc của một nhà bảo tồn, chắc hẳn ai cũng nghĩ là một nghề vất vả, lên rừng xuống biển, nguy hiểm cận kề, làm tình nguyện không lương hoặc nếu có thì so với các ngành nghề khác là rất thấp. Bên cạnh đó, hiện nay các cơ sở giáo dục cũng chưa có chương trình đào tạo chính quy dành riêng cho bảo tồn đa dạng sinh học.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Trung tâm Hành động vì Động vật Hoang dã Việt Nam (WildAct) cho biết: “Mười năm về trước, để có thể tiếp cận và đi xa hơn trong ngành bảo tồn ở Việt Nam, tôi đã mất nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm các cơ hội học tập, nghiên cứu và thực hiện các dự án ở nước ngoài. Đó chính là lý do thôi thúc tôi tìm tòi và phát triển những chương trình đào tạo thực tiễn để thanh niên và sinh viên Việt Nam có thể được tiếp cận và theo đuổi ngành nghề với khởi đầu thuận lợi hơn”.
Từ năm 2019 đến nay, WildAct phối hợp cùng các trường đại học hàng đầu như Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Vinh tổ chức 5 khóa đào tạo ngắn hạn về các chủ đề Phúc lợi Động vật hoang dã, Phòng chống buôn bán động vật hoang dã... Các khóa học đã mở ra cơ hội việc làm và phát triển trong ngành bảo tồn thiên nhiên cho 81 học viên đến từ các tỉnh thành trên cả nước. Học viên là những sinh viên mới ra trường, những người đi làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau như du lịch, luật, kế toán, truyền thông, mỹ thuật,... nhưng có một điểm chung là đều quan tâm đến môi trường và mong muốn góp sức cho ngành bảo tồn.
Tới nay, hơn 40% học viên tốt nghiệp đã và đang công tác trực tiếp trong ngành bảo tồn tại các tổ chức trong nước và quốc tế, các vườn quốc gia và khu bảo tồn. Kết quả này đã minh chứng cho tác động tích cực về chất lượng đào tạo của khóa học cũng như nhu cầu học và làm nghề bảo tồn thiên nhiên của người trẻ.
Lê Hoàng Phương Anh, học viên khóa học Phòng chống buôn bán động vật hoang dã trái phép 2023 chia sẻ: Tôi đang thực hiện đề tài nghiên cứu về bảo tồn voọc mũi hếch. Khóa học đã đáp ứng mong đợi của tôi về bổ sung kiến thức thực tế thay vì chỉ có các nghiên cứu khoa học. Trong đó có quy trình bảo đảm an toàn khi tác nghiệp về bảo tồn; những công cụ hỗ trợ ngăn chặn sự tuyệt chủng loài và đem đến cách nhìn khác về nghề bảo tồn. Ngành nghề nào cũng có rủi ro, dù vậy, trang bị kiến thức đầy đủ chính là cách giúp tôi thực hiện hóa đam mê của mình.
Không chỉ riêng khoá học của WildAct, hiện nay các khóa đào tạo như khóa tập huấn bảo tồn thú linh trưởng Việt Nam (GreenViet) hay khóa đào tạo các kỹ năng nghiên cứu thực địa về rùa cạn và rùa nước ngọt (Asian Turtle Program/ Indochine-Myanma Conservation)đang thu hút sự quan tâm và mở ra một tương lai hứa hẹn cho ngành bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam.
Bảo tồn rùa biển tại Vườn Quốc gia Côn Đảo. |
Bà Nguyễn Thị Thu Trang mong muốn, trong 10 năm tới, WildAct sẽ xây dựng một chương trình đào tạo chính quy cấp bậc đại học và sau đại học về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam. Hiện tại, Trung tâm đang trong quá trình trao đổi với các trường đại học cũng như các tổ chức bảo tồn để phối hợp và phát triển giáo trình học cơ bản và toàn diện nhằm trao cơ hội học tập, nghiên cứu và phát triển cho người trẻ tại Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn.
Cần nhiều đam mê và quyết tâm
Thanh niên đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề thường có trăn trở về mức lương, con đường sự nghiệp lâu dài khi quyết định gắn bó với ngành bảo tồn thiên nhiên vì cho rằng đây là công việc vất vả, nguy hiểm và lương thấp, chủ yếu dành cho nam giới. Trên thực tế, ngành bảo tồn quy tụ nguồn nhân lực có nền tảng chuyên môn đa dạng như khoa học cơ bản, luật, công nghệ, truyền thông, quản trị kinh doanh, giáo dục, thú y, xã hội học... nhằm đáp ứng nhiều yêu cầu và vị trí công việc khác nhau. Bên cạnh đó, ngành bảo tồn cũng hứa hẹn nhiều cơ hội nâng cao năng lực và trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu học tập, phát triển chuyên môn, và trải nghiệm của giới trẻ.
Tại Hội nghị sinh viên về Bảo tồn thiên nhiên 2023, Tiến sĩ Hà Thăng Long, Giám đốc Hội động vật học FrankFurt tại Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sáng lập GreenViet chân thành bày tỏ: Ngành bảo tồn xuất phát điểm lương có thể không cao nhưng cũng không thua kém các ngành nghề cơ bản hiện tại. Nhưng nhìn về con đường dài, sự thăng tiến, lương bổng chắc chắn sẽ rất hấp dẫn dành cho những bạn đủ đam mê, quyết tâm, có lộ trình phát triển chuyên môn và sự nghiệp một cách nghiêm túc.
Đi cùng với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, nghiên cứu khoa học thì việc tạo mạng lưới và kết nối giữa những người trẻ với các chuyên gia và tổ chức bảo tồn là điều vô cùng quan trọng. Đó chính là yếu tố quyết định kết quả chất lượng nhân lực cho ngành bảo tồn nói riêng và các ngành nghề khác nói chung. Một điều đáng tiếc, hiện nay, các sinh viên và các nhà nghiên cứu trẻ, không chuyên chưa có nhiều cơ hội để chia sẻ về những nghiên cứu và thảo luận đóng góp của họ cho ngành bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam.
Chuẩn bị cho mùa rùa biển lên bờ ấp trứng. |
Năm 2022, Hội nghị sinh viên về bảo tồn thiên nhiên lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, đến năm 2023, hội nghị tiếp tục tạo được tiếng vang khi thành công tạo ra một không gian kết nối và chia sẻ về những vấn đề nóng hổi trong bảo tồn, các nghiên cứu giá trị và những cơ hội rộng mở cho tất cả người tham gia. Hai năm tổ chức, hội nghị đã thu hút sự tham gia của gần 200 sinh viên, các nhà nghiên cứu chuyên và không chuyên, các nhà bảo tồn trẻ, các chuyên gia và các tổ chức bảo tồn hàng đầu tại Việt Nam, tôn vinh và trao giải cho những nghiên cứu xuất sắc và những đóng góp giá trị cho ngành bảo tồn tại Việt Nam. Trần Thị Phương, Giải nhất hạng mục diễn thuyết tại Hội nghị Khoa học sinh viên về Bảo tồn nhiên nhiên 2023 nói: Tôi hứng thú với đề tài giám sát sinh thái rừng và trong tương lai, tôi muốn phát triển đề tài với tính ứng dụng cao hơn dành cho các loại hình rừng khác để những nhà quản lý, những nhà bảo tồn có thể phát triển và đánh giá hiện trạng rừng, phục vụ công tác bảo tồn được tốt hơn.
Có thể nói, ngành bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập. Song, nhờ những chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, cùng nỗ lực hành động của nhiều đơn vị và cá nhân, ngành bảo tồn đã có những bước tiến rõ ràng, với nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai dành cho thế hệ trẻ. WildAct cam kết đóng góp vào nỗ lực chung của Việt Nam trong việc đào tạo một thế hệ mới hành động vì bảo tồn động vật hoang dã.