Dựng ăng-ten "đón sóng"

Kết quả điều tra lao động, việc làm quý III/2021 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tiếp tục phản ánh sắc xám lan rộng trên bức tranh thị trường lao động. Tính riêng trong quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

So với quý trước, số lao động chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 trong quý III tăng thêm 15,4 triệu người. Hầu hết những người bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động, từ 25 đến 54 tuổi, chiếm 73,3% tổng số lao động chịu ảnh hưởng. Trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, chiếm 51,1%; 12,0 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 42,7% và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 67,2%. Mất việc làm, nghỉ giãn việc dẫn đến hệ quả là miếng cơm, manh áo của người lao động bị ảnh hưởng. Thu nhập bình quân tháng của lao động quý III/2021 là 5,2 triệu đồng, giảm 877 nghìn đồng so quý trước và giảm 603 nghìn đồng so cùng kỳ năm trước.

Những con số thống kê cho thấy, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của người lao động, nhất là lao động không có giao kết hợp đồng, lao động tự do, công nhân ở các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp du lịch. So với quý II năm trước, quý đã từng chứng kiến mức thu nhập bình quân tưởng như "bắt đáy" do thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16, mức thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý III năm nay thậm chí còn thấp hơn nhiều (thấp hơn 329 nghìn đồng). Ðây là mức thu nhập thấp nhất được ghi nhận trong nhiều năm trở lại đây.

Ðể không có thêm kỷ lục buồn, cần phải mở rộng tối đa cơ hội tiếp cận việc làm cho người lao động, đó cũng là điều kiện cần để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Muốn vậy, ngoài chiến lược tiêm vaccine diện rộng, còn cần tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch. Ði đôi với xây dựng và thực hiện các chính sách khuyến khích người lao động, đặc biệt là thanh niên tích cực học tập nâng cao trình độ để có các kỹ năng cần thiết, đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Theo Phó Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Trung Tiến, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các địa phương thiết lập các kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động về chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách hỗ trợ lao động và thu hút lao động, các kế hoạch về xét nghiệm, kiểm soát bệnh dịch của địa phương để họ xây dựng và thực hiện các kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất.

Sự hỗ trợ là không thể thiếu, nhưng tự thân doanh nghiệp cũng phải tìm cách cứu mình khỏi nguy cơ thiếu hụt lao động, đình đốn sản xuất. Người lao động dù có về quê cũng vẫn phải đối diện vấn đề sinh kế. Vậy nên, nếu như có một ngày nhiều người lao động dựng "ăng-ten" để "đón sóng" việc làm thành công, là khi ấy nền kinh tế có cơ hội phục hồi tốt nhất.