Chủ động đối phó với dịch bệnh mùa hè

Tình trạng dịch bệnh đe dọa cộng đồng vào mùa hè luôn là vấn đề nan giải ở xứ nhiệt đới, bởi tính chất nắng lắm mưa nhiều là yếu tố thuận lợi để virus, vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Sau thời gian trải qua đại dịch, sức đề kháng trong cộng đồng có phần suy giảm. Tình trạng lỏng lẻo trong công tác tiêm chủng mấy năm đại dịch khiến cho hệ miễn dịch cộng đồng, đặc biệt là trẻ nhỏ, trở nên yếu ớt. Bên cạnh đó, nắng nóng, nhu cầu điện tăng cao, ngành điện không đáp ứng đủ khiến chất lượng cuộc sống gặp nhiều khó khăn, ăn ngủ sinh hoạt ảnh hưởng xấu đến sức khỏe... những yếu tố đó khiến cộng đồng đối diện với nhiều nguy cơ nhiễm dịch bệnh hơn trong mùa hè này.
0:00 / 0:00
0:00
Tiêm chủng luôn là biện pháp hữu hiệu để chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: HM
Tiêm chủng luôn là biện pháp hữu hiệu để chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: HM

Nguy cơ rình rập

Ngày 1/6 vừa rồi, bé Thành Nam, 7 tuổi, được mẹ đưa từ Bắc Ninh về Hà Nội, thay bằng đi chơi, con phải vào viện Da liễu để khám bệnh. Mẹ của Nam cho biết, con bị thủy đậu đã hơn 1 tuần, đã được khám và uống thuốc ở nhà nhưng không yên tâm vì con vẫn ngứa nhiều, các nốt thủy đậu vẫn chưa lành, đêm ngủ không yên giấc. Chị than phiền, đen đủi dính bệnh đúng đợt cao điểm nắng nóng, thành phố bị cắt điện luân phiên, trẻ con vốn nhiều mồ hôi cho nên càng nóng, ngứa, gãi khiến bố mẹ bé lo lắng nguy cơ bị nhiễm trùng. Chị gái của Nam cũng bị lây nhiễm, mặc dù cả hai đều đã được tiêm chủng đầy đủ từ nhỏ, mẹ bé Nam xót xa than thở.

Năm nay, các nhà chuyên môn cảnh báo, cả thế giới đối diện với El Nino, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề, việc phải đối mặt với thời tiết cực đoan, những đợt nắng nóng dài và liên tục, khó tránh tình trạng thiếu điện, thiếu nước. Chênh lệch nhiệt độ ngoài trời và trong phòng điều hòa dẫn đến các bệnh cảm cúm, vốn khá thường xuyên, phổ biến ở môi trường công sở trở nên nhiều hơn. Mỗi năm thường xuất hiện các chủng virus cảm mới, những biến thể này gây cho hệ miễn dịch của con người gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, bệnh cảm cúm, sốt xuất huyết, thủy đậu, tiêu chảy... xuất hiện ở hầu hết các tỉnh thành, nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh luôn rình rập. Chỉ tính riêng Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp 19 lần so với cùng kỳ năm ngoái, bệnh tay chân miệng cùng kỳ năm ngoái chỉ có 2 ca thì năm nay là 248 ca, thủy đậu từ 11 ca năm nay tăng lên 800 ca. Từ báo cáo của các đơn vị y tế cơ sở, có sự xuất hiện các chùm ca bệnh ở các trường mầm non, tiểu học trên nhiều địa bàn dân cư, chính quyền và cộng đồng dân cư đã có biện pháp khắc phục xử lý.

BSCK II Quách Thị Hà Giang, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: từ đầu tháng 5 đến nay lượng bệnh nhân đến khám và điều trị vì các bệnh về da liên quan đến nắng nóng kéo dài gia tăng đáng kể, ước tính khoảng 20% so với thời gian trước.

Chủ động đối phó với dịch bệnh mùa hè ảnh 1

Cán bộ y tế tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết đến người dân. Ảnh: VGP

Chủ động phòng dịch

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày báo cáo nhấn mạnh, một trong 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp triển khai thời gian tới là tập trung phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác; nâng cao năng lực của hệ thống y tế, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Để chủ động phòng chống các dịch bệnh và kiểm soát sự gia tăng số ca mắc mới, không để xảy ra tử vong, ngày 12/6 vừa qua, Bộ Y tế ra công văn khẩn gửi sở y tế các tỉnh thành, bệnh viện trực thuộc, y tế các bộ ngành về tăng cường công tác điều trị bệnh tay chân miệng. Theo đó, để hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong do bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống trên địa bàn; kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh tay chân miệng...

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đã kịp thời tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng cho các phòng, trạm, trung tâm y tế trên địa bàn. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ, bệnh tay chân miệng vốn dĩ là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, có đặc tính dễ lây lan, đến nay vẫn chưa có vaccine chích ngừa. Năm nay, dịch bệnh tay chân miệng phức tạp hơn mọi năm, bởi tác nhân gây bệnh được xác định là Enterovirus71 (EV71), một týp virus có độc tính rất mạnh khiến bệnh chuyển nặng nhanh. Để hạn chế nguy cơ biến chứng và tử vong, nhân viên y tế cần theo dõi sát, phát hiện sớm dấu hiệu chuyển nặng là cực kỳ quan trọng, tuyệt đối không lơ là chủ quan- Bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Bộ Y tế đề nghị các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới các tỉnh, rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại các đơn vị điều trị bệnh tay chân miệng để tiếp nhận các ca bệnh nặng từ các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh và các tỉnh khác chuyển đến.

Vào mùa nóng, thường gắn với mùa của nhiều loại hoa quả có tính nóng, nhiều đường như vải, mít, xoài, dứa nên ăn hạn chế dễ gây mụn nhọt. Các bậc phụ huynh nhắc con đặc biệt ở tuổi dậy thì, bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý cần vệ sinh da đúng cách - Bác sĩ Quách Thị Hà Giang sau khi khám bệnh và kê đơn thuốc thường dặn dò thêm bệnh nhân như vậy.

Để đẩy lùi dịch bệnh nói chung, các bệnh phổ biến vào mùa hè, then chốt vẫn là đề cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân với cộng đồng. Dịch bệnh sẽ được đẩy lùi nếu cộng đồng tạo dựng và tuân thủ những nguyên tắc một chế độ ăn uống hợp lý, hợp vệ sinh, sinh hoạt lành mạnh, chung tay bảo về môi trường và nguồn nước...