Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Trong tuần này, một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) triển khai nền kinh tế tuần hoàn đã chính thức được khởi động, đánh dấu bằng Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai sáng kiến “Không xả thải vào thiên nhiên” giữa Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI), Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (UVN), Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (CCBVL), Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam (Dow).

Tuy còn mới mẻ với Việt Nam nhưng khái niệm kinh tế tuần hoàn đã được các nền kinh tế thế giới triển khai trong những năm gần đây. Nói một cách hình ảnh, thế giới đang chứng kiến sự dịch chuyển từ nền kinh tế tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn, nơi chất thải - thay vì bị vứt bỏ, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường - sẽ được “hồi sinh” dưới dạng các nguồn lực khác nhau và một lần nữa tham gia vào quá trình sản xuất và sử dụng. Theo đó, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro về khan hiếm các nguồn lực trong tương lai, giải quyết các vấn đề môi trường cũng như mở ra cơ hội tăng trưởng GDP trị giá 4,5 nghìn tỷ USD đến năm 2030.

Để tuân thủ “Không xả thải vào thiên nhiên”, các DN sẽ phải giải quyết các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa; xây dựng lộ trình để hình thành và thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững; phát triển chuỗi giá trị theo định hướng kinh tế tuần hoàn cũng như kiến nghị chính sách để tạo điều kiện cho việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Chẳng hạn như, trong giai đoạn đầu thực hiện mục tiêu này, Coca-Cola sẽ xây dựng thí điểm các hệ thống thu thập và phân loại chai nhựa tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý rác nhựa. Bên cạnh đó là hàng loạt các hoạt động như nghiên cứu, truyền thông tăng cường nhận thức trong xã hội nói chung và cộng đồng DN nói riêng về nền kinh tế tuần hoàn, nhằm nâng cao năng lực và cung cấp các giải pháp kỹ thuật cho khối DN trong ngành nhựa. Sáng kiến này sẽ được triển khai trong vòng 5 năm, thí điểm tại TP Hồ Chí Minh, sau đó sẽ tiếp tục được nhân rộng tại các đô thị lớn trên toàn quốc.

Những DN tiên phong này đều có tiềm lực về vốn, có yếu tố đầu tư nước ngoài, nhưng bao giờ số đông DN Việt quan tâm và triển khai kinh tế tuần hoàn? Câu hỏi này không dễ giải. Nhưng có thể hy vọng, những khuyến nghị mà Chương trình này đưa ra sẽ là cơ sở để xây dựng chính sách giúp tạo điều kiện tạo nên thị trường nguyên vật liệu thứ cấp; giới thiệu những thông lệ tốt của các DN trên thế giới đến cộng đồng DN trong nước và hỗ trợ triển khai những sáng kiến dựa trên mô hình hợp tác công - tư. Từ đó, sự tham gia của DN trong việc xây dựng một nền kinh tế phi phát thải được mở rộng hơn và giúp hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của nước nhà.