Có hay không một quyền lực mềm tên gọi là Văn hóa

“Người ta bảo tôi bỏ chữ Nguyễn đi, chỉ là HOM thôi, nghe nó sẽ nghệ sĩ hơn, không còn rõ nguồn gốc nữa, sẽ thuận lợi hơn cho sự nghiệp của tôi. Nhưng tôi bảo không, tôi là Nguyễn thì sẽ vĩnh viễn là Nguyễn thôi”- Hom Nguyễn, một họa sĩ hiện đang được truyền thông cũng như các nhà sưu tập của Pháp săn đón bắt đầu câu chuyện của mình như thế.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Hom Nguyễn và tác phẩm.
Họa sĩ Hom Nguyễn và tác phẩm.

Eva Nguyễn Bình, Viện trưởng Viện Văn hóa Pháp (nguyên Giám đốc Viện Văn hóa Pháp tại Việt Nam) thì bảo, “tôi sinh ra ở Pháp, tiếng Việt tôi nói được ít lắm. Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi về Việt Nam, ở sân bay, từ xa tôi đã thấy các cô chú của tôi vẫy và gọi Bình ơi Bình ơi, chỉ có thế thôi mà giờ phút ấy tự nhiên tôi thấy đây rồi, đây là nơi tôi thuộc về rồi. Việt Nam là của tôi rồi”.

“Cả thời thơ ấu của tôi, tôi rất hay tự hỏi sao tên tôi là Clement Baloup mà trong nhà tôi lại hay ăn cơm thế, bố tôi - với gốc Việt của mình đã nuôi chúng tôi bằng cơm nhiều hơn bánh mì, có khi vì thế mà tôi luôn tò mò về phần máu Việt trong người tôi, và các tác phẩm của tôi phần nhiều là để nói về Việt Nam”.

Câu chuyện của những người Pháp gốc Việt hay một phần trong huyết quản của họ mang dòng máu Việt Nam bắt đầu như thế tại cuộc hội thảo “Việt Nam-Pháp những góc nhìn” được bảo tàng nổi tiếng Quai Branly tại Paris tổ chức.

Đây là lần đầu tiên, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa tại Pháp nhưng có nguồn gốc Việt Nam hội tụ cùng nhau trong một câu chuyện chung, chia sẻ về hành trình làm nghề của họ để trở thành những tên tuổi được biết đến trong giới văn hóa nghệ thuật tại Pháp.

Con đường thành công của họ khác nhau, nhưng có một điểm chung: Việt Nam luôn là một phần trong hành trình làm nghề ấy.

Có hay không một quyền lực mềm tên gọi là Văn hóa ảnh 1

Tác phẩm của Clement Baloup, một họa sĩ người Pháp mang dòng máu Việt Nam.

Hom Nguyễn, từ một cậu bé sinh ra trong khốn khó tại Paris, không được học hết cấp hai, làm đủ thứ nghề để mưu sinh và nuôi mẹ bại liệt. Ước mơ của Hom là vẽ, tuy thế để có tiền nuôi mẹ và sinh sống, giấc mơ ấy tạm bị gác lại. Mẹ của Hom Nguyễn sợ rằng con không thành công nên đã khuyên anh kiếm một nghề khác “thà là bồi bàn hay taxi, vẫn ổn định hơn nghệ sĩ”. Mẹ Hom Nguyễn mất là lúc anh bắt đầu cầm cọ vẽ. Điều đặc biệt của Hom là anh không học vẽ ngày nào, không theo trường lớp nào.

Những nét vẽ nguệch ngoạc bằng bút bi, nhìn tựa như những bản nháp nhưng đã tạo nên phong cách cho Hom. Ban đầu chỉ là vẽ trên giày, sau có tiền là được vẽ trên toan, rồi toan khổ to. Hom bảo: “Tôi vốn nghèo, kiếm tiền toàn tiền lẻ, nên khi được vẽ trên toan, cái cảm giác được vẽ trên chất liệu, lại khổ lớn nó hạnh phúc lắm”. Ngày hôm nay triển lãm của Hom Nguyễn không chỉ được tổ chức ở Paris, mà ở nhiều nơi khác trên thế giới, tác phẩm của anh từ vẽ trên giày có giá 300 euro, nay đã bán được hàng trăm, ngàn lần hơn thế.

Có một điều nữa cũng đặc biệt là những tác phẩm đầu tiên của Hom đều là vẽ chân dung - chân dung những người châu Á. Hom bảo, tôi thấy không có sự gần gũi với những người tóc vàng, mắt xanh, người Việt khiến tôi thấy gần gũi hơn. Rất nhiều những gương mặt Việt Nam, châu Á, rồi sau này là châu Phi trong những tác phẩm của Hom Nguyễn đã được tỏa đi khắp thế giới, theo những sự kiện triển lãm hoặc đấu giá tranh vì trẻ em nghèo.

Hom bảo: “Gương mặt châu Á cùng cái tên Nguyễn của tôi như một sứ giả của Việt Nam. Tôi luôn tự hào khi họ bảo tôi là người Việt Nam. Dù thật ra trên quốc tịch tôi là người Pháp và nước Pháp quả thật đã cho tôi rất nhiều”.

Clement Baloup thì khác. Học trường mỹ thuật tại Marseille, Clement xin được đến Việt Nam để theo học Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội trong vòng một năm. Một năm ấy đã để lại dấu ấn trong toàn bộ sự nghiệp của Clement Baloup trong vai trò họa sĩ vẽ truyện tranh - một thể loại rất được yêu thích tại Pháp cho đến ngày hôm nay. Những nét vẽ của Clement có sự ảnh hưởng một cách vô thức từ tranh Đông Hồ, là nơi mà Clement đã đến để khảo cứu về tranh dân gian Việt Nam.

Lịch sử Việt Nam là đề tài chi phối hầu như toàn bộ tác phẩm của Clement cho đến thời điểm hiện tại: Mùa thu Hà Nội, Con đường của Tuấn, Sự chọn lựa của Hải, Tiểu Saigon, Câu chuyện về Việt kiều... Dù góc nhìn của Clement Baloup có điểm khác với cách nhìn của các nghệ sĩ trong nước, tuy thế, nhờ vào các tác phẩm truyện tranh của Clement mà lần đầu tiên người đọc Pháp tiếp cận với Việt Nam theo một cách khác.

Có hay không một quyền lực mềm tên gọi là Văn hóa ảnh 2

Quang cảnh hội thảo “Việt Nam-Pháp - Những góc nhìn” do bảo tàng nổi tiếng Quai Branly tại Paris tổ chức.

Nhận được nhiều giải thưởng cho chuyện tranh tại Pháp, tên tuổi Clement Baloup ngày hôm nay được biết đến nhiều, và luôn gắn với nguồn gốc Việt.

Eva Nguyễn Bình thì khác, là người hoạt động trong ngành ngoại giao, vai trò của bà là quảng bá cho văn hóa Pháp. Tuy thế, Eva chia sẻ: “Tôi đến Hà Nội khi đang làm ở đại sứ quán Pháp tại Ấn Độ. Khi trở về Ấn Độ tôi chỉ có một mong ước là quay lại Việt Nam thêm một lần nữa, tôi xin phép đại sứ Claude Blanche Maison khi ấy là đại sứ Pháp tại Ấn Độ (nguyên cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam 1989 - 1993) cho tôi nghỉ 6 tuần để trở lại Việt Nam, ông đã cho tôi nghỉ và bảo đi đi, Hà Nội là nơi mà đã đến thì thể nào cũng phải trở về”.

Trong vai trò của mình, Eva Nguyễn Bình đã tạo nhiều cầu nối giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa và cũng như Eva chia sẻ bà thấy hạnh phúc khi mình được làm chiếc cầu và thấy giàu có khi mình được mang hai dòng máu và hai nền văn hóa.

Tại Pháp hiện nay có nhiều người gốc Việt thành công trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như Trần Anh Hùng, Kim Chapiron, Le Lam (điện ảnh) Barbara Bui, Dinh Van, (thời trang) Nguyen Le, Kim Lan, Nghĩa Dương, Ina Ich (âm nhạc) Thuận, Đoàn Bùi, Bùi Minh Huy (văn chương) Trần Trọng Vũ, Clement Baloup, Hom Nguyễn (mỹ thuật) Minh Pham, Le Tam (múa) Almire Rech, Tony Phương (sưu tập và tổ chức triển lãm tranh)... điều đáng nói là các tác phẩm của họ đều có dấu ấn của bản sắc Việt Nam một cách rõ rệt. Họ giống như một mảnh ghép trong bức tranh puzzle văn hóa muôn màu của nước Pháp nhưng đồng thời cũng như một sứ giả cho phần bản sắc Việt Nam ở một nơi xa quê hương hơn 10 nghìn km.

Sẽ có vẻ phù vinh khi nói rằng những người nghệ sĩ gốc Việt tại Pháp là một phần quan trọng giúp tạo nên sức mạnh cộng đồng nghệ thuật Việt Nam. Tuy thế, nhìn vào thực tế, nhiều tác phẩm, công trình của họ được công bố tại Pháp đều có phần chất liệu từ văn hóa Việt. Từ điểm mấu chốt này, nếu tạo được sự kết nối hợp lý thì bức tranh của văn hóa và bản sắc Việt Nam trên thế giới càng thêm phần giàu có.

Văn hóa với tất cả sức mạnh mềm của nó, sẽ là một phần quý giá để tạo nên sức ảnh hưởng cho thương hiệu của một quốc gia.

Dù quốc tịch có thể không phải là Việt Nam nhưng bản sắc là phần khó giấu, thậm chí là thế mạnh để tạo sự khác biệt, sẽ là sức lan tỏa mềm mại và bền vững.

Hom Nguyễn nói: Tôi sinh ra ở Pháp, quốc tịch Pháp, nhưng tôi luôn yêu và tự hào tôi là người Việt. Như vậy phải chăng chính họ là những “đại sứ” không sắc phong cho cái được gọi là bản sắc Việt Nam trên thế giới.