Câu chuyện Sân cỏ

Chuyện của mùa hè...

Năm 2022 là năm có World Cup nhưng khi nó diễn ra vào cuối năm, thì mùa hè lại là giai đoạn bóng đá trở nên hiu hắt. Và điều đó đồng nghĩa với vòng quay sinh học của cầu thủ sẽ phải thay đổi. Vậy, mùa hè thi đấu và mùa hè được nghỉ khác nhau ra sao?
0:00 / 0:00
0:00
"Ro béo" chấn thương liên tục ở đoạn cuối sự nghiệp.
"Ro béo" chấn thương liên tục ở đoạn cuối sự nghiệp.

1. Trên lý thuyết, cầu thủ chuyên nghiệp có lượng vận động đều đặn trong cả năm. Nhưng mỗi giai đoạn sẽ có "thực đơn" khác nhau. Và một năm được phân ra ba giai đoạn tập luyện: trước, trong và sau mùa giải. Khi mức độ chuyên nghiệp ngày càng được nâng cao, những cuộc chạy đua ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Mật độ những giải đấu dày hơn, lịch thi đấu chằng chịt hơn, việc chuẩn bị thể chất của cầu thủ được coi là yếu tố quyết định đến mọi cuộc chơi. Thậm chí, sự chuẩn bị ấy còn phải nghiêm túc hơn, chính xác hơn và trên thực tế, giai đoạn tháng 7 là thời gian được nghỉ, nhưng nó không phải là lúc cầu thủ thật sự được nghỉ ngơi.

Cách đây gần hai thập kỷ, câu chuyện về Javier Janetti đã trở thành một nỗi sợ hãi với những... "người thường". Đó là giai đoạn nghỉ hè, Janetti đi nghỉ mát cùng gia đình nhưng hằng ngày huyền thoại của Inter vẫn tập luyện như hành xác trên bãi biển, với cường độ, sự đều đặn và nghiêm túc đúng theo giáo án bình thường. Những hình ảnh đó nói lên sự chuyên nghiệp của cầu thủ, một thói quen tốt để duy trì thể trạng. Nhưng về khoa học thì nó lại là sự nguy hiểm.

Tony Strudwich, một trợ lý HLV và là nhà phân tích dữ liệu hiệu suất tại Man Utd trong giai đoạn cuối kỷ nguyên Sir Alex Ferguson cho biết, một CLB thường chi hàng chục triệu euro mỗi năm dành cho hệ thống tập luyện. Và hệ thống đó vận hành ngay cả khi cầu thủ đi nghỉ, không tham gia huấn luyện trực tiếp. Khi không thể kiểm soát hằng ngày, quy trình rất dễ bị đứt gãy bởi họ có thể nhận được báo cáo về chế độ hằng ngày của cầu thủ, nhưng nắm bắt những việc riêng tư cá nhân là điều không thể.

2. Theo nghiên cứu của Strudwich, cầu thủ cần có ít nhất hai tuần trong mùa hè hoàn toàn nghỉ ngơi, thư giãn cơ thể và sau đó tiếp tục tập luyện theo cường độ tăng dần để trước khi bước vào giải có được sự cân bằng tốt nhất. Nhưng điều đó có lẽ hơi xa xỉ trong giai đoạn bóng đá đang "cuống cuồng" như hiện tại. Có những người tự cho phép mình thư giãn hoàn toàn, nhưng khả năng phát phì là cực cao. Nhiều người chỉ sau ba tuần nghỉ hè là thể trạng đã thay đổi. Như Rooney, năm 2011, sau hai tuần nghỉ dưỡng, anh phải giảm 7 kg khi trở về. Muốn không gặp khó khăn trong giai đoạn "hậu nghỉ dưỡng" và duy trì được thể trạng, thời điểm này cầu thủ sẽ phải chạy đua từng ngày và gần như không có thời gian xả hơi đúng nghĩa. Và câu chuyện về thể trạng của Erling Haaland sẽ là minh chứng cho một thời kỳ mà cầu thủ sẽ phải đối mặt với mặt trái của sự chuyên nghiệp quá mức.

Nhiều chuyên gia đã cho rằng, Haaland đang mất kiểm soát cơ thể. Thể trạng to lớn, sức mạnh khủng khiếp và khả năng càn lướt đáng sợ là thứ mà Haaland sở hữu, nhưng nó có thật sự phù hợp, cân bằng hay không lại là chuyện khác. Hình ảnh của Haaland bây giờ là thân hình to lớn, đôi sải tay dài, lướt đi với tốc độ ghê gớm vốn thường không tương thích với một cơ thể đồ sộ. Những gì Haaland đang có khá giống với hình ảnh Ronaldo de Lima sở hữu cách đây 25 năm. Khi đó, Ronaldo đã định nghĩa lý tưởng về hình thể của một siêu tiền đạo. Khéo léo nhưng phải tốc độ, càn lướt, nhưng bên cạnh đó, Ro béo cũng cho thấy một điều vào cuối sự nghiệp: một động cơ siêu hạng phải được lắp đặt ở một chiếc xe được chế tạo phù hợp, đặc biệt. Rồi, Ro béo chấn thương liên tục, cơ thể như tan vỡ vì nó phải chịu sức nặng từ những pha di chuyển "siêu âm".

Cơ thể của Haaland giờ còn "hên xui" hơn khi nó đang bị mất kiểm soát. Năm 6 tuổi, Haaland lập kỷ lục thể giới hạng mục bật nhảy tại chỗ. Đến khi khoác áo Dortmund, trong trận gặp PSG tại Champions League, Haaland áp sát kỷ lục chạy nhanh nhất thế giới ở khoảng cách 60 m với thành tích 6 giây 64 (kỷ lục thể giới: 6 giây 34). Gbrielsen, đồng đội của Haaland thời còn ở Molde nói rằng: sau một lần chấn thương, cậu ấy nghỉ hai tuần và trở lại là một con người khác, khủng khiếp hơn, to lớn hơn, thật sự là một con quái thú.

Mùa giải năm ngoái, HLV thể lực của Dortmund báo cáo rằng, chỉ trong 15 tháng tập luyện, Haaland tăng 12 kg cơ bắp. Đó là kết quả của hơn một năm tập luyện ròng rã, liên tục ở cường độ cao của một cầu thủ mới 21 tuổi. Việc cảnh báo cơ thể ngày càng nở ra của Haaland được xem là tín hiệu tốt, nhưng chưa chắc nó thật sự đạt hiệu quả vì Haaland vẫn... còn tiếp tục cao lên. Sau hai năm ở Dortmund, anh tăng từ 1m90 lên 1m94. Và cơ thể với Haaland như một ngôi đền, luôn được bảo vệ, chăm sóc và tô điểm hằng ngày.

Ngay trong giai đoạn nghỉ hè, Haaland cũng vẫn duy trì nếp sinh hoạt, tập luyện bình thường, vẫn phải đeo kính lọc ánh sáng xanh của ti-vi, điện thoại di động, vẫn áp dụng chế độ ăn kiêng sinh học y hệt C.Ronaldo, vẫn dậy sớm thiền định... Mùa giải năm ngoái, Haaland chấn thương liên tục ba lần, kéo dài tổng cộng gần bốn tháng. Và trước khi chuyển đến Man City, nhiều ý kiến cho rằng, những chấn thương của Haaland trong năm nay sẽ là điều nguy hiểm ảnh hưởng đến phong độ của anh trong mầu áo mới. Sự nguy hiểm ấy đến từ việc tập luyện không ngừng nghỉ, kể cả là mùa hè, bên cạnh đó là khả năng kiểm soát cơ thể.

3. Mỗi cầu thủ sẽ có một kế hoạch phù hợp và họ có thể có sự thoải mái nhất trong giai đoạn nghỉ hè. Bởi lẽ, trong 42 tuần thi đấu, họ đã tuân theo một quy chuẩn cố định, phá vỡ nó trong quãng thời gian còn lại để rồi quay lại nếp sinh hoạt cũ là điều không dễ dàng. Chính vì thế, nó tạo ra áp lực, sự quá tải trong giai đoạn bóng đá như một ngành công nghiệp đày ải, khai thác đến tận cùng các cầu thủ. Mùa hè là cứu cánh cho các cầu thủ, nhưng cũng là nguy cơ tiềm ẩn khả năng hủy diệt chính họ.

Chuyện của mùa hè... ảnh 1
Trong giai đoạn nghỉ hè, Haaland vẫn duy trì nếp tập luyện bình thường. Ảnh trong bài | GETTY