Cẩn trọng trước một thị trường bùng nổ

Sự bứt phá của thị trường chứng khoán Việt Nam từ quý II/2020 đến nay không nằm ngoài xu thế các thị trường vốn trên thế giới. Tuy nhiên, để thị trường vận hành lành mạnh, sẽ cần đến sự vào cuộc của cơ quan quản lý thị trường trước những dấu hiệu thao túng giá chứng khoán.

Nhà đầu tư theo dõi thị trường chứng khoán. Ảnh: Dũng Minh
Nhà đầu tư theo dõi thị trường chứng khoán. Ảnh: Dũng Minh

Sự trỗi dậy của dòng tiền nội

Thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ dựa trên nền tảng dòng tiền chảy vào kênh đầu tư này gia tăng mạnh mẽ trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm xuống mức thấp và các kênh đầu tư khác khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đáng chú ý, dòng tiền nội trỗi dậy mạnh mẽ, không chỉ hấp thụ hết lượng cổ phiếu của khối ngoại bán ròng hơn một năm qua mà còn đưa chứng khoán lập đỉnh mới về thanh khoản khi có phiên giao dịch trong tháng 11, thanh khoản của ba sàn đạt 2 tỷ cổ phiếu, tương ứng 2-2,5 tỷ USD...

Như vậy, thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều phiên vươn lên ngang bằng thị trường chứng khoán Thái Lan, thị trường vốn có giá trị giao dịch đạt cao nhất khu vực Đông Nam Á. Về điểm số, VN-Index đã gần tiệm cận mốc 1.500 điểm, mức cao nhất kể từ khi vận hành thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay.

So hồi đầu năm nay, nhiều mã cổ phiếu đã tăng gấp hai đến ba lần, cá biệt tăng gấp năm đến sáu lần. Hiển nhiên, mặt bằng giá chứng khoán đã thiết lập mức mới. Dữ liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán cho thấy, lượng tiền mặt của các nhà đầu tư cuối quý II/2021 là hơn 70 nghìn tỷ đồng, cuối quý III/2021 tăng lên hơn 90 nghìn tỷ đồng, gấp gần ba lần giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên ba sàn giao dịch. Như vậy, dòng tiền cũ về cơ bản vẫn đang ở trong thị trường chứng khoán, trong khi dòng tiền mới cũng như lượng tiền chờ đợi thị trường điều chỉnh để mua vào rất tiềm năng. Có thể thấy, triển vọng và thanh khoản thị trường nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao, ít nhất cho đến cuối năm 2021!

Diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán đã tạo nền tảng tốt cho chức năng kênh dẫn vốn. Số lượng doanh nghiệp triển khai tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu tiếp tục tăng mạnh trong nửa cuối năm 2021, tranh thủ diễn biến thuận lợi của thị trường.

Thao túng giá và làn sóng cổ phiếu "rác"

Theo ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), xu hướng nhà đầu tư quan tâm và bỏ vốn vào kênh chứng khoán sẽ ngày càng phổ biến. Hiện số tài khoản nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam đạt 3,48%, trong khi Thái Lan đạt 6,69%, Trung Quốc đạt 20,48%, Hàn Quốc đạt 73,88%. Sự thay đổi về lượng sẽ dẫn tới sự thay đổi về chất. Nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán và giao dịch đã có mức độ chất xám cao hơn trước đây rất nhiều.

Song, với sự phát triển quá nóng của thị trường chứng khoán gần đây cũng bắt đầu bộc lộ những vấn đề cần chấn chỉnh kịp thời. Đó là những giao dịch được cho là bất thường tại nhiều mã cổ phiếu, như nhiều doanh nghiệp làm ăn bê bết, có vấn đề về quản trị công ty, cổ phiếu trong diện bị cảnh báo, nhưng thị giá cổ phiếu lại tăng chóng mặt, kéo theo nhiều nhà đầu tư tham gia mua bán cổ phiếu.

Việc giá nhiều cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian ngắn có nhiều nguyên nhân, đến từ các "game" như mua bán và sáp nhập (M&A), thoái vốn giá cao, ban lãnh đạo và cổ đông lớn "thay máu", tạo ra những kỳ vọng lớn vào sự phát triển trong tương lai của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thời gian qua có một lý do được nhiều nhà đầu tư nhắc tới là tình trạng thao túng giá chứng khoán. Bởi những cổ phiếu bị thao túng thường có giai đoạn tăng dựng đứng trong khi kết quả kinh doanh bết bát, không có cơ sở nào về triển vọng doanh nghiệp trong tương lai. Giá cổ phiếu tăng mạnh kéo dài khiến nhiều nhà đầu tư đổ xô mua vào, để rồi họ bị "úp sọt", không thể thoát ra khi giá cổ phiếu đổ đèo không phanh và "đội lái" đã rút hàng, điển hình như nhóm cổ phiếu "họ Louis" thời gian qua, gần đây là rất nhiều mã cổ phiếu "rác" theo cách gọi của nhiều nhà đầu tư.

Phương thức kiếm tiền này đơn giản, nhanh và hiệu quả hơn cả trăm lần mà các doanh nghiệp đang phải vật vã sản xuất. Tuy nhiên, nó khiến một bộ phận các nhà đầu tư phải trả giá quá đắt và mất niềm tin vào thị trường chứng khoán, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp niêm yết chân chính khác ở trên sàn. Nguy hiểm hơn, còn tạo ra trào lưu, lôi kéo các doanh nghiệp khác tham gia vào trò chơi tài chính như vậy, bất chấp để lại hậu quả tiêu cực lâu dài đối với thị trường. "Hiện tượng các cổ đông lớn ở nhiều doanh nghiệp tính bài kiếm chác từ thị trường có dấu hiệu nở rộ thời gian qua, phong trào này càng lên thì thị trường sẽ bị ảnh hưởng", ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ SGI phân tích.

Một nhà đầu tư có kinh nghiệm 15 năm trên thị trường chứng khoán cho rằng, thời gian hai tháng gần đây làn sóng cổ phiếu "rác" thời kỳ 2007-2008 và 2013-2014 đang quay trở lại, đây là hiệu ứng của các "đội lái" tạo ra và lôi kéo dòng tiền thị trường, hút tiền vào nhóm cổ phiếu đầu cơ. Điều này rất nguy hiểm, tương tự sau "cơn bão" giá vàng ngày 2/9/2009, có khoảng hơn 1 triệu nhà đầu tư đã mất trắng toàn bộ tài sản, kéo theo đó rất nhiều người lâm vào cảnh vỡ nợ trắng tay.

Nhiều cổ phiếu tăng năm đến bảy lần, vốn hóa công ty lên cả nghìn tỷ, trong khi công ty không có gì. Những doanh nghiệp này đang hút tiền đầu cơ, song cổ phiếu nhóm này sớm muộn cũng lại sụt giảm về giá trị thật, gây hệ lụy cho nhiều nhà đầu tư, nhất là những người mới tham gia. Thực tế này đang cần được cơ quan quản lý thị trường là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào cuộc mạnh mẽ, giám sát các giao dịch bất thường, thanh, kiểm tra để góp phần đưa thị trường vận hành lành mạnh, bền vững.

Ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ SGI

Cần tạo thêm nhiều hàng chất lượng cao

Các cơ quan quản lý thị trường cần quan tâm cho phép áp dụng các giải pháp kỹ thuật giúp thị trường chứng khoán giao dịch thuận lợi hơn: như T0, phát triển thị trường phái sinh, bảo đảm sự ổn định hệ thống giao dịch. Bên cạnh đó, nên có chính sách cởi mở và hỗ trợ với ngành quản lý quỹ như cho phép thành lập Hedge Fund (quỹ phòng hộ), giảm thuế cho phần lợi tức nhà đầu tư thu được từ Quỹ (đặc biệt là quỹ hưu trí). Điều này sẽ giúp nhà đầu tư không chuyên có thêm lựa chọn cũng như tăng sự ổn định, hiệu quả cho chức năng phân bổ vốn của thị trường chứng khoán.