Chuyện chiếc cốc bia ở Ðức

Mùa giải mới của châu Âu đã bắt đầu và ở đó, sự sôi động, cuồng nhiệt cùng bầu không khí đầy mê hoặc tràn ngập khắp nơi. Tôi có mặt tại Đức, hòa mình vào cuộc sống bóng đá ở đây. Và đặc biệt hơn khi đó là trận Siêu cúp Đức, trận đấu mở màn mùa giải của Bundesliga.
0:00 / 0:00
0:00
Sân vận động Red Bull Arena.
Sân vận động Red Bull Arena.

1 Khi đặt chân tới Đức, điều đầu tiên tôi làm là tìm kiếm vé để vào sân Red Bull Arena để xem trận Siêu cúp Đức, trận đấu được coi là kinh điển mới của bóng đá Đức giữa RB Leipzig và Bayern Munich. Vẫn biết để có vé xem một trận đấu lớn như vậy không dễ và giá cũng không hề rẻ, nhưng nhờ sự hỗ trợ của các cổ động viên (CĐV), tôi đã có tấm vé vào sân với giá đúng số tiền in trên vé, gần 40 euro(gần 1 triệu đồng).

Tại Đức, giá vé vào sân của các câu lạc bộ (CLB) thuộc loại rẻ nhất châu Âu, bởi với họ, các CLB không phải các doanh nghiệp kinh doanh như các CLB ở Anh, mà các đội bóng thuộc quyền sở hữu công, có nghĩa vụ phục vụ cộng đồng.

Vì vậy, giá vé cũng rất thấp và điều đó thu hút khán giả đến sân, tạo thành nét văn hóa cổ vũ bóng đá đặc trưng tại Đức, với các sân vận động (SVĐ) phủ kín khán giả ở mọi trận đấu, trung bình tỷ lệ 98% CĐV đến các SVĐ mỗi trận.

Khi thu hút được khán giả, nhiệm vụ tiếp theo của đội bóng là phục vụ. Khi tôi đến sân trước giờ thi đấu khoảng 1 tiếng rưỡi, các CĐV đã kéo đến đông nghịt, nhưng không hề tắc đường và khuôn viên sân thật sự sôi động với âm nhạc, bia, những màu sắc trang phục cờ quạt và sự thân thiện của các CĐV. Không thấy cảnh sát.

Không có sự kiểm soát gắt gao như trong tưởng tượng. Mọi thứ thoải mái, tự nhiên đến bất ngờ. Khi đến cửa kiểm soát để vào sân, dù có tới gần 50.000 CĐV, nhưng sự tổ chức cực kỳ chỉn chu, nhanh gọn. Trước khi quét vé điện tử để vào trong, bảo vệ sẽ hỏi một câu như nghi thức bắt buộc: Bạn là CĐV của đội nào? Nếu là CĐV của đội khách, bạn sẽ được chỉ đến khu vực gồm 5 cửa đặc biệt nằm riêng ở một góc dẫn lên khu khán đài dành riêng. Tất cả những vật nguy hiểm, hoặc chai nước đều phải bỏ lại. Dù không được mang gì vào sân, nhưng phía trong không làm bạn thất vọng...

Chuyện chiếc cốc bia ở Ðức ảnh 1
Ảnh trong bài: Getty

2 Tìm tới cửa và số ghế ghi trong vé, tôi cảm thấy thú vị và ngỡ ngàng khi các quầy hàng lưu niệm được trang trí quanh các cửa dẫn vào trong sân. Họ có tất cả mọi thứ và giá cả cũng thấp hơn 30% so với giá các mặt hàng tương tự ở Anh. Và điều khiến tôi tò mò nhất là bia và cách phục vụ trong sân của các cantine phục vụ một lúc tới 50.000 người.

Là nơi cho phép các CĐV uống bia thoải mái như một nét đặc trưng của nước Đức, Red Bull Arena cũng phục vụ bia với giá hơn 3 euro một cốc 350ml, tức là còn rẻ hơn cả bạn mua một cốc bia trong một nhà hàng bình dân. Điều hay ho nằm ở chiếc cốc và cách thanh toán. Những chiếc cốc nhựa được thiết kế để có thể giúp CĐV mua mang về chỗ ngồi tới 20 cốc bia đầy một lúc. Dù chỉ là cốc nhựa, nhưng đó chính là một vật kỷ niệm, khi nó được thiết kế hình ảnh dành riêng cho trận đấu Siêu cúp Đức.

Khi CĐV mua một cốc bia, họ sẽ thanh toán bằng thẻ chứ không thể trả bằng tiền mặt nhằm tránh mất thời gian. Khi quẹt thẻ trả tiền, mỗi CĐV lấy được bia sẽ mất đúng 10 giây, tốn thời gian vẫn chỉ là lúc xếp hàng. Nhưng nếu tính trung bình thời gian xếp hàng cũng không quá 5 phút mỗi người.

Khi trả tiền bia, máy sẽ tự động trừ thêm 1 euro tiền cốc, sau khi uống xong, họ có thể cầm chiếc cốc đó đi mua thêm bia với giá niêm yết, không mất thêm tiền cốc. Nhưng sau khi trận đấu kết thúc, hoặc không còn nhu cầu uống nữa, CĐV có thể cầm cốc về làm kỷ niệm hoặc quay lại quầy trả cốc, lại quẹt thẻ và lập tức được trả lại 1 euro tiền cốc.

Khâu tổ chức một trận đấu đỉnh cao của bóng đá Đức được thực hiện chuyên nghiệp theo những bước đồng bộ, trôi chảy và cực kỳ chi tiết. Họ tính toán kỹ lưỡng đến mức, việc sản xuất chiếc cốc uống bia cũng có sự tỉ mỉ. Chiếc cốc đơn giản ấy có những công năng để sử dụng hiệu quả nhất, một người có thể mua nhiều cốc cầm đi mà không cần khay đựng.

Và điều đặc biệt là khi sản xuất, người ta tính toán cả việc các CĐV khi cuồng nhiệt sẽ ném chúng xuống sân. Nó đủ nặng, chắc chắn để uống bia, nhưng nếu một ai đó cố ý ném nó xuống sân thì chiếc cốc ấy cũng không thể bay tới sát vạch biên sân cỏ.

Chỉ những chi tiết ấy thôi cũng đủ thấy, việc tổ chức một trận đấu bóng đá ở Đức không chỉ là việc sắp xếp các chi tiết trên sân như quảng cáo, các yếu tố chuyên môn, tổ chức CĐV, mà còn là những thứ không ai tưởng tượng được, như chiếc cốc uống bia.

3 Khi vào sân ổn định chỗ ngồi, tôi mới thấy, các CĐV Bayern Munich, là đội khách, được ngồi riêng trong khu khán đài được quây kín bằng hai lớp rào. Hai lớp rào đó bảo đảm sự an toàn cho CĐV hai bên, mặc dù vẫn có những CĐV Bayern ngồi lẫn trong rừng khán giả của chủ nhà.

Trước khi trận đấu bắt đầu, CĐV Bayern giăng biểu ngữ tục tĩu nhắm vào chủ nhà RB Leipzig, nhưng chỉ vài phút sau nó đã biến mất khi an ninh yêu cầu gỡ bỏ. Không khí thật sự điên cuồng khi CĐV hai bên đối đáp nhau bằng những lời bài hát, thậm chí những sự công kích giễu cợt nhau. Nhưng tuyệt đối, không có bất cứ thứ gì bị ném sang khu vực của nhau hay xuống sân. Và những chiếc cốc uống bia vẫn nằm nguyên trên tay của họ, nằm dưới ghế hay mắc trên ghế của người ngồi trước.

Rồi sau khi trận đấu kết thúc, các khán đài sạch trơn, không có rác và những chiếc cốc như... chưa hề xuất hiện. Nó được đem trả lại hoặc được mang về như một món đồ kỷ niệm. Mọi thứ diễn ra như một nét văn hóa cổ vũ bóng đá ở Đức, dù là bất kỳ CLB nào, kể cả những đội bóng nhỏ.