Những bàn tay kết thành Cầu Vồng

7 năm trước, Trần Quý Thu Hà, một du học sinh từ Mỹ về Việt Nam đã lập ra mô hình học tập cho trẻ em nghèo và người yếu thế, lấy tên Lớp học Cầu Vồng. Không ồn ào sôi động, nhưng từ một lớp ban đầu ở khu lao động nghèo ở khu vực bãi giữa sông Hồng (Long Biên, Hà Nội) đến nay gần 20 lớp học được mở, hoạt động linh hoạt và khá hiệu quả. Lớp học Cầu Vồng là thành viên của Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền bắc, thuộc Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Tình nguyện viên Lê Bá Ngọc và các em học sinh Trường tiểu học xã Cán Cấu (Simacai, Lào Cai) Ảnh: Bá Bá
Tình nguyện viên Lê Bá Ngọc và các em học sinh Trường tiểu học xã Cán Cấu (Simacai, Lào Cai) Ảnh: Bá Bá

Hạnh phúc là san sẻ yêu thương...

Tháng 11 luôn là tháng đặc biệt đối với các thành viên Lớp học Cầu Vồng, bởi đó là tháng sinh nhật của lớp. Chỉ tính trong năm nay, lớp học Cầu Vồng với sự chung tay góp sức của 250 tình nguyện viên, đã tổ chức 15 lớp học, mang đến cơ hội học tập cho 500 em nhỏ và người nghèo yếu thế. 700 triệu đồng được quyên góp để tổ chức các hoạt động giảng dạy cùng những sự kiện thiện nguyện như phát lương thực, phát đồ ăn từ thiện, các chương trình ngoại khóa cho các em học sinh và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn...

Anh Lê Bá Ngọc ở TP Hồ Chí Minh sau hai tuần tham gia dạy tiếng Anh cho các em nhỏ Trường Tiểu học xã Cán Cấu (Simacai, Lào Cai), vẫn còn nguyên ký ức đẹp về vùng đất, con người nơi đây. Hai tuần ba cùng với lũ trẻ dân tộc ít người ở Simacai, Lê Bá Ngọc có những trải nghiệm quý giá về cuộc sống và cống hiến cho cộng đồng. Anh chia sẻ, “Tây Bắc trong tôi giờ đây không chỉ là vùng đất tươi đẹp, hùng vĩ, mà còn là nơi lưu giữ những kỷ niệm, những thân tình”.

Buổi sáng chia tay lũ nhỏ trở về thành phố, Ngọc nhận được 4 gói xôi của lũ trò nhỏ mang đến biếu thầy đi đường ăn kẻo đói. Có lẽ bởi cuộc sống không bị phụ thuộc vào điện thoại hay các thiết bị nghe nhìn, trẻ em miền núi sống rất tình cảm, chất phác, biết cách chăm sóc quan tâm tỉ mỉ đến người khác. Nhắc đến lũ trẻ là Ngọc lại bùi ngùi thương nhớ.

Tình nguyện viên Ánh Hồng, vốn đang theo học ngành Quản trị nhân lực, với nhiệm vụ tìm kiếm, tuyển chọn tình nguyện viên cho các lớp học, chỉ trong năm nay cô đã tuyển chọn được 250 hồ sơ tình nguyện viên đã tích cực tham gia dạy học ở nhiều địa bàn. Cô tự hào cho biết, Lớp học Cầu Vồng là xuất phát điểm đầy hứng khởi trong quãng đời đôi mươi đầy hoài bão của cô. “Trước khi đảm nhận vai trò Trưởng ban Nhân sự, tôi là tình nguyện viên tham gia dạy học trực tiếp của lớp học Hàn Gắn tại Thanh Trì. Đó là khoảng thời gian trải nghiệm vừa học vừa làm đầy khó khăn, nhưng vốn tính chủ động và luôn trách nhiệm với công việc, sau quãng thời gian cọ xát thực tế, tôi tự tin ứng tuyển vào Ban Nhân sự của Lớp học Cầu Vồng. Vị trí này giúp tôi dày dạn hơn trong việc đối mặt với thách thức, chịu được áp lực cao trong công việc và cách làm việc nhóm chuyên nghiệp hơn”, Hồng bày tỏ.

Nguyễn Thu Hà hiện đang đảm nhận công việc ở Ban Truyền thông, là người luôn tích cực gắn kết các thành viên của lớp, bởi cô coi lớp học Cầu Vồng như gia đình lớn của mình. Ở đó từ mỗi sự kiện, mỗi hoạt động của lớp, cô đều cảm nhận rõ sự nhiệt huyết tận tâm của các thành viên, và luôn có sự khớp nối các khâu để công việc được suôn sẻ. Có lẽ các thành viên đều có điểm chung mong muốn mọi người, đặc biệt là trẻ em, đều được có cơ hội học tập công bằng, nhân ái. Xuất phát từ sự đồng cảm đó, dù nhiều thành viên chưa có cơ hội gặp gỡ, chỉ là trao đổi với nhau trên điện thoại, nhưng luôn cảm giác hiểu nhau, gần gũi yêu thương nhau như một gia đình...

Mô hình học tập linh hoạt

Kể từ khi thành lập vào năm 2016, mỗi năm Lớp học Cầu Vồng hỗ trợ hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật và yếu thế nhận được cơ hội học tập và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Trong và sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19, dự án hoạt động thích ứng linh hoạt hơn với cả hình thức học trực tiếp và trực tuyến, đến nay đã tổ chức gần 20 lớp ở Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh miền núi phía bắc... Tùy theo từng đối tượng người học, các lớp học được mở theo nhu cầu thực tế. Lớp Phúc Xá dành cho các em chịu bạo lực gia đình, Lớp Phúc Tuệ dành cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển, Lớp Tương lai tươi sáng dành cho các em khiếm thị cùng nhiều lớp học đặc biệt khác...

Ánh Hồng cho biết, để được tham gia dự án, tình nguyện viên trải qua hai cuộc phỏng vấn nghiêm ngặt, cam kết phải tuân thủ nghiêm túc quy định của Ban tổ chức lớp học. Chính sự khắt khe từ khâu tuyển chọn, hầu hết các thành viên bắt nhịp công việc nhanh và hoạt động hiệu quả. Quỳnh Như, hiện đang là sinh viên năm 3 Học viện Ngoại giao. Biết đến và tự nguyện xin được tham gia vào Lớp học Cầu Vồng khi còn là học sinh phổ thông ở Gia Lai, cô dạy học online cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Là người không ngại khó, dạy trẻ học làm toán, nhiều lúc đường truyền không ổn định, âm ngữ địa phương khó nghe, cô trò gặp vô số trở ngại trong quá trình học. Đó chỉ là thử thách để cô gái trẻ phải vượt qua, cô tìm cách điều chỉnh phương pháp truyền đạt phù hợp hơn, nói chậm và rõ để trẻ hiểu rõ ý cô muốn truyền đạt, tìm cách tiếp cận bài học hấp dẫn dễ hiểu để thuyết phục trẻ kiên nhẫn, tự giác học. Công sức, nhiệt huyết trong mỗi lần dạy không thể đong đếm được... Tuy nhiên, đó cũng là hành trình để cô cảm nhận sâu sắc bài học về lòng nhân ái- Quỳnh Như tự hào chia sẻ về công việc của mình.

Những bàn tay kết thành Cầu Vồng ảnh 1
Các em nhỏ lớp học Cầu Vồng ở Phúc Xá (Hà Nội) vui đón trung thu. Ảnh | Ánh Hồng

“Bên cạnh các lớp học văn hóa và ngoại ngữ, dự án đang hướng đến hỗ trợ toàn diện hơn các kỹ năng cũng như hoạt động ngoại khóa, dã ngoại. Nếu thuận lợi, thời gian tới, một lớp học vẽ sẽ mở ở Hà Nội đáp ứng mong mỏi của nhiều trẻ em “- Trần Quý Thu Hà, sáng lập viên dự án Cầu Vồng tiết lộ.

Tình nguyện viên Lê Bá Ngọc sau 2 tuần dạy tiếng Anh ở lớp học Simacai có nhiều trăn trở. Lũ trẻ ở miền núi, bên cạnh thiệt thòi về điều kiện sống, học tập, các em còn thiếu sự dẫn dắt, một định hướng rõ ràng. Vật chất là thứ có thể hỗ trợ ngay, nhưng tư duy, suy nghĩ trong các em thì sẽ không thể ngày một ngày hai thay đổi được. Có được định hướng tốt, các bé sẽ có ý thức về sự học tập và phát triển bản thân. Vì thế, ngoài giờ học trên lớp, khi hiệu trưởng ngỏ lời mở thêm lớp học tối cho nhóm trẻ làm quen tiếng Anh, Ngọc sẵn lòng. Hai tuần ở đó, thầy trò thân thiết gần gũi, chuyện trò với nhau nhiều trên đường đến chợ, trong buổi leo núi, đi tắm suối, đi ngắm hoa cải vàng, hoa mận trắng... Hai tuần ở Cán Cấu, niềm hồ hởi luôn ngập tràn. Hai tuần tuy chẳng là bao, thôi thì giúp được các con bao nhiêu tốt bấy nhiêu, Ngọc luôn tâm niệm vậy...

Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý 1, Y Tý 2... Lớp học Cầu Vồng với những bước chân tình nguyện viên len lỏi đến tận nơi mang nguồn sáng tri thức thắp lên ước mơ học hành cho trẻ nhỏ... Ngày 26/10 vừa qua, các tình nguyện viên của Lớp học Cầu Vồng ở Simacai được địa phương tuyên dương vì có nhiều đóng góp trong hoạt động tình nguyện và công tác thanh niên trên địa bàn, dù lớp học so với các nơi vẫn còn non trẻ.

Bên cạnh mang lại cơ hội học tập, Lớp học Cầu Vồng thường xuyên tổ chức các hoạt động quyên góp thiện nguyện để gây quỹ. Các hoạt động nhân ái, vì cộng đồng như tặng quà cho bệnh nhân ung thư, kết hợp với tổ chức Good Neighbour Vietnam để tổ chức lớp học giới tính và kỹ năng tự bảo vệ mình, kết hợp với Rừng để tổ chức một Workshop trồng cây Mộc khởi, tặng quà Tết, trung thu cho các em nhỏ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn ở Thuận Thành, Lương Tài (Bắc Ninh), Bản Phùng (Lào Cai) quyên góp tiền chữa bệnh cho những người nghèo mắc bệnh hiểm nghèo... “Trải qua nhiều khó khăn trong học tập và lập thân nơi đất khách, tôi đã nhận được nhiều giúp đỡ. Lập nên Lớp học Cầu Vồng, tôi coi đó là cách sống yêu thương và có trách nhiệm với cuộc đời...”, sáng lập viên Thu Hà tâm niệm.