Một con bạc sát ván
M.C.Đê-vit ra đời ngày 18-10-1944, tại thành phố Đu-glat, tiểu bang Ca-li-pho-ni-a (Mỹ). Khi đang tuổi ăn tuổi lớn thì người cha đột ngột qua đời, cậu phải cáng đáng cả một gia đình có bốn miệng ăn, làm không từ một nghề gì, miễn là kiếm ra tiền để có thể nuôi sống người mẹ và hai cô em gái. Đây là con người từng khét tiếng “con bạc sát ván” trong giới chơi bài tây. Khi đến tuổi “tri thiên mệnh”, M.C.Đê-vit đã có thời gian dài trải nghiệm qua các nghề: lái xe tải hàng, xe đầm mặt đường, kinh doanh sòng bạc, sau khi nhận bằng luật sư của trường Xâm-pho (Samford Law School, 1973) chuyển sang làm tư vấn luật pháp và buôn bán bất động sản. Mỗi ngạch kinh doanh đều mang lại lợi nhuận chẳng ít thì nhiều, và chàng trai mồ côi cha đã trở nên người thành đạt: tài sản tích cóp được trên trăm triệu USD, cùng cô Xtên-la (Stella Riley) - chính là bạn học cũ - sớm thành vợ thành chồng năm 1963 và nuôi dạy ba cô con gái… Vào một ngày… xấu trời, mưa rơi tầm tã, M.C.Đê-vit một mình lái xe đi giải quyết công việc thì bị sa lầy. Luôn miệng làu bàu bực dọc, ông mở cửa xe chui ra, đội mưa đi tìm quanh xem có người nào để nhờ giúp đỡ. Bì bõm được một quãng, ông thấy một chiếc lán có gắn tấm biển ghi dòng chữ “Trạm Gấu Đen”. Lặng lẽ đến thật gần, ông biết bên trong lán có hai người phụ nữ đang rủ rỉ trò chuyện với một nhóm người. Dỏng tai trong tiếng mưa rơi không ngớt, ông nghe được câu chuyện của họ đề cập đến một thực trạng đang diễn ra tại tiểu bang Phlo-ri-đa: thiên nhiên đã bị tàn sát không thương tiếc, loài gấu đen hầu như bị tuyệt diệt, cho nên con người bây giờ cần phải cứu lấy rừng và những loài vật sống trong rừng. Câu chuyện trong lán nhỏ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong ông - một kẻ chỉ là người “nghe hóng”. Hóa ra, tại chính miền đất này ngày xưa đã từng có loài gấu đen sinh sống trong những khu rừng tươi tốt, vậy mà mình có biết đâu!
Trồng tám triệu cây xanh
Từ bấy trở đi, trong tâm trí M.C.Đê-vit nảy sinh một niềm đam mê mãnh liệt không kém “máu đỏ đen” hoặc máu kinh doanh một thời. Ông tìm đọc vô số sách báo chuyên viết về thiên nhiên, về chuyên môn của ngành lâm nghiệp và nghiền ngẫm kế hoạch cho tương lai. Rồi ông đi tới quyết định tung tiền để dần dần thu gom đất đai ở Phlo-ri-đa, phương thức chủ yếu là mua lại mặt bằng của những công ty khai thác và chế biến gỗ.
Vốn là, gần một trăm năm về trước, những công ty đó không khác gì những tay “đao phủ rừng xanh”: trên diện tích khoảng 10 triệu hec-ta ở tiểu bang Phlo-ri-đa bạt ngàn những cánh rừng thông đặc chủng mọc ở vùng đầm lầy, nhưng từ những năm 1930 rừng đã trơ đất, cây bị đốn, bị cưa sạch để lấy gỗ cung cấp cho các công trường xây dựng. Vốn liếng ông có đủ để mua về 21 nghìn 500 hec-ta đất tại quận Uôn-tơn (Walton), ở vùng tây bắc tiểu bang Phlo-ri-đa, tổng cộng phải chi vào đó không dưới 90 triệu USD. Năm 2005, ông cùng cộng sự còn mày mò tìm được đúng giống thông đầm lầy từng sống tại đây và nhân ra thành tám triệu cây giống để trồng mới.
Ông M.C.Đê-vit gọi đây là “Dự án Nokuse”. Kể cũng nên biết: trong ngôn ngữ của một bộ tộc da đỏ bản xứ Phlo-ri-đa, từ “nokuse” có nghĩa “gấu đen”. Từ đấy, gia đình ông đã hình thành cả một khu đồn điền mênh mông và chuyển hẳn sang nghề gây rừng, trồng chính loài cây thông đầm lầy bản địa.
Rừng cây lớn lên, chim chóc muông thú dần dần tụ về, đến nay, trong cơ ngơi của M.C.Đê-vit đã thấy có cả một số loài quý hiếm như chim ưng, chim ó, linh miêu, cầy cáo, gấu mèo, thú có mai sừng ta-tu, v.v. Cả một miền “trơ thổ địa” ngày nào, được gia đình ông chăm bẵm vun trồng, qua hai chục năm đã trở thành khu rừng cấm tư nhân lớn có một không hai ở Hợp chúng quốc!
Kỳ vọng 300 năm
Tự lượng sức mình, ông M. C. Đê-vit tâm sự: “Tôi làm sao có thể thay đổi được những con người đã cứng tuổi, vậy thì bây giờ, hãy đưa các cháu học sinh lớp bốn đến với tôi”. Và ông muốn biến khu rừng cấm của mình thành trung tâm giáo dục bảo vệ môi trường sinh thái, có thể thường xuyên đón hàng nghìn thiếu nhi học sinh vùng Phlo-ri-đa đến tham quan, cắm trại và nghe diễn thuyết theo chủ đề yêu quý thiên nhiên. Dự án “Gấu Đen” của gia đình ông được triển khai một cách cơ chỉ mà không cầu lợi trước mắt, ông thẳng thắn trình bày đường đi nước bước của mình với các cộng sự và nói rõ: đây là công việc rất là dài hạn, thành quả chỉ đến sau 300 năm. Song le, đời người ngắn chỉ tày gang…
Hồi mùa thu năm 2014, ông M. C. Đê-vit nhận một phán quyết như trời giáng - ấy là khi biết bác sĩ kết luận mình bị ung thư phổi đã vào giai đoạn 4. Nhưng ông tỏ ra bình thản: “Âu đó cũng là lẽ tự nhiên”. Chống chọi với đau đớn bệnh tật đến ngày 11-7-2015, sự sống trong ông đã tắt lịm. Bà Giuy-li Hau-xơ-mân (Julie Hauserman) một nhà báo – nhà văn từng lọt vào chung khảo giải Pu-lit-dơ 1991, từng cho đăng loạt bài cổ xúy Dự án “Gấu Đen” trên tạp chí Times và có bảy năm làm cố vấn cho M.C.Đê-vit đã phải thảng thốt viết về người chung ý chí với mình: “ M.C.Đê-vit với Dự án Gấu Đen có lẽ thuộc về số người có ảnh hưởng lớn đến mức chúng ta chưa bao giờ thấy”. Đưa tiễn chủ nhân rừng cấm “Gấu Đen” sang thế giới khác, vợ, con, cháu chắt và các bạn bè cộng sự cùng hạ một lời nguyền: tiếp tục đưa ý tưởng và sự nghiệp của ông thành hiện thực trong cuộc sống của cộng đồng nhân loại!